Vật lộn tìm lối ra

Từ nhiều năm nay, bài toán "hậu giải nghệ" của ngành thể thao vẫn luôn là chủ đề nóng khi nảy sinh hàng loạt khó khăn, bế tắc trên con đường tìm kiếm lời giải. Và chính nút thắt khó gỡ đó đã và đang tạo trở lực không nhỏ, ảnh hưởng đến nỗ lực thi đấu trên hành trình vốn đã đầy áp lực của các vận động viên chuyên nghiệp.

Việc thiếu cơ chế đào tạo và chính sách hướng nghiệp rõ ràng đang làm khó các VĐV khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Trong ảnh: Cựu cầu thủ bóng đá Hoàng Văn Phúc (giữa), nguyên Huấn luyện viên trưởng ĐTQG Việt Nam, hiện là Giám đốc kỹ thuật Câu lạc bộ Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI
Việc thiếu cơ chế đào tạo và chính sách hướng nghiệp rõ ràng đang làm khó các VĐV khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Trong ảnh: Cựu cầu thủ bóng đá Hoàng Văn Phúc (giữa), nguyên Huấn luyện viên trưởng ĐTQG Việt Nam, hiện là Giám đốc kỹ thuật Câu lạc bộ Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Vô vàn ngã rẽ hậu chia tay…

Công tác định hướng nghề nghiệp cho vận động viên (VĐV) dù đã được chú trọng hơn trong những năm gần đây, nhưng thực tế vẫn chưa diễn ra thường xuyên. Thỉnh thoảng, các trung tâm huấn luyện thể thao lớn trong nước hoặc một vài địa phương sẽ mở lớp, mời các chuyên gia đến nói chuyện, chia sẻ về các cơ hội việc làm, nền tảng kiến thức hay các kỹ năng nhằm mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, những hoạt động đó thực chất vẫn chỉ mang tính bề nổi, không giải quyết được hết nhu cầu và nguyện vọng của mọi người. Hầu hết các VĐV Việt Nam sau khi giải nghệ đều phân vân không biết phải làm gì, nhiều người đành chọn các công việc như làm bảo vệ, sửa xe… hay những nghề không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng.

Theo thống kê có tới 60 - 70% số VĐV là tuyển thủ cấp tỉnh nhiều năm liền, sở hữu thành tích trong và ngoài nước, khi chia tay sự nghiệp phải bắt đầu công việc khác chứ không phải chuyên môn thể thao. Chỉ khoảng 10 - 15% số tuyển thủ quốc gia trụ lại làm huấn luyện viên (HLV). Số còn lại làm giáo viên thể chất, nhưng chủ yếu theo dạng hợp đồng có thời hạn, rất bấp bênh.

Một lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội - trung tâm hàng đầu trong nước, thừa nhận số VĐV đỉnh cao giải nghệ làm HLV hoặc các công việc chuyên môn có liên quan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với gần 4.000 VĐV ở 42 bộ môn, việc tìm đầu ra cho tất cả là điều không thể. Nhà quản lý này cũng chia sẻ sự bất lực của mình cũng như cả ngành thể thao, bởi bộ máy nhân sự được phân bổ rất hạn chế, muốn nhận thêm người cũng khó dù VĐV có thành tích cao, đạt nhiều huy chương quốc tế.

Việc VĐV Việt Nam chọn ngã rẽ không liên quan đến thể thao cũng là điều thường gặp. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu chuyện buồn về sự bạc bẽo của nghiệp thể thao, như: nữ chân chạy đường dài một thời Trần Thị Soa (tham dự Olympic 1980) từng phải làm nhân viên dọn vệ sinh và bán vé ở sân Vinh (Nghệ An); VĐV điền kinh Nguyễn Thị Nụ đi nhổ cỏ… Gần nhất, chàng trai vàng thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng đã quyết định mở phòng tập thể thao cộng đồng để bảo đảm thu nhập, thay vì cố gắng bám trụ với nghề HLV. Đây chỉ là số ít những gương mặt nổi tiếng, việc hàng nghìn VĐV trong nước đi đâu, về đâu sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao vẫn là câu hỏi lớn.

Những phép tính không dễ dàng có dấu

Thực tế, việc tập luyện và thi đấu liên tục khiến phần lớn các VĐV hay tuyển thủ quốc gia thiếu sự chuẩn bị cần thiết trong công tác định hướng việc làm. Bên cạnh đó, ngay cả những cá nhân lường trước được bài toán tương lai cũng phải vật lộn và xoay xở rất nhiều, mới hy vọng vừa có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa giữ vững thành tích cá nhân.

Có thể kể đến tay vợt số một Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã khai trương cửa hàng chuyên kinh doanh dụng cụ thi đấu cầu lông tại TP Hồ Chí Minh từ cách đây vài năm. Nhà vô địch nhảy xa Asiad 2018 Bùi Thị Thu Thảo mở cửa hàng ăn uống ở Ba Vì (Hà Nội). Tay vợt lão luyện Đinh Quang Linh đã ra mắt Trung tâm Huấn luyện và Phát triển tài năng bóng bàn năm 2019. Những gương mặt nêu trên, tuy không còn phải lo tương lai bấp bênh sau giải nghệ, nhưng chính chuyện "cơm áo gạo tiền" cũng không ít lần ảnh hưởng tới việc cải thiện thành tích chuyên môn.

Ngoài ra, không ít VĐV bỏ nhiều công sức nơi cánh cửa các trường đại học với hy vọng có được tấm bằng HLV chuyên ngành thể thao. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ, hoặc lịch tập luyện, thi đấu dày đặc khiến hầu hết trong số đó thường xuyên bị nợ môn, phải học lại, thi lại. Cô gái vàng wushu Dương Thúy Vi đã mất tới bảy năm mới giành được tấm bằng tốt nghiệp. Để có được kết quả ấy, VĐV sinh năm 1993 này sau khi kết thúc buổi tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I (Nhổn, Hà Nội) đều đặn phải chạy xe máy tới tận Từ Sơn (Bắc Ninh), với quãng đường đi về cả trăm km. Hay như tay vợt bóng bàn Đoàn Kiến Quốc từng nợ đến 40 môn, phải nộp lệ phí học lại và thi lại với tổng số tiền lên tới… 300 triệu đồng.

Vật lộn tìm lối ra -0

Ngoài công việc chuyên môn, HLV thể dục dụng cụ Trương Minh Sang còn giúp VĐV định hướng tương lai sau này.

Khoảng trống trách nhiệm

Thời gian thi đấu đỉnh cao của các VĐV thường chỉ kéo dài trong 10 năm. Đây là quy luật thực tế đầy khắc nghiệt mà tất cả những ai quyết định đi theo con đường này đều phải ý thức và chấp nhận. Tuy nhiên, nếu các nhà quản lý xây dựng được bộ cơ chế đào tạo, chính sách hướng nghiệp cho VĐV rõ ràng hơn, chắc chắn vấn đề "đầu ra" sẽ không bế tắc như hiện tại. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, hay sự phối hợp với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giúp VĐV có việc làm hoặc có nền tảng nghề trước khi giải nghệ chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2020, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị để hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao thành tích cao, như: Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo cử nhân, thạc sĩ; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ khởi nghiệp cho các VĐV; Tổng công ty Dầu Việt Nam tuyển nhân viên với khoảng 70 vị trí bán xăng tại các cây xăng dầu trên cả nước; Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam tuyển dụng một số vị trí nhân viên khách sạn tại Đà Nẵng...

Rõ ràng, mảng liên kết đào tạo - việc làm với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp khác của thể thao Việt Nam vẫn là những khoảng trống. Sau nhiều chương trình tọa đàm, giao lưu hướng nghiệp, tình trạng mất phương hướng "hậu giải nghệ" chưa thật sự được giải quyết. Những công việc được tạo điều kiện chỉ mang tính chất tạm thời, không phải ai cũng hứng thú, hơn nữa cũng không tận dụng được thế mạnh của các VĐV, với nền tảng thể lực tốt, nhanh nhẹn, thông minh, ý chí và nghị lực…

AN AN