Và đó là hạnh phúc!

Hạnh phúc là mục tiêu của văn hóa hay chỉ có văn hóa mới đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Đó là một chân lý.

Những đảng viên trẻ vừa được kết nạp sau những ngày cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Cường
Những đảng viên trẻ vừa được kết nạp sau những ngày cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Cường

Kỳ lạ và vĩ đại thay Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Độc lập mới được một năm, 20 vạn quân Tưởng vừa rút đi, tiếng súng gây hấn của thực dân Pháp đã vang lên, chỉ ít ngày nữa là Toàn quốc Kháng chiến, vậy mà ngày 24/11/1946, Chính phủ mở "Hội nghị Văn hóa toàn quốc" và chính Bác Hồ đọc diễn văn khai mạc. Hai năm sau, trong hoàn cảnh kháng chiến, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức, diễn ra trong 5 ngày (16 đến 20/7/1948).

Nghĩa là những hội nghị văn hóa được tổ chức liên tiếp như hội nghị chính trị, quân sự, kinh tế để giải quyết những vấn đề bức thiết của cách mạng và đời sống.

Trở lại Hội nghị lần thứ nhất.

Báo Cứu Quốc số 416 ra ngày 25-11-1946 đã đăng tường thuật như sau:

"Hà-nội, 24-11-1946: Hội nghị văn hóa toàn quốc họp phiên khai mạc sáng nay vào hồi 9 giờ tại Nhà hát lớn.

Tới dự có Cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ, Cụ chủ tịch Ủy ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và mấy vị bộ trưởng. Các đại biểu, các nhà văn hóa toàn quốc có hơn 200 vị gồm cả Trung Nam Bắc. Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc... Hồ Chủ tịch khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm của Người. Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

... Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.

Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ... Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.

Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.

Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Để kết luận, Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ".

Sở dĩ, tôi trích đoạn này hơi dài vì nguyên văn bài phát biểu 40 phút của Bác nay không lưu được, chỉ có trên tường thuật của báo Cứu Quốc và những luận điểm của Bác về văn hóa là rất cơ bản, rất thời sự.

Lâu nay các báo, các công trình khoa học thường chỉ dẫn một ý Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Đúng, đây là một luận điểm quan trọng, và Người nhấn mạnh lại điều đó khi kết luận: "Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Từ câu này, so với thời gian vừa qua và hiện nay, ta phải nghiêm khắc đặt câu hỏi: Ta đã lấy văn hóa để lãnh đạo và lãnh đạo thật sự bằng văn hóa chưa?

Trong Hội nghị này, Bác nêu rõ mục đích của văn hóa: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở".

Người khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và chính trị.

Người chỉ ra phương hướng thu hút mọi tinh hoa thế giới để xây dựng một nền văn hóa "có tinh thần thuần túy Việt Nam".

Người đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho văn hóa, làm văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân. Văn hóa phải làm cho mọi người hiểu rõ nhiệm vụ đối với gia đình, Tổ quốc; biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.

Đây là những luận điểm cực kỳ sâu sắc và xác đáng về văn hóa, về xây dựng văn hóa mới.

Trong bài viết này, tôi muốn đi sâu vào mối quan hệ giữa văn hóa và hạnh phúc.

Văn hóa là khái niệm khá trừu tượng. Hạnh phúc còn là thứ trừu tượng hơn.

Hạnh phúc không phải là một trạng thái cảm xúc về sự thỏa mãn nhất thời, không chỉ là ở cấp độ hài lòng. Hạnh phúc phải chăng là có điều kiện vật chất được bảo đảm một cách tương đối; có môi trường tự nhiên và xã hội trong lành; là sự ham sống, sống một cách hưng phấn đối với hiện tại và có niềm tin, tình yêu thương đối với con người; có niềm tin về một tương lai tốt đẹp; là được cống hiến và ghi nhận; là luôn ở trạng huống sẵn sàng chia sẻ vì người khác, và có thể hy sinh vì những điều thiêng liêng.

Từ thực tế và trong cái nhìn hướng vọng tới những mục tiêu cao hơn, chúng ta chưa thật sự thấy hạnh phúc trọn vẹn khi đất nước còn mang nhiều nỗi đau.

Đó là nỗi đau chiến tranh chưa nguôi.

Đó là nỗi đau thiên nhiên bị tàn phá nặng nề. Đại ngàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc...; những cánh đồng ba miền thẳng cánh cò bay, những dòng sông trong mát đã bị thu hẹp, hủy hoại gần đến kiệt cùng. Đến cả không khí trong lành cũng hiếm. Ô nhiễm đang làm cho bệnh tật ngày càng nhiều, bệnh nào cũng mạnh, cũng "trẻ hóa"...

Đó là nỗi đau con người bị tha hóa. Từ người nông dân chất phác ngàn đời trồng rau cũng "luống ăn, luống bán", luống sạch để ăn, luống độc để bán.

Ở một đất nước có truyền thống hiếu nghĩa, đặt hiếu kính cha mẹ lên vị trí hàng đầu trong thang giá trị đạo đức; ở đất nước tôn sư trọng đạo coi thầy như cha nhưng chuyện con bất hiếu với cha mẹ, trò đánh thầy vẫn có lúc xảy ra. Thầy cũng không như trước...

Bạo lực phát tác, tín nghĩa suy giảm, đến nỗi người sợ người, không dám tin vào con người!

Nhiều nơi, tôn giáo không phải để an ủi con người mà để làm "dịch vụ", để chiếm đất và thu hút nguồn tiền.

Nỗi đau từ sự thiếu năng lực, tha hóa phẩm chất của không ít cán bộ lãnh đạo là một nỗi đau lớn. Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm cật lực mà không hết việc. Dân gian nói: "Sờ vào đâu cũng có thể bắt được".

Tôi cho rằng, chúng ta đã sai khi buông lỏng, xem nhẹ văn hóa; đã để di hại ít nhất trong vài, ba thế hệ.

Thời buổi kinh tế thị trường đã khiến nhiều người lầm tưởng đồng tiền là thống soái, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Câu chuyện một cán bộ cấp cao, có rất nhiều tiền, vào tù mới thấy mình đã quá sai, mới xin lỗi Đảng và nhân dân; mới mơ ước được làm người bình thường đã chứng minh hùng hồn và cảnh tỉnh rằng, đồng tiền đã không mua được hạnh phúc, không mạnh hơn công lý, không xóa được lương tri con người. Từ thời cổ đại, Heraclit đã nói một cách hình ảnh: "Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc".

***

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học không chỉ là chiến lược của Đảng, Nhà nước, mà còn là nguyện vọng tha thiết của các nhà văn hóa, của toàn thể nhân dân ta. Khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện; khi ước vọng đã biến thành quyết tâm chính trị, không việc gì không thành công.

Trên đất nước ta hiện nay có rất nhiều viện, nhưng chưa hề có viện nghiên cứu về hạnh phúc con người. Nếu có một viện như vậy, và viện này đưa ra được những khảo sát, những kết luận khoa học có giá trị, chắc hẳn sẽ là một kênh thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, cho mỗi người.

Dù vậy, qua thực tiễn, ta có thể thấy rõ những nhiệm vụ cấp thiết của công tác văn hóa.

Trước hết là coi trọng đội ngũ trí thức, coi trọng hơn nữa đội ngũ trí thức chân thành, trung kiên, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; động viên họ sáng tạo nên những tác phẩm, những sản phẩm tinh thần bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu thương con người, có khát vọng vươn tới những điều cao cả, có khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, trong giai đoạn này cần đề cao lối sống lành mạnh, vị tha; có dũng khí và hành động anh hùng để đương đầu và chiến thắng cái xấu, cái ác từ ngay trong bản thân và ngoài xã hội.

Hội nghị văn hóa lần này, do đó, mở ra hy vọng, mở ra những cơ hội lớn để các nhà văn hóa được có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho hạnh phúc con người. Vì chỉ văn hóa mới làm cho con người biết kiềm chế tham vọng, kiềm chế cái xấu; hướng về cái tốt đẹp, biết cảm nhận và hưởng thụ hạnh phúc dù có khó khăn, vì cuộc sống không bao giờ hết khó khăn… Chỉ có văn hóa mới làm cho con người biết yêu cuộc sống và sống có ý nghĩa, trở thành CON NGƯỜI viết hoa như M. Gorki nói. Và đó là hạnh phúc...