Trồng rừng trên đá

Trồng rừng trên đá, thoạt nghe tưởng không thể, nhưng lại được thực hiện thành công tại vùng núi đá khô cằn ở Thuận Nam (Ninh Thuận). Cũng từ những mầm xanh này, cơ hội tăng độ che phủ rừng cho vùng đất hạn hán quanh năm được mở ra.

Cây thanh thất được trồng nhân rộng trên vùng núi đá rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Cây thanh thất được trồng nhân rộng trên vùng núi đá rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Khát vọng xanh

Nhiều thành viên tham gia dự án trồng rừng do Quỹ Sống điều phối trong chuyến đến Thuận Nam đầu mùa hè năm nay hết sức ngỡ ngàng khi tận thấy những cây thanh thất len lỏi, tràn đầy sức sống giữa đá sỏi khô cằn.

Ðúng như tên gọi núi Ðá Bạc, huyện Thuận Nam, đá ở đây bạc trắng bởi một thời gian dài, vắng bóng cây xanh. Bên cạnh thời tiết nóng đặc thù của Ninh Thuận, cây xanh ở đây không thể mọc được vì đều trở thành thức ăn của dê và cừu. Thế rồi từ một vùng chỉ nhìn thấy đá, với nỗ lực nghiên cứu và quyết tâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã làm nên kỳ tích nghiên cứu, tìm được cây thanh thất - một giống cây rừng bản địa thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội có khả năng chịu được khí hậu khô hạn để nhân rộng.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, nếu như cây nem chịu hạn tốt được nhập hạt giống từ Ấn Ðộ và châu Phi, cây thanh thất là giống cây rừng tự nhiên, bản địa vùng đất gió Ninh Thuận. Cây thanh thất có tên khoa học Ailanthus triphysa (Dennst.) Alston, thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae), sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn kéo dài. Ưu điểm của loại cây thân gỗ mềm này là không bị dê, cừu ăn lá như các loại cây khác. Chính vì vậy, loại cây đặc biệt này không chỉ cải thiện tốt môi trường mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Sau bước nghiên cứu, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam bắt tay trồng thử nghiệm loại cây thanh thất. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án JICA 2 - dự án trồng rừng thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP - RCC, Ban đã trồng thực nghiệm 5 ha cây thanh thất để đánh giá tiềm năng trồng rừng của loại cây này. Nhận thấy có hiệu quả và phù hợp, đến nay Thuận Nam đã triển khai trồng nhân rộng, trồng được hơn 650 ha cây thanh thất trên núi đá rừng phòng hộ ven biển. Giờ đây đi qua các khu vực rừng trồng, có thể thấy nhiều cây thanh thất đã vươn cao tầm hai, ba mét. Với đà phát triển này, các chuyên gia ước tính chỉ khoảng 10 năm nữa, trên cánh rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, cây thanh thất sẽ phủ xanh những khu vực vốn trước đây chỉ nhìn toàn thấy núi đá.

Không chỉ góp phần ngày một phủ xanh rừng núi đá, cây thanh thất còn tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ở địa phương. Ông Châu Hội (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam), Tổ trưởng của 15 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nơi đây cho biết, vào mùa trồng rừng các thành viên có thêm việc làm khi tham gia trồng cây thanh thất cùng Ban Quản lý rừng. Ðồng thời, nhận khoán luôn bảo vệ rừng thanh thất và các loại rừng khác. Bình quân mỗi thành viên nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400 nghìn đồng/ha/năm. Có nguồn vốn nhỏ, các thành viên tổ cộng đồng mua gia súc chăn nuôi dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Tiếp nối nỗ lực trồng rừng

Nhiều người dân Thuận Nam giờ đây mong ước mỗi khi bước lên xe từ Ninh Thuận đến Sài Gòn, bên tay phải không còn là núi đá mầu vàng khô cằn mà xanh một mầu của rừng cây. Mong muốn ấy cũng là động lực để cộng đồng cùng góp sức. Vì thế đã có nhiều chương trình, dự án đồng hành nhằm ngày một xanh hóa vùng đất này. Mới đây, dự án Gây quỹ trồng rừng, giữ nước do Quỹ Sống điều phối đặt ra mục tiêu trồng 200 nghìn cây thanh thất tại vùng núi đá Thuận Nam. Dự án bắt đầu gây quỹ từ cuối tháng 4/2021 để chuẩn bị cho mùa trồng cây bắt đầu từ tháng 9-10 năm nay. "Sau khi trồng và duy trì được cây thanh thất tiên phong, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thêm các loại cây khác với hy vọng trong tương lai gần các loại cây tự nhiên có điều kiện mọc lên trên vùng đất đá này", quản lý của dự án chia sẻ.

Là người thực hiện nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Ninh Thuận từ năm 2006, anh Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, là cố vấn dự án cho biết: Xu hướng sa mạc hóa ở Ninh Thuận đang càng trở nên cực đoan. Lượng mưa trung bình hằng năm chỉ khoảng 700 mm, vỏn vẹn bằng lượng mưa cực đoan trong một ngày ở Hà Tĩnh. Ninh Thuận đang có xu hướng "trắng hóa" các quả đồi, núi, vì thế giải pháp để giữ được đất, nước là phải có cây xanh. Một trong những "công nghệ" tự nhiên sẵn có và cũng rất hiệu quả để thực hiện mục tiêu trung lập khí carbon dioxide (đưa mức phát thải carbon dioxide về 0) chính là rừng. Ðây cũng chính là "vũ khí" thiết yếu trong chống biến đổi khí hậu.

Với cây thanh thất, như đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, vùng đất khô cằn, khắc nghiệt phía nam của tỉnh đang được hồi sinh một cách rõ rệt. Việc trồng thành công cây thanh thất góp phần ngày một phủ xanh các vùng núi đá, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Ðồng thời, mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng để trồng phục hồi rừng tại các khu rừng núi đá, rừng phòng hộ ven biển của tỉnh và cho cả khu vực Nam Trung Bộ ■