Trách nhiệm không của riêng ai

Thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh, nhưng các vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra khá phổ biến và ngày càng có xu hướng phức tạp hơn. Để hóa giải tình trạng trên, cần có những công cụ, giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ nhằm sớm ngăn chặn và đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguyễn Đức Thuận bên tang vật là những lọ thuốc điều trị Covid-19 giả. Ảnh: SỸ HƯNG
Nguyễn Đức Thuận bên tang vật là những lọ thuốc điều trị Covid-19 giả. Ảnh: SỸ HƯNG

Muôn kiểu lách luật, thủ đoạn tinh vi

Liên tiếp trong những ngày tháng 9, Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã phối hợp bắt, thu giữ hàng chục nghìn hộp thuốc điều trị Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt...

Theo Trung tá Ngô Anh Thuấn, Phó Đội trưởng đội 5, (Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường), qua đấu tranh, đối tượng khai nhận không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua thuốc trôi nổi, sau đó đưa lên mạng rao bán lại kiếm lời. “Hiện các mặt hàng vật tư y tế bắt giữ không bảo đảm các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó người dân cần cảnh giác và tránh mua thuốc không có nguồn gốc”, Trung tá Thuấn cảnh báo.

Cũng liên quan đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thuận, Dương Quốc Chính và Nguyễn Thị Kim Tuyến để điều tra về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”.

Khi bị bắt quả tang, đối tượng Thuận chở hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 có dấu hiệu giả mạo. Khám xét khẩn cấp tại ba địa điểm khác, công an tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu, trong đó có hơn 3.000 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả của nhiều nhãn hiệu dược có tiếng trên thế giới… Thủ đoạn của Thuận và đồng bọn là mua nguyên liệu, đem về sản xuất ra các loại thuốc giả mạo rồi đưa lên mạng xã hội bán, và hàng hóa đều được giao qua grab, xe ôm… để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Một vụ việc hàng giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cũng mới được phát hiện hồi tháng 8 vừa qua. Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất kho hàng có địa chỉ tại khu An Giải, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tại đây đã tạm giữ hơn bốn triệu sản phẩm hàng hóa có nhãn hiệu Gillette, Croma, Bic, Thiên Long, Plog..., trị giá ước tính gần 10 tỷ đồng. Qua kiểm tra, phát hiện chủ kho hàng là ông Chen JinMing, quốc tịch Trung Quốc. Theo kết quả điều tra, ngày 19/8/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Chen JinMing về hành vi buôn bán hàng giả.

Đáng chú ý, mạng xã hội đang được các đối tượng khai thác triệt để cho việc tiêu thụ hàng giả. Tại Nam Định, sau gần sáu tháng trinh sát, theo dõi, ngày 17/3/2021, Tổ công tác 368 phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt giữ hơn 30 nghìn sản phẩm hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản).

Theo đại diện Tổ công tác 368 tỉnh, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội với hàng chục tài khoản có tên gọi khác nhau để chào bán, dùng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo, chặn tài khoản vì vi phạm... “Tinh vi hơn nữa, đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất, cửa hàng này không có bất cứ sản phẩm nào, toàn bộ hàng hóa được cất giấu tại kho hàng ở thôn Đại Lại...”, đại diện Tổ 368 tỉnh Nam Định cho biết thêm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, những vụ buôn bán hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị truy tố, còn dưới mức này, xử lý hành chính. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự. Thậm chí, các đối tượng chấp nhận bị xử lý hành chính và vẫn tái phạm. “Nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả, buôn lậu rất manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng…, do đó việc đấu tranh ngăn chặn cũng như phòng, chống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế”, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường phân tích.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm

Nạn hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và nền kinh tế. Theo chia sẻ của lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - một trong những ngành hàng thường xuyên phải đối diện với mặt hàng sản phẩm thép thường bị làm giả, làm nhái thương hiệu được đặt sản xuất ở những cơ sở kém chất lượng hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng và giá thấp hơn, sau đó được in nhãn mác thương hiệu các đơn vị lớn như Hòa Phát, thép Miền Nam, tôn Hoa Sen… bán trà trộn ra thị trường với giá thấp.

Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, giảm sản lượng tiêu thụ, giảm thị phần, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, gây nghi ngờ cho người tiêu dùng, thiệt hại về kinh tế, thương hiệu. Để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, VSA cho rằng, cơ quan quản lý cần có các cơ chế xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, điều cốt lõi trong cuộc chiến chống hàng giả là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường... “Thay vì né tránh, e ngại công bố các sản phẩm của mình bị làm giả, nên chăng các doanh nghiệp cũng cần phối hợp tốt hơn với các lực lượng chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp mình”, ông Hùng kiến nghị.

Được biết, Bộ Công thương đang trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường… Điểm nổi bật, dự thảo bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại... nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính ngày càng tinh vi hiện nay.

Cùng với việc từng bước hoàn thiện khung khổ pháp luật, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng công tác tuyên truyền. Theo đó, triển khai Kế hoạch 888 rộng khắp trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, với những mục tiêu rất cụ thể, thí dụ như tuyên truyền, ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng lậu… Đồng thời, tăng cường theo dõi, rà soát, phân loại các đối tượng để có những giải pháp tuyên truyền, giám sát, quản lý nhằm ngăn chặn cũng như phát hiện kịp thời gian lận thương mại, hàng giả xuất hiện trên thị trường.

Gần đây, tại cuộc họp trực tuyến với toàn bộ lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Quản lý thị trường và 63 Cục Quản lý thị trường địa phương, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần phải chấn chỉnh lại toàn bộ lực lượng thực thi công vụ và đưa ra sáu nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng quản lý thị trường phải thực hiện trong thời gian tới.

“Những vụ việc vi phạm của cán bộ xảy ra gần đây cần được coi là bài học kinh nghiệm, thậm chí là bài học đau đớn để xây dựng lại lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức chuyên môn và là đơn vị tham mưu cho Bộ đưa ra những quyết sách, quy định đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của bộ chủ quản và sự chung tay của các lực lượng chức năng, hy vọng công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả với những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ như hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung trang thiết bị chuyên ngành hiện đại, đầy đủ và xây dựng lực lượng chống hàng giả chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức công vụ… sẽ được triển khai thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước... Từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.