Tòa soạn trước thách thức của mô hình "cơ quan báo chí-công nghệ"

Phát triển theo mô hình "cơ quan báo chí-công nghệ" (media-tech) đang là xu hướng trên thế giới nhằm nâng cao năng lực công nghệ hỗ trợ cho hoạt động báo chí, cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan báo chí cần nhanh chóng đổi mới mô hình sản xuất, đầu tư cho công nghệ để có thể thích nghi với sự thay đổi của bạn đọc.

Xu hướng phát triển podcast tại các cơ quan báo chí.
Xu hướng phát triển podcast tại các cơ quan báo chí.

Theo báo cáo "Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2021" của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), 76% số người tham gia khảo sát cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi số của họ. Giãn cách xã hội trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với sự phát triển chóng mặt của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan truyền thông đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí, quản trị.

"Người du mục" trong thời đại kỹ thuật số

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), quan niệm về báo chí đang có sự thay đổi. Trước việc người đọc có quá nhiều sự lựa chọn trong tiếp cận thông tin, giờ đây thay vì ngồi "giữ đền", báo chí cần giành quyền chủ động. Độc giả ở đâu, báo chí phải đi đến đó.Nói cách khác, báo chí giống như "người du mục" trong thời đại kỹ thuật số.

Theo báo cáo đưa ra hồi tháng 1/2021 của Hootsuite khi nghiên cứu hành vi của người dùng internet tại Việt Nam, có đến 83% lên mạng để xem video, xếp sau các hành vi nhắn tin và tương tác trên mạng xã hội (đều chiếm hơn 90%). Vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, các tòa soạn cần phải "nghĩ đến mobile", bởi từ khái niệm "mobile first" (ưu tiên cho điện thoại di động), báo chí thế giới đã sang giai đoạn "mobile only" (chỉ dành cho điện thoại di động). Những trang điện tử không có thiết kế riêng thân thiện với bản điện thoại di động sẽ rất khó thu hút độc giả.

Tập đoàn truyền thông Amedia của Na Uy là cơ quan báo chí đã sớm tiến hành phân tích mối tương quan giữa hành vi của độc giả với thông tin mà các tờ báo đang cung cấp. Họ nhận ra, rất nhiều nội dung của mình đã đi chệch mục tiêu mà độc giả quan tâm. Bằng nhiều sáng kiến dựa trên việc phân tích hành vi của độc giả, Amedia đã nâng tổng số người đọc có đăng ký (và trả phí) trên các trang mạng của mình từ con số 430.000 của năm 2014 lên 1,6 triệu vào tháng 9/2020, tức chiếm 41% dân số trên 18 tuổi của đất nước Bắc Âu này.

Phân tích hành vi, thói quen của độc giả để cung cấp thông tin đúng theo nhu cầu chỉ là một trong số những thí dụ về việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí. Mô hình "cơ quan báo chí-công nghệ" (media-tech) là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn như The New York Times, The Washington Post, Bloomberg, The Wall Street Journal (Mỹ), South China Morning Post ( Hồng Công, Trung Quốc)… đang hướng tới. Quá trình đổi mới, phát triển công nghệ quyết liệt đã mang lại cơ hội chuyển mình cho The New York Times, một trong những tòa soạn lâu đời nhất nước Mỹ. The New York Times tiên phong đổi mới công nghệ bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn; tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bị di động. The New York Times đặc biệt chú trọng văn hóa chuyển đổi số nội bộ tòa soạn, trong tư duy các cấp quản lý. Đội ngũ chuyên gia công nghệ có số lượng ngày một đông hơn, nắm vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện; phát triển báo chí đa nền tảng cũng như tương tác và giữ chân bạn đọc.

Xu hướng không thể đảo ngược

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói
Việt Nam nhận định, thách thức lớn đối với báo chí hiện nay chính là việc phải cạnh tranh trực tiếp, trực diện trên chính "sân nhà" với rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài, với các nền tảng truyền thông mới... Nhu cầu của công chúng đang thay đổi, nguồn thu từ quảng cáo đang chuyển dần từ nền tảng truyền thống sang các nền tảng số... Do đó, các tòa soạn cần đầu tư đúng mức cho việc sản xuất sản phẩm nội dung số và đóng gói, phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau.

Chia sẻ góc nhìn về cách thức hóa giải thách thức lớn nói trên, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam chỉ ra, mấu chốt vấn đề là các tòa soạn, cơ quan báo chí cần tự chủ và làm chủ được công nghệ. Muốn hiện thực hóa các ý tưởng, dự án báo chí công nghệ, cần có trong tay một đội ngũ lập trình viên "tinh nhuệ".

Tuy nhiên, một lập trình viên giỏi có thể kiếm được việc làm tại các công ty công nghệ với thu nhập vài nghìn USD mỗi tháng. Vì vậy, việc tuyển dụng, hút nhân tài đang khiến các cơ quan báo chí theo đuổi mô hình "báo chí-công nghệ" gặp khó khăn về tài chính. Ngay cả khi phối hợp cùng các đối tác công nghệ để thực hiện dự án, bài toán về nguồn kinh phí, đào tạo nhân lực... vẫn hết sức nan giải.

Trên thế giới, mô hình tiêu chuẩn hiện là cứ 6-8 nhà báo, cần có một nhân viên công nghệ làm việc cùng các phóng viên và biên tập viên trong quá trình sản xuất nội dung. Theo đuổi định hướng phát triển mô hình cơ quan báo chí-công nghệ, Báo Nhân Dân chủ trương quy tụ những tài năng trong lĩnh vực vận hành hệ thống và nghiên cứu những sản phẩm báo chí-công nghệ mới. Bên cạnh đó, báo cũng mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học để có thêm nguồn lực chất xám chất lượng cao tham gia hiện thực hóa các dự án báo chí công nghệ.

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng rất tốt sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi mạnh mẽ các hình thức truyền thông cũ bằng những hình thức truyền thông mới, tạo được ấn tượng đối với công chúng thông qua những tác phẩm báo chí chất lượng cao. "Mô hình "cơ quan báo chí-công nghệ" là con đường chắc chắn phải đi nếu muốn phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng", đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.