Tính độc lập của "người phán xử"

Thực tiễn bảo đảm chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học (giờ đã được tự chủ) phong phú và muôn dạng với những mô hình đa dạng đòi hỏi công việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cũng phải có sự thích ứng nếu không sẽ hạn chế sức sáng tạo của các cơ sở này.

Nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Cần chấp nhận những phương án thay thế theo nguyên tắc hiệu quả và thích hợp khi đánh giá chất lượng một cơ sở giáo dục hay một chương trình đào tạo.

Chính vì vậy, xây dựng, triển khai và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) để tiến tới văn hóa chất lượng là mục tiêu cao nhất của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học.

Ðể hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, theo tôi, cần sớm thành lập một Hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia (độc lập và trực thuộc Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng). Tách việc đánh giá ngoài (do các trung tâm kiểm định phụ trách) khỏi cơ quan kiểm định cuối cùng (độc lập) sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch và tính nhất quán khi các trường dùng chung hoặc các thang đo chất lượng (Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng) khác nhau và bảo đảm tính độc lập của "người phán xử", người ra quyết định, đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học. 

Cần khẳng định các trung tâm kiểm định là các tổ chức phi lợi nhuận. Việc để cho các trung tâm này hoạt động như một tổ chức vì lợi nhuận sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Do vậy, trước hết cần đổi mới cơ chế tài chính cho kiểm định chất lượng nhằm bảo đảm tính phi lợi nhuận của các hoạt động từ thẩm định báo cáo tự đánh giá, tổ chức đánh giá ngoài và công nhận chất lượng giáo dục.

Thực tiễn đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo cho thấy rất cần sử dụng một Bộ tiêu chuẩn phù hợp hơn để đánh giá chất lượng cho cả cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Cần kết hợp cả đánh giá quá trình theo triết lý PDCA (plan-do-check-act) của Bộ tiêu chuẩn đang sử dụng và đánh giá kết quả theo Bộ tiêu chuẩn đã sử dụng từ tháng 6/2018 trở về trước, đồng thời cần xem xét đến việc tuân thủ các quy định. Vì vậy, đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để có những cải tiến theo đúng nguyên tắc PDCA mà các Bộ tiêu chuẩn này đang theo đuổi.

Mặt khác nên khuyến khích thiết kế, áp dụng các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng (được kiểm định) có thể sử dụng cho các loại hình trường khác nhau: trường định hướng nghiên cứu và trường định hướng ứng dụng, trường công và trường tư; cho các chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khác nhau như: Văn hóa - Nghệ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Khoa học sự sống...; cho phép các trường đại học lựa chọn các Bộ tiêu chuẩn kiểm định khác nhau. 

Các cơ quan chức năng cần thay đổi phương thức quản lý đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Cần sớm tiến hành chuẩn hóa lại và phát triển hệ thống quy trình và công cụ đo lường chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo với sự trợ giúp của các chuyên gia và các tổ chức bảo đảm, kiểm định chất lượng trong và ngoài nước.

Ðồng thời, cơ quan quản lý cần sớm ban hành các chính sách, quy định và chế tài đầy đủ để phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của mỗi cơ sở giáo dục gắn với bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng bên ngoài, góp phần thúc đẩy tự chủ đại học.

Cuối cùng, một vấn đề rất quan trọng là mở thông các điểm nghẽn về chính sách để phát triển đội ngũ kiểm định viên bảo đảm đáp ứng về năng lực, cân đối về cơ cấu ngành nghề và độ tuổi; bảo đảm đủ năng lực hỗ trợ, tư vấn cho Hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia trong các hoạt động kiểm định chất lượng của Hội đồng.

GS, TSKH ĐẶNG ỨNG VẬN