Tìm cơ chế khuyến khích cán bộ tuân thủ chuẩn mực

Những tập thể lãnh đạo cùng vi phạm gợi ra nguy cơ các quy định thể chế có thể bị vô hiệu hóa. Vì thế, bảo đảm chất lượng người đứng đầu và tính khách quan là hai yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Đăng Khoa
Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Đăng Khoa

Khi công-tư cùng lệch chuẩn

Cuối quý I và đầu quý II/2022, dư luận trong nước rúng động trước hàng loạt vụ việc liên quan các công ty Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC… Trong các vụ việc nêu trên, ít nhiều đều có sự can dự của một bộ phận cán bộ nhà nước, cụ thể là một số cán bộ tại Học viện Quân y, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương, hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sự can dự của cán bộ công quyền vào các vụ vi phạm gợi nhớ con số 25.104 đảng viên bị xử lý kỷ luật trong giai đoạn 2016-2020, được nêu ra tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 9/12/2021. Ngày 6/4/2022, trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị đã chỉ ra thực tế là vẫn còn xảy ra những vụ việc tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.

Những biểu hiện lệch chuẩn gần đây của cán bộ lãnh đạo, quản lý đang đặt ra những thách thức mới cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Kết luận số 34 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 18/4, về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 đã nhận định "những tiêu cực gần đây có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành". Thực tế này đang đặt ra nhu cầu "đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; bổ sung, hoàn thiện phương pháp, nội dung công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới".

Mở rộng phạm vi kiểm tra, giám sát

Về bản chất, các biểu hiện tiêu cực đa dạng do cán bộ, đảng viên thực hiện là những "hành vi lệch chuẩn". Đó là những hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xâm hại lợi ích chung, trái với sự mong đợi của người dân nên bị các thành viên trong xã hội phản ứng và lên án. Các vụ việc gần đây lại làm dấy lên nỗi lo ngại bấy lâu về những "doanh nghiệp sân sau". Dư luận không khỏi nghi ngờ về các mối liên hệ thân hữu giữa cán bộ công quyền với doanh nghiệp tư nhân, trong đó kẻ chủ mưu rất có thể không chỉ từ phía các chủ doanh nghiệp.

Các vụ án liên quan công ty Việt Á, AIC, hay FLC cho thấy những biểu hiện lệch chuẩn không mới nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Bối cảnh đất nước khó khăn bởi dịch bệnh cũng không thể trở thành giới hạn đạo đức để ngăn chặn những cú bắt tay, thông đồng giữa cán bộ nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp. Đáng lo ngại hơn, các vụ việc gần đây phát lộ thêm thực tế là vai trò của tổ chức Đảng đã có biểu hiện bị vô hiệu hóa để một số cá nhân có thể thực hiện hành vi lệch chuẩn trong phạm vi đơn vị cụ thể.

Ngày 6/4, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh chủ trương "Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước... Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước". Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 cũng coi trọng việc mở rộng phạm vi giám sát, chú ý các trọng điểm, đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện và ngăn chặn việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định chính sách.

Kiểm tra và giám sát là hoạt động không thể thiếu trong quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo. Vì thế, để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cải thiện hiệu quả hoạt động phòng, chống sự lệch chuẩn trong nhóm cán bộ, rất cần sự đột phá về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Những thách thức đặt ra

Chúng ta cần nhận thức rằng, mục đích trước hết của công tác kiểm tra, giám sát không phải là phát hiện, điều tra và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. Thay vào đó, khích lệ cán bộ tuân thủ nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ở mọi cấp độ, cấu trúc quyền lực hệ thống chính trị và chính quyền ở nước ta cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu. Các chủ trương của Đảng cũng luôn nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy rõ hơn nguy cơ các quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng có thể bị vô hiệu hóa nếu bản thân những người đứng đầu lại có ý đồ và can dự vào các hoạt động sai trái.

Từ thực tế này gợi ra ba điểm:

Thứ nhất, với đặc thù cấu trúc quyền lực thống nhất, để khuyến khích cán bộ tuân thủ chuẩn mực thì việc hoàn thiện các quy định của Đảng hay pháp luật của Nhà nước mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là chất lượng những cán bộ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý - những người sẽ vận hành hệ thống thể chế nói trên. Khác với các hệ thống cân bằng và kiểm soát quyền lực ở một số nước, với cấu trúc quyền lực thống nhất ở nước ta hiện nay thì thể chế chỉ là phương tiện, chất lượng những người đứng đầu đơn vị để vận dụng thể chế mới là yếu tố quyết định đối với hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, khi Đảng chủ trương mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra cả khu vực ngoài nhà nước thì cũng cần tạo điều kiện thể chế để các chủ thể ngoài nhà nước có thể thật sự tham gia có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát. Các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải khiến cho các hoạt động công quyền đều diễn ra công khai, minh bạch, nhờ đó được đặt dưới sự giám sát của mọi chủ thể, cả bên trong và bên ngoài hệ thống công quyền.

Thứ ba, khi hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ đơn vị hoặc địa phương đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa thì cần tính đến mô hình tổ chức theo cụm cơ quan, ngành, và địa phương (vùng). Nhân sự các cơ quan kiểm tra, giám sát như vậy sẽ là một tập hợp đa dạng cán bộ đến từ các đơn vị thành viên. Tính chất liên ngành, liên cơ quan, liên vùng sẽ giúp gia tăng tính khách quan của hoạt động kiểm tra, giám sát, giảm bớt nguy cơ quyền lực bị thao túng để vô hiệu hóa các quy định thể chế.