Tiêu chí của niềm tin

Tạo niềm tin trong kiểm định chất lượng không phải câu chuyện của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã phải trải qua. Giáo dục mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, chính vì thế, chất lượng giáo dục là vô cùng quan trọng.

Theo Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 49 và khoản 1, khoản 4 Điều 52 Luật Giáo dục đại học hiện hành, kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hoạt động bắt buộc.
Theo Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 49 và khoản 1, khoản 4 Điều 52 Luật Giáo dục đại học hiện hành, kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hoạt động bắt buộc.

Cũng bởi vậy, uy tín và chất lượng của các cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục luôn là mối quan tâm của không chỉ các cơ sở giáo dục.

Bài toán uy tín và chất lượng

Khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam bắt đầu từ kiểm định trường thay vì kiểm định chương trình. Trong những năm 2000, ở Việt Nam, có hàng chục nghìn chương trình đào tạo trong khi chỉ có khoảng hơn 200 trường đại học thì việc chọn kiểm định trường đại học là khả thi hơn. Kiểm định chất lượng dù còn tồn tại một số vấn đề nhưng phải khẳng định đó là một công cụ của nhà nước để khẳng định được chất lượng của một hệ thống giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Ðào tạo vẫn là đơn vị quản lý hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam, bởi các trung tâm kiểm định khi ra đời phải được sự công nhận của Bộ, phải thực hiện theo quy định chung dù là công lập hay tư thục.

Với 10 trung tâm kiểm định chất lượng cả công lập, ngoài công lập và tổ chức nước ngoài thì làm thế nào để tạo niềm tin cho kiểm định chất lượng là vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Ðược biết đến như một trong những người đầu tiên đặt "nền móng" cho hệ thống kiểm định chất lượng tại Việt Nam, là người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ nước ngoài về kiểm định chất lượng, TS Nguyễn Kim Dung nhìn nhận, một trong những cơ chế rất quan trọng của kiểm định là trung tâm kiểm định chất lượng phải độc lập với trường đại học, hoặc chương trình đào tạo sẽ đánh giá ngoài. Bên cạnh đó, kiểm định viên cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, triết lý của kiểm định chất lượng giáo dục không phải chỉ là đánh giá mà còn hỗ trợ để cải tiến liên tục, đưa ra lời khuyên để nâng cao chất lượng.

Với hệ thống quy định hiện tại, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam phần nào gặp khó khăn trong việc chứng minh niềm tin do phải hạch toán độc lập. Áp lực về kinh phí để trả cho kiểm định viên, chi phí trong quá trình kiểm định… sẽ dựa vào nguồn thu từ các trường. "Bài toán là các trung tâm phải chứng minh như thế nào khi mà nhận tiền của trường đại học nhưng phải đánh giá công tâm. Tuy nhiên, một điều mà rất ít người biết, là trước khi các trung tâm kiểm định chất lượng tại Việt Nam ký hợp đồng với trường đại học thì đã phải qua bước thẩm định báo cáo tự đánh giá, đánh giá sơ bộ. Nếu cảm thấy trường đại học đó không đủ điều kiện để đánh giá ngoài thì đã dừng lại và không nhận hợp đồng", bà Dung bật mí.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 chương trình đào tạo, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 300 chương trình được kiểm định. Các trường đều đưa ra chương trình tốt nhất, dẫn đến thực tế phần lớn các trường tham gia đánh giá ngoài thì gần như đều đạt kiểm định. Ðiều này gây hiểu lầm là chương trình đào tạo nào, trường đại học nào khi được đánh giá ngoài cũng đều đạt cả, nhưng thực tế bước thẩm định trước khi ký hợp đồng lại chưa được công khai.

Quan trọng nhất là tạo niềm tin

Cùng trong một ngày 16/3/2021, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ký hai quyết định cho phép thành lập hai trung tâm kiểm định ngoài công lập thuộc công ty tư nhân đầu tiên: đó là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Quyết định 979/QÐ-BGDÐT) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Quyết định 969/QÐ-BGDÐT). Như vậy, cả nước sẽ có bảy trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Trước những nghi ngại về thực lực cũng như độ tin cậy trong chất lượng kiểm định của trung tâm kiểm định ngoài công lập, TS Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (CEA Sài Gòn) tự tin, sự góp mặt của các công ty tư nhân sẽ góp phần tạo "đột phá" trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay. "Chúng tôi tin rằng, dưới sự giám sát của xã hội, các đơn vị dù công hay tư đều phải quan tâm đến chất lượng và xem chất lượng là vấn đề sống còn, do đó, đều có trách nhiệm giải trình như nhau", bà Dung nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn đề này, PGS, TS Ðỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định, việc thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ngoài công lập là phù hợp xu hướng của thế giới. "Các trung tâm kiểm định phải hoàn toàn độc lập thì mới công minh được. Vì thế, tôi ủng hộ xu thế phát triển các trung tâm kiểm định tư nhân để độc lập hẳn với đơn vị công lập. Trên thế giới, các trung tâm kiểm định thường là do hiệp hội các trường đứng ra tổ chức một cách trung lập, để đưa ra tiêu chí đánh giá đúng và công bằng với các trường", ông Dũng bày tỏ. Vị nguyên hiệu trưởng này cũng cho rằng trung tâm tư thục phải tự xây dựng thương hiệu, khi công minh thì các trường mới tin tưởng và tìm đến để đánh giá.

Tuy nhiên, điều PGS, TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo lo ngại, đó là sau khoảng 5 - 7 năm hình thành, hiện nay, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đang hoạt động mà chưa có đơn vị giám sát độc lập. Vì thế, cần thiết phải có một đơn vị, cơ quan để định kỳ kiểm định lại các điều kiện bảo đảm hoạt động. Các tiêu chí cần đánh giá như số lượng kiểm định viên, cơ sở vật chất, địa điểm hoạt động, quá trình kiểm định các chương trình, trường đại học có đúng quy định, đúng chuẩn hay không. Ngoài ra, các trung tâm có thể gia nhập một tổ chức kiểm định nước ngoài để tổ chức đó kiểm định lại các trung tâm này.

HOÀNG THANH