Tiếng gọi cội nguồn thời toàn cầu hóa

"Hãy kể cho tôi nghe về cái tên lạ lẫm và khó phát âm/ Mà tôi đã được đặt từ khi mới sinh ra/ Hãy kể cho tôi nghe về màu da, màu tóc và đôi chân nhỏ của tôi/ Đã theo tôi không rời từ thuở tôi lọt lòng".

Kim Diên - 18 năm trước và hiện tại. Ảnh nhân vật cung cấp
Kim Diên - 18 năm trước và hiện tại. Ảnh nhân vật cung cấp

Đây là tâm sự của nữ ca sĩ người Bỉ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh trong bài hát "Xin chào Việt Nam"-tác phẩm âm nhạc thể hiện tinh tế và trọn vẹn niềm khát khao tìm về nguồn cội của con dân đất Việt khắp thế giới. Và thế hệ trẻ đã và đang cụ thể hóa mơ ước đó, bằng rất nhiều cách khác nhau.

Niềm khát khao cháy bỏng

Những người Việt xa xứ luôn tìm cách duy trì sợi dây liên kết với quê hương đất nước. Nhưng, cũng có những số phận không may mắn, buộc phải lớn lên trong nỗi hoang mang về nguồn gốc. Vì biến thiên lịch sử, hoặc hoàn cảnh cá nhân.

Nguyễn Thị Kim Diên sinh năm 2000, tại vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió, là một thí dụ. Cô là con út trong một gia đình nghèo. Năm Diên lên ba tuổi, một trận lũ lịch sử ở Ninh Thuận đã đẩy mẹ Diên đến một quyết định khiến bà ân hận cả đời: Đưa Diên vào cô nhi viện, để giảm gánh nặng cuộc sống.

Không lâu sau đó, Nguyễn Thị Kim Diên được một gia đình người Mỹ nhận nuôi và bắt đầu cuộc hành trình 18 năm xa quê hương, vào thời điểm mà ngay cả cái tên cha sinh mẹ đẻ cô cũng chưa thể phát âm được tròn vành, rõ chữ. Năm 2021, Nguyễn Thị Kim Diên là một công dân Mỹ trưởng thành có tên Ashleigh Jones. Dấu gạch nối hiếm hoi của cô và Việt Nam là cái tên Nguyễn Thị Diên mà bố mẹ nuôi đã cẩn thận ghi lại.

Diên chưa bao giờ thôi khao khát tìm thấy gia đình ruột thịt. Cô đã đi xét nghiệm ADN và gửi đến dịch vụ Ancestry. Một thời gian ngắn sau đó, Ancestry thông báo đã tìm ra anh họ của cô. Tuy nhiên, người anh họ này đã sang Mỹ từ lâu và chỉ có thể cung cấp thông tin qua loa về địa chỉ, tên họ của mẹ đẻ. Tình hình dịch bệnh toàn cầu lại khiến kế hoạch về Việt Nam trở thành bất khả thi.

Kim Diên "đánh liều" đăng tải thông tin vào nhóm Facebook "Subtle Viet Traits", một cộng đồng được lập ra để những người trẻ Việt Nam trên toàn thế giới giao lưu. Các thành viên trong nhóm tích cực chia sẻ bài viết vào cộng đồng ở Ninh Thuận. Trong vòng 24 giờ, chị ruột của Kim Diên ở Việt Nam đã liên hệ với cô em gái xa cách 18 năm trời! Một kỳ tích của công nghệ và tình người, mà chính Kim Diên cũng chưa dám tin là sự thật.

Tám giờ đồng hồ chờ đợi để được gọi video về cho gia đình ở Việt Nam là khoảng thời gian người con gái nhỏ bé ấy rối bời. Diên giận mẹ đã bỏ rơi mình, giận số phận đã chia cắt cô và quê hương gần 20 năm trời. Nhưng, tất cả những ý nghĩ tiêu cực ấy nhanh chóng tan biến ngay khi Kim Diên thấy gương mặt khắc khổ của mẹ hiện lên màn hình.

"Tôi không biết nói tiếng Việt nên chỉ biết ú ớ trong nước mắt. 18 năm qua, tôi luôn cảm thấy tủi thân vì nghĩ rằng mẹ đã bỏ rơi tôi. Tuy nhiên, khi tôi biết mẹ vẫn còn sống và vẫn khỏe mạnh, tôi không còn nghĩ đến những điều tiêu cực nữa. Tôi chỉ muốn vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì mẹ vẫn còn trên đời. "Con nhớ mẹ nhiều lắm" là lời đầu tiên tôi nói với bà ấy, và cũng là tâm sự của tôi trong rất nhiều đêm dài. Tôi rất nhớ mẹ"-Diên nhắc đi nhắc lại.

Khi công nghệ là phương tiện

Diên không biết tiếng Việt, và cũng ít hiểu về văn hóa Việt Nam. Đó là tình trạng chung của một bộ phận thế hệ trẻ người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Chênh lệch tuổi tác cũng là rào cản lớn, khiến những cách thức truyền thống nhằm truyền tải văn hóa Việt Nam từ các bậc cha mẹ không còn phù hợp lối sống nhanh của giới trẻ.

Nhóm Facebook Subtle Viet Traits được thành lập với mục đích tạo ra sân chơi cho thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài và trong nước kết nối với nhau, với mục đích duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam. Bước vào thế giới của thế hệ trẻ ở nước ngoài, chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên trước những thứ định danh người Việt. Bên cạnh những ý niệm văn hóa quen thuộc "khăn đóng-áo dài" hay "bánh chưng-bánh dày", thứ đặc trưng Việt trong mắt thế hệ trẻ đôi khi đơn giản là "họ Nguyễn đi đâu cũng thấy", "món thịt kho trứng ám ảnh ngày Tết" hoặc câu chuyện "bố mẹ nhặt được con trong thùng rác"… Tất cả đều được thể hiện một cách hài hước nhưng không kém phần cảm động.

Tại đây, thế hệ người trẻ Việt ở nước ngoài chưa từng về Việt Nam vẫn có thể kết bạn, giao lưu và nắm bắt những xu hướng mới nhất của giới trẻ trong nước, thông qua diễn đàn mạng xã hội. Ngôn ngữ thế hệ Gen Z (những người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012) có thể khiến các bạn trẻ người Việt trong và ngoài nước cùng khóc, cùng cười với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Với tôn chỉ không bàn luận về chính trị, Subtle Viet Traits là cầu nối để các bạn trẻ ở nước ngoài và trong nước xích lại gần nhau hơn, dù còn những khác biệt không thể tránh khỏi.

Subtle Viet Traits vẫn có những nội dung mang tính học thuật về văn hóa Việt Nam. Thành viên Ryan Nguyen triển khai dự án "Giải mã tên Việt" với mục đích kiến giải những ý nghĩa tốt đẹp đằng sau cái tên của những bạn trẻ đang sống ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, Ryan Nguyen đã tìm hiểu và giải thích gần 1.000 tên Việt bằng tiếng Anh.

Một số người trẻ gốc Việt chưa có tên thuần Việt cũng đã dựa vào đây để lựa chọn một cái tên bằng ngôn ngữ quê hương. Những dự án dạy tiếng Việt và chữ Nôm cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Trong khi đó, bạn Tam Le đến từ San Francisco (Mỹ) chia sẻ với chúng tôi về tủ sách cổ tích song ngữ Tinywrist cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài với những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, được trình bày thú vị bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Một cách ngắn gọn, đến với nhóm Subtle Viet Traits, thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tìm hiểu văn hóa dân tộc theo một cách hiện đại. Đối với những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, những câu chuyện ở Subtle Viet Traits cũng giúp họ thêm yêu quê hương đất nước từ những khía cạnh đơn giản mà đôi khi chúng ta đã bỏ sót.

Những ngày gần đây, giới trẻ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đang "phát sốt" vì bài hát Mang tiền về cho mẹ của ca sĩ Đen Vâu. "Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang/Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan/Chim thì có tổ, là con người thì chắc chắn phải có tông/Cũng may là ba mẹ nghèo để cho con biết tiền làm ra khó", lời bài hát thấm đẫm những triết lý về quê hương và gia đình được thể hiện bằng nhịp điệu nhạc rap thời thượng đã chiếm trọn trái tim của những người trẻ mang dòng máu Việt.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có hơn 5,3 triệu người, tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nhưng dù đi đâu, dải đất hình chữ S vẫn luôn hằn sâu vào tâm khảm mọi thế hệ. Vì thật đơn giản: "Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người" (thơ Đỗ Trung Quân).

Cát Tường (đang sống tại Sydney, Australia), đã xa quê hương hơn 10 năm:

"Để hòa nhịp vào không khí Tết quê nhà, mình luôn chọn trang phục có mầu đỏ và dùng son đỏ tươi trên môi. Vào ngày đầu năm, mình đem theo bao lì xì và bỏ tiền Việt để tặng đồng nghiệp. Mình muốn giúp họ biết đất nước chúng ta có nhiều thứ đặc sắc hơn là chỉ Bánh mì và Phở".