Thúc đẩy trách nhiệm giải trình

Nếu tự chủ được xem là “chân ga” giúp các trường đại học tăng tốc và phát triển, thì trách nhiệm giải trình được xem là “chân phanh” giúp các trường “hãm lại” và tránh đi lạc hướng. Trong các cơ chế bảo đảm trách nhiệm giải trình, công khai thông tin được xem là cơ chế ít tốn nguồn lực và hiệu quả, nhưng dường như vẫn chưa được khai thác triệt để tại Việt Nam.

Việc công khai thông tin giúp sinh viên có thêm kênh tham khảo trong việc chọn trường, ngành học chính xác hơn. Trong ảnh: Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh: THANH HÀ
Việc công khai thông tin giúp sinh viên có thêm kênh tham khảo trong việc chọn trường, ngành học chính xác hơn. Trong ảnh: Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh: THANH HÀ

Công khai thông tin là phương pháp đo lường và thống kê về hoạt động và kết quả của đơn vị, tổ chức (trong nhiều lĩnh vực như y tế, ngân hàng, du lịch… và tất nhiên bao gồm cả giáo dục) thường do một đơn vị độc lập hoặc một cơ quan nhà nước tiến hành thực hiện. Mục tiêu của công khai thông tin là nhằm giúp các bên liên quan (bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội, nhất là sinh viên và phụ huynh) có được các đánh giá lượng hóa về hoạt động và kết quả, thành tích của các trường đại học; qua đó có thêm thông số trong việc ra quyết định (thí dụ đầu tư đối với nhà nước, hoặc chọn học đối với sinh viên).

Thế giới đã làm gì?

Trong một hội thảo tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 6-2017, khi được hỏi bí quyết giúp phát triển giáo dục đại học (GDĐH) Hàn Quốc, GS Ju Ho Lee, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (giai đoạn 2008-2013) không liệt kê các đề án tỷ đô mà chúng ta vẫn hay nghe khi nhắc đến cải cách GDĐH ở nước này. Ngược lại, bí quyết đầu tiên GS Ju Ho Lee nhắc đến lại là “Đạo luật về công khai thông tin của các cơ sở giáo dục” được thông qua năm 2007 và đi vào hoạt động từ 2008. Theo luật này, tất cả các cơ sở giáo dục tại Hàn Quốc sẽ phải định kỳ công bố thông tin theo năm khía cạnh: sinh viên, giảng viên, hợp tác, ngân sách và cơ sở vật chất. Theo GS Ju Ho Lee, đạo luật này ra đời không những giúp minh bạch thông tin cho toàn xã hội mà còn thúc đẩy các trường cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển.

Một kinh nghiệm thành công khác là chương trình Thẻ điểm đại học (College Scorecard) được Tổng thống Hoa Kỳ Obama thông qua vào năm 2013. Trong thực tế, không phải là trước 2013, Hoa Kỳ chưa có hệ thống công khai thông tin nhưng các hệ thống này hoặc là đo lường quá ít chỉ số hoặc chỉ giới hạn trong một bang; chương trình Thẻ điểm đại học của Tổng thống Obama ra đời đã khắc phục được những nhược điểm trên. Đặc biệt, Thẻ điểm đại học còn đo lường được mức thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp trong quãng thời gian rất dài (6-10 năm); đây là điều rất ít chương trình công khai thông tin trong GDĐH trên thế giới làm được.

Vấn đề công khai thông tin ở nước ta

Không phải Việt Nam chưa có quy định về công khai thông tin với các cơ sở GDĐH. Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT về việc này. Theo đó, các trường đại học sẽ phải định kỳ công khai thông tin theo các nội dung: cơ sở vật chất, nhân sự và tài chính.

Tuy vậy, trong thực tế hoạt động này dường như chưa thật nghiêm túc: nhiều trường không làm hoặc làm đối phó, chưa có bước thẩm định dữ liệu để bảo đảm tính tin cậy, cần thiết; bản thân các chỉ số công khai theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT cũng mới chỉ dừng ở các chỉ số hoạt động, thiếu vắng hoàn toàn các chỉ số về kết quả đầu ra như tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp hay đánh giá của nhà tuyển dụng... Nhóm xếp hạng đại học 49 trường đại học vừa qua cũng đã sử dụng kết quả công khai theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT và một phần nào đó, bị xã hội phản ứng cũng bởi mức độ tin cậy thấp của những thông tin này.

Vài kiến nghị

Chúng ta vẫn thường nói GDĐH là một thị trường đặc biệt, một mặt vẫn cần có cạnh tranh để thu hút sinh viên và các nguồn lực như thị trường bình thường; mặt khác lại cần sự can thiệp nhất định của nhà nước nhằm bảo đảm cho thị trường được hoạt động thông suốt, lành mạnh. Theo quan điểm của chúng tôi, trong những việc nhà nước cần can thiệp, ban hành quy định bắt buộc yêu cầu các trường phải công khai thông tin là một trong những việc cần can thiệp trước tiên. Vậy, chương trình công khai thông tin này sẽ có điểm giống và khác gì với quy định về công khai thông tin đã được ban hành theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT?

Thứ nhất, về tiêu chí, quy định mới cần bổ sung nhiều hơn tiêu chí về kết quả đầu ra, phản ánh chất lượng của trường đại học, bên cạnh các tiêu chí hiện đang áp dụng (thiên về các chỉ số đầu vào).

Thứ hai, về quy trình thực hiện, cần tập trung nguồn lực cho bước thẩm định kết quả do các trường gửi lên. Bước này có thể vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều phối, nhưng từng nội dung, có thể giao cho các đơn vị nghiên cứu độc lập hoặc một đơn vị quản lý nhà nước khác tiến hành hoặc phối hợp. Các đơn vị này cũng có thể tự tiến hành thu thập một số chỉ số riêng để báo cáo cho Bộ. Thực tế, trong những năm qua, đã có khá nhiều đơn vị tư nhân, nghiên cứu độc lập… đã có các nỗ lực đáng kể trong việc thu thập dữ liệu có ít nhiều liên quan đến GDĐH và khoa học. Thí dụ như Tổng điều tra mức sống hộ gia đình do World Bank và Tổng cục Thống kê thực hiện hai năm một lần, có một phần nội dung liên quan đến việc đi học đại học của người dân; Dự án mạng lưới các nhà khoa học xã hội do một nhóm thuộc Trường đại học Thành Tây thực hiện liên quan đến việc thống kê kết quả công bố quốc tế của Việt Nam,…

Thứ ba, về mặt công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một trang web kết nối toàn bộ dữ liệu để người dân có thể truy cập và đối sánh giữa các trường đại học với nhau một cách dễ dàng và thuận tiện.