Thời điểm vàng để chuyển đổi

Do dịch Covid-19, phía Ủy ban châu Âu (EC) không sang Việt Nam kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" của EC về khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), mà sẽ họp trực tuyến với Tổng cục Thủy sản Việt Nam, dự kiến vào ngày 27/10 tới. Sau gần bốn năm nỗ lực thực thi các khuyến nghị của EC, liệu rằng Việt Nam có sớm trở thành nước thứ ba tại Ðông Nam Á sau Thái Lan, Philippines gỡ được "thẻ vàng"?

Thời điểm vàng để chuyển đổi

Thiệt hại kinh tế

"Thẻ vàng" thủy sản được EC đưa ra đối với những nước có vi phạm quy định chống khai thác IUU. Từ năm 2012 đến nay, có 27 nước đã bị EC cảnh báo thẻ; trong đó, 21 nước bị cảnh báo "thẻ vàng" và sáu nước bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Ðến nay, đã có ba nước gỡ được "thẻ đỏ", 14 nước gỡ được "thẻ vàng".

"Thẻ vàng" của EC đã tác động mạnh mẽ đến ngành thủy sản Việt Nam. Theo báo cáo "Ðánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, so sánh kết quả xuất khẩu 2017 - 2019, sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm hơn 10% sau hai năm, tương đương giảm 43 triệu USD; trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit (Anh rời EU), xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Ðại diện VASEP cho hay: Trong thời gian bị áp "thẻ vàng", 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Ðiều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải mất 3 - 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí, chỉ riêng kiểm tra "nguồn gốc" là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng… Rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.

Quyết tâm về đích trong chống khai thác IUU

Ðể tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác nhau dựa trên khuyến nghị của EC, với mục tiêu xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững. Ðáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay, cả nước đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 26.915 tàu cá, đạt tỷ lệ 87,45%. Song, một số địa phương còn triển khai chậm, có địa phương đạt dưới 50% số tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình như Thanh Hóa, Quảng Trị... Nghiêm trọng nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, vẫn còn tình trạng không gắn thiết bị giám sát hành trình cũng như bảo đảm thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động biển theo quy định của pháp luật... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ "thẻ vàng" IUU. Từ đầu năm đến đầu tháng 9/2021, vẫn xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Cà Mau, Bình Ðịnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt Kiên Giang là những địa phương còn có số lượng lớn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC vào hồi đầu tháng 9 vừa qua, một số cán bộ, cơ quan địa phương đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc do còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, chưa sâu sát, gương mẫu, chưa bảo đảm được nguyên tắc "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm"; đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương trong việc thực hiện đúng các quy định đối với lĩnh vực khai thác thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU. Thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật... Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Bình Ðịnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, đặc biệt là Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài.

Ngoài việc quản lý tốt đội tàu, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng là bước then chốt để thuyết phục EC gỡ "thẻ vàng". EC sẽ thanh tra việc đánh bắt cá ở vùng biển nào, kinh độ, vĩ độ ra sao, thời gian nào, mang cá về cảng phân loại ra sao, mang về kho chế biến xuất khẩu đi những thị trường nào, còn tồn bao nhiêu. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều khó khăn vì hạ tầng thủy sản thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức.

Hiện, kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD, khai thác lên đến 3,9 triệu tấn, nhưng quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, đầu tư xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn dàn trải, không đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch. Hệ thống nhà phân loại còn thô sơ, diện tích nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại cá, làm thất thoát sau thu hoạch tăng lên, gây khó truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Liệu Việt Nam có thể gỡ được "thẻ vàng" vào năm 2022 hay không, lúc này câu trả lời vẫn để ngỏ. Mọi việc tùy thuộc vào quyết tâm về đích trong phòng, chống khai thác theo quy định IUU, vào đầu tư cảng biển và việc đáp ứng các khuyến nghị từ phía EC. Ðúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, gỡ thẻ vàng không chỉ là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành mũi nhọn của nền kinh tế, mà đó còn là uy tín, là hình ảnh quốc gia trong quan hệ quốc tế. Ðiều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Và tinh thần ấy phải lan tỏa đến được những ngư dân Việt Nam đang chèo lái con thuyền giữa sóng gió biển khơi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Phải thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Việc này không chỉ vừa bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế".