Thích ứng linh hoạt, chủ động ứng phó

Việt Nam hiện đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh, phần lớn đều có triệu chứng nhẹ, âm tính nhanh, dù vậy, nguy cơ gây áp lực lên hệ thống điều trị vẫn đáng lo ngại. Thực tế đang đòi hỏi mỗi người dân nâng cao ý thức, kiên quyết không vi phạm các quy định phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K, để được đón một cái Tết an toàn, hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh Covid-19 cho hành khách tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: VNVC
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh Covid-19 cho hành khách tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: VNVC

Ðối mặt biến chủng mới

Trước diễn biến khó lường, với nguy cơ có thêm ca bệnh do biến chủng Omicron, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch; nâng cao năng lực y tế cơ sở; chủ động và sẵn sàng trang bị nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: Dự kiến có khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký về nước ăn Tết, lượng người dân từ các tỉnh, thành phố trở về Hà Nội ăn Tết cũng tăng cao, nên tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Thành phố cũng dự báo số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 5.000-7.000 ca/ngày. Vì thế, thành phố yêu cầu Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2 và 3. Các quận, huyện, thị xã cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại. Đồng thời, chuyển hướng điều trị F0 về xã, phường và điều trị tại nhà. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố đã sử dụng hiệu quả mạng lưới hơn 4.000 y, bác sĩ để kịp thời tư vấn cho F0.

Trong khi đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc ứng phó biến thể Omicron trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu các đơn vị phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm người nhiễm biến thể mới từ người nhập cảnh và các chùm ca bệnh lan nhanh bất thường, lây lan cho nhiều người, hoặc có diễn tiến nặng nhanh, hoặc tử vong nhanh tại cơ sở y tế. PGS, TS Vũ Minh Phúc, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh nhận định: "Điều đáng ngại nhất với Omicron là tốc độ lây lan nhanh, khi số mắc quá cao trong một thời gian ngắn, hệ thống y tế sẽ không đáp ứng kịp. Do đó chúng ta phải từng bước chặn đường lây. Kiểm soát chủ động các ca nhiễm ngay từ cửa ngõ sân bay, biên giới, hàng hải là ưu tiên số một. Song, vẫn còn tỷ lệ xâm nhập từ nhập cảnh trái phép bằng đường tiểu ngạch".

Để chủ động ứng phó với biến chủng mới, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương đã sẵn sàng các biện pháp để kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và kinh nghiệm tại chỗ. Đặc biệt, đối với tất cả các chuyến bay nhập cảnh đưa người về đều kiểm soát chặt chẽ, xét nghiệm nếu phát hiện ca dương tính sẽ cách ly khu vực riêng và tiến hành phối hợp giải trình tự gene để xác định biến chủng Omicron và có biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp.

Còn tại Cần Thơ, theo bác sĩ CK2 Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Cần Thơ, "Tất cả khách nhập cảnh qua sân bay Cần Thơ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xác định chủng virus theo quy định, nhằm kịp thời phát hiện trường hợp chủng Omicron xuất hiện tại Cần Thơ".

Chủ động kịch bản ứng phó

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine theo hướng chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi sang phấn đấu tiêm cho tất cả người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị: "Các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine lưu động ngay tại nhà, không để sót, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022".

Và dù là biến chủng Delta hay Omicron, theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, virus vẫn lây lan qua đường hô hấp từ người này sang người kia. "Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn là do tiếp xúc gần với nguồn lây, tụ tập đông người, trong phòng kín… Vì vậy, các biện pháp phòng dịch vẫn không thay đổi so với biến chủng Delta. Nhưng chúng ta cần quyết liệt hơn để giảm lây lan. Cụ thể, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K, nâng cao ý thức hơn trong việc phòng dịch. Đặc biệt, trong dịp Tết cận kề, người dân nên hạn chế đi lại, không di chuyển nhiều khi không cần thiết. Nếu bắt buộc về quê nên có các biện pháp phòng dịch, thí dụ chọn phương tiện đi lại an toàn, ưu tiên phương tiện cá nhân", ông Phu nhấn mạnh.

Về phía chính quyền, theo PGS, TS Trần Đắc Phu, các địa phương cần chuẩn bị hệ thống y tế đáp ứng để không bị động khi số ca mắc tăng lên. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ, có kịch bản cụ thể chi tiết đến từng xã/phường, quận/huyện. Đó là kịch bản tùy từng tình hình để đánh giá hoạt động nào được phép, hoạt động nào tạm dừng, hoạt động nào được phép hoạt động có điều kiện (điều kiện an toàn dịch bệnh). Muốn làm tốt, ngoài nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, phải dự tính được đủ chỗ điều trị cho người bệnh ở các tầng; tăng cường y tế cơ sở để tiếp cận với F0 để tư vấn, phân tầng hợp lý, can thiệp y tế kịp thời. Chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, xử phạt mạnh và nghiêm minh các trường hợp vi phạm, bởi nếu không làm quyết liệt, nguy cơ dịch bùng lên sẽ "vỡ trận".

Nâng cao ý thức vì cộng đồng, mỗi người dân hãy tận dụng khoảng thời gian ngày lễ, Tết để quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình-điều giản dị đó lại mang đến một ý nghĩa lớn lúc này, bởi gia đình khỏe mạnh, an vui mới là niềm hạnh phúc đích thực.