Thế mạnh còn bỏ ngỏ

Thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 đã khắc họa rõ nét khoảng cách trình độ còn rất xa của các vận động viên nước nhà so đẳng cấp thế giới. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư với quyết tâm trở lại ở kỳ Thế vận hội Paris 2024, Việt Nam cũng cần tính đến những hướng phát triển mới, táo bạo hơn ở các môn thể thao phi truyền thống đầy tiềm năng. Báo Nhân Dân cuối tuần đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Phong trào breaking từng có thời điểm lắng xuống ở Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Phong trào breaking từng có thời điểm lắng xuống ở Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM

- Trong những năm gần đây, hàng loạt các môn thể thao mới lạ đã du nhập vào Việt Nam và tạo nên những cộng đồng lớn mạnh. Vậy phong trào thể thao phi truyền thống trong nước phát triển như thế nào?

- Phó Tổng Cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn:

Thế mạnh còn bỏ ngỏ -0

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nên các bộ môn mới mang tính giải trí của thế giới luôn được người dân đón nhận và hưởng ứng mạnh mẽ. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, hàng loạt các môn thể thao mới lạ đã du nhập vào nước ta như tempo, jiu jitsu, climbing (leo núi trong nhà), roller, trượt băng nghệ thuật, hockey, cricket, breaking, thể thao điện tử (eSports)…

Dù phần lớn khởi đầu như các phong trào tự phát, nhưng với tính giải trí cao, đòi hỏi kỹ năng và sự tập luyện chăm chỉ, rất nhiều người chơi đã mê mẩn và gắn bó với các bộ môn thể thao phi truyền thống chỉ sau thời gian ngắn. Có thể kể tới breaking - loại hình nhảy hiện đại vốn được đánh giá thuộc về "thế giới ngầm" (underground). Những vũ công hiphop trong nước được nâng tầm trở thành ngôi sao sàn diễn, thường xuyên góp mặt tranh tài ở các đấu trường khu vực và châu lục. Từng có thời điểm, phong trào breaking lắng xuống nhưng điều này giúp hiphop Việt Nam tự "thanh lọc" chính mình, để giữ lại một văn hóa mang nhiều nét đẹp, giá trị tích cực, kết nối những người có chung đam mê.

Trong các môn mới lạ, không thể không nhắc tới eSports, bộ môn được đông đảo giới trẻ Việt Nam hưởng ứng nhất, với số lượng tham gia và theo dõi lên tới hàng chục triệu người. Theo đánh giá của các nhà quản lý, eSports có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, để môn thể thao này phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững, cần có những chiến lược cụ thể.

- Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) Ðỗ Việt Hùng:

Theo số liệu mới nhất được VIRESA cập nhật, số lượng người chơi eSports trong nước đang tăng cao với gần 18 triệu người, trở thành hình thức giải trí phổ biến trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Cụ thể, 80% số người chơi khẳng định đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với các nội dung eSports hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội, 52,5% chơi các trò chơi eSports hằng ngày với thời gian trung bình là 2 giờ 55 phút. Lợi thế dễ nhận ra so các môn cổ điển là tính lan truyền, dựa trên internet và nền tảng công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Bất cứ ai sử dụng smartphone, máy tính bảng hay laptop cũng có thể chơi, theo dõi những sự kiện, giải đấu diễn ra với chi phí thấp hơn đáng kể so các sự kiện truyền thống có giá bản quyền truyền hình rất cao.

Hơn thế nữa, eSports đang dần thay đổi định kiến xã hội, trở thành ngành công nghiệp dẫn đầu xu hướng, và nhanh chóng nổi lên như kênh tiếp thị phổ biến. Ðặc biệt, khi các môn thể thao truyền thống điêu đứng vì dịch Covid-19, eSports vẫn cho thấy tính ưu việt của mình. SEA Games 31 sẽ có tám nội dung của eSports, và bộ môn này cũng lần đầu góp mặt tại ASIAD 2022. Những giải đấu hiện nay với giá trị tiền thưởng lên tới hàng chục tỷ đồng không chỉ tạo ra thu nhập thật sự, mà còn tạo ra hệ thống vui chơi giải trí lành mạnh.

- Ở thời điểm hiện tại, các nhà quản lý đã có những kế hoạch gì để phát triển phong trào, và nâng tầm các vận động viên thể thao phi truyền thống lên thi đấu chuyên nghiệp?

- Chủ tịch Liên đoàn Hockey TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hà Trường Hải:

a23-1628921577047.jpg

Năm 2013 đánh dấu lần đầu Việt Nam có đội tuyển hockey (khúc côn cầu trên cỏ) tham dự SEA Games 27 tại Myanmar. Ðây chính là tiền đề để môn thể thao này hướng tới chuyên nghiệp, trong đó vai trò của Liên đoàn chính là sự kết nối với các doanh nghiệp, tạo nguồn kinh phí để tổ chức nhiều giải đấu, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên… Trong thời gian sắp tới, nhiều chương trình sẽ được triển khai sau dịch Covid-19 nhằm đưa bộ môn này được biết đến rộng rãi hơn tới cộng đồng.

- Chủ tịch Liên đoàn Cricket TP Hồ Chí Minh Lâm Hoàng Tuyên:

Thế mạnh còn bỏ ngỏ -0

Ðể phát triển cricket tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện những kế hoạch trọng tâm như dự án Câu lạc bộ cricket dành cho trẻ em; thúc đẩy các chương trình đào tạo huấn luyện viên, trọng tài, hướng dẫn viên cricket cơ sở; tổ chức hệ thống giải bán chuyên nghiệp HCF - League "Sài Gòn Sixes" và các chương trình cricket cho sinh viên Trường đại học Thể dục - Thể thao TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Liên đoàn đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai các dự án xin tài trợ trang thiết bị, dụng cụ, cũng như hoàn thiện hệ thống thi đấu, góp phần hỗ trợ cho công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên.

- Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) Ðỗ Việt Hùng:

Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư các môn thể thao truyền thống, việc chuyển đổi số trong thể thao là lựa chọn và hướng đi mới với Việt Nam. Thể thao điện tử hay thể thao số, thể thao mô phỏng là hướng tiếp cận phù hợp của việc phát triển kinh tế thể thao.

Phải nhìn nhận thực tế: Các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Thái Lan đã đầu tư chiều sâu như xây dựng học viện đào tạo vận động viên, tuyển chọn nhân tài. Chúng ta chỉ đang tiến những bước đầu tiên, và vẫn cần những sự đầu tư mang tính hệ thống. Nếu xét về năng lực cá nhân vận động viên hay các đội tuyển, eSports Việt Nam rất có tiềm năng, đã khẳng định vị thế tại các đấu trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự đầu tư đồng hành của nhiều bên xuyên suốt cả hệ sinh thái.

Nâng tầm lên chuyên nghiệp cũng đặt ra yêu cầu với đội ngũ quản lý thể thao điện tử Việt Nam. ESports là môn có nhiều yếu tố đặc thù. Các vận động viên eSports chuyên nghiệp mỗi năm chỉ tham dự vỏn vẹn khoảng ba giải đấu, nên thành tích còn hạn chế (như tấm Huy chương đồng SEA Games 30). Chúng ta sở hữu một số câu lạc bộ cũng như các tài năng trẻ giành thứ hạng cao trên thế giới ở một vài bộ môn riêng lẻ, nhưng tính ổn định chưa cao. Nếu eSports được chuẩn bị tốt về thể lực, tâm lý thi đấu, khả năng phối hợp nhóm, bên cạnh cải thiện tính chuyên nghiệp trong việc luyện tập, Việt Nam chắc chắn sẽ nâng cao vị thế hơn nữa trên đấu trường thế giới.

- Sự phát triển mạnh mẽ của các bộ môn thể thao phi truyền thống đang đặt ra những thách thức gì trong việc cải cách quy chế, quy định cũng như thúc đẩy xã hội hóa phát triển phong trào?

- Phó Tổng Cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn:

Ðiều quan trọng là các Liên đoàn, Hiệp hội phải thực hiện được vai trò của mình. Phần lớn các tổ chức xã hội nghề nghiệp khi được thành lập đều đặt ra những mục tiêu phấn đấu rất cao, nhưng sau đó thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động. 

Trượt băng, roller, eSports, hockey, cricket, breaking và nhiều môn thể thao mới lạ khác như dù lượn, lướt ván, trượt ván… dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã nắm bắt xu thế của sự phát triển của thế giới. Những môn thể thao này đang bù đắp, thậm chí vượt trội so với thể thao cổ điển, giúp giới trẻ có nhiều lựa chọn tùy theo điều kiện và năng khiếu của mình. Biết đâu đấy, với hướng đi mới đầy táo bạo, thể thao Việt Nam sẽ có một vài thế mạnh đủ sức tranh chấp huy chương ở đấu trường Olympic, thay vì trông chờ vào điền kinh, bơi lội…

- Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) Ðỗ Việt Hùng:

Thế mạnh còn bỏ ngỏ -0

ESports được hình thành trên cơ sở sử dụng một trò chơi điện tử, được bổ sung luật thi đấu (cơ sở để bảo đảm các yếu tố thể thao như tính đối kháng, tính công bằng...) nhằm xác định bên thắng cuộc. Việt Nam hiện có khoảng 10 bộ môn eSports phổ biến và có ba trong số đó đã được Tổng cục Thể dục - Thể thao ban hành Luật thi đấu. VIRESA cũng đang hoàn thiện và cập nhật để Ban hành Luật thi đấu cho tám bộ môn được lựa chọn tại SEA Games 31.

Bên cạnh đó, VIRESA cũng đã có chương trình cụ thể nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tế để xây dựng và phát triển phong trào như: triển khai hai hệ thống giải đấu ở quy mô quốc gia, khuyến khích mô hình câu lạc bộ eSports tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Các tập thể này sẽ là cầu nối xây dựng phong trào một cách bài bản, không chỉ tạo điều kiện trong tập luyện thi đấu mà còn giúp mở rộng cơ hội định hướng phát triển nghề nghiệp để tạo nguồn nhân sự chuyên nghiệp phục vụ eSports (như bình luận viên, sản xuất nội dung, tổ chức giải đấu, trọng tài...).

Ngoài ra, VIRESA sẽ tổ chức thêm nhiều mô hình đào tạo dạng học viện kết hợp giữa các tổ chức eSports trong nước và nước ngoài, cũng như tăng cường tham gia các sự kiện eSports lớn như Giải vô địch thế giới 2021 sẽ diễn ra tại Eilat (Israel) vào tháng 11 tới.

- Xin trân trọng cảm ơn!