Thế khó của một “chân kiềng”

Thiếu nhân lực, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị y tế chưa theo kịp với nhu cầu khám và điều trị… là những khó khăn mà nhiều trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh đang gặp phải.

Việc phục hồi chức năng cho trẻ em, người sa sút hoạt động tâm thần là công việc khó khăn.
Việc phục hồi chức năng cho trẻ em, người sa sút hoạt động tâm thần là công việc khó khăn.

Một người làm bằng hai

Tiền thân là Trại Điều dưỡng thương binh C, được thành lập từ tháng 6/1965, trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) là cơ sở đầu tiên của cả nước được giao tiếp nhận toàn bộ số thương, bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần sau khi đã được điều trị và xác định bệnh từ các tuyến quân y viện của quân đội. Thời kỳ cao điểm, Trung tâm điều trị cho hơn 500 thương, bệnh binh nặng. Hiện tại, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị 139 người, trong đó có 71 thương, bệnh binh nặng. 

Trung tâm được chia làm hai khu: Khu A điều trị, nuôi dưỡng thương, bệnh binh và đối tượng bảo trợ xã hội bị mắc bệnh tâm thần nặng; khu B điều trị, nuôi dưỡng người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.    

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Do phần lớn các thương, bệnh binh ở đây đều mắc bệnh tâm thần mạn tính, sa sút hoạt động tâm thần do vết thương sọ não nên các bác sĩ, điều dưỡng phải theo sát từ hoạt động ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc... Hằng ngày, đến giờ ăn uống, các điều dưỡng viên lại đến từng phòng gọi và đưa thương, bệnh binh khó khăn trong việc đi lại về phòng ăn, rồi ở bên cạnh theo dõi”.

Bác sĩ Phạm Thị Hoa, Trưởng khoa Bệnh nhân phục hồi cũng cho biết, Khoa đang chăm sóc và điều trị cho 46 bệnh nhân, phần lớn là những bệnh nhân tâm thần, mất sức khỏe 81% trở lên và cộng thêm các bệnh nền. Đều đặn hai lần/ngày, bác sĩ Hoa và các điều dưỡng hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân luyện tập phục hồi. Có những động tác vật lý trị liệu đòi hỏi cả điều dưỡng và bệnh nhân phải có lòng kiên trì mới có thể thực hiện bài tập một cách có hiệu quả. “Việc điều trị phục hồi những ngày bình thường đã khó, thời điểm dịch bệnh như hiện nay còn khó hơn rất nhiều. Các nhân viên y tế phải theo sát, nhắc nhở...”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Trong điều kiện còn thiếu thốn, lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, bày tỏ: “Thành tựu có, nhưng khó khăn mà Trung tâm đang đối mặt cũng nhiều! Đặc biệt trang thiết bị phục vụ cho Trung tâm đã bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người bệnh. Chế độ cho các đối tượng chất độc hóa học loại 2 còn thấp, chỉ hơn 900.000 đồng/tháng chưa bảo đảm dinh dưỡng và khó khăn trong công tác phục vụ...”.

Cũng thực hiện một nhiệm vụ khá khó khăn, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đang chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên cho gần 300 người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Hiện nay, số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là 75 người, trong khi thực tế cần gấp đôi số lượng người cần thiết để bảo đảm công việc. Do thiếu bác sĩ, nên một người phải gánh vác công việc bằng hai. Thầy thuốc Ưu tú Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, cho biết thêm: Do chưa ký được với cơ quan bảo hiểm xã hội về việc khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nên nhiều gia đình khó khăn về kinh tế chưa tiếp cận được các dịch vụ tại Trung tâm. Việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác còn khó khăn do đơn vị nằm ở vùng nông thôn. Chúng tôi cũng thiếu kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên môn để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút bệnh nhân có nhu cầu…

Thống nhất từ nhận thức đến giải pháp

Bác sĩ Trần Văn Lý đề xuất: “Hiện nay, bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng thiếu rất nhiều trong khi nhu cầu luyện tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện lại có nhu cầu rất lớn. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, xem xét liên kết với một số cơ sở đào tạo của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng cũng như số lượng bác sĩ phục hồi chức năng trong các trung tâm phục hồi chức năng do Bộ quản lý”.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho rằng: Đội ngũ nhân lực chuyên môn phục hồi chức năng của nước ta còn mỏng, đặc biệt, các cơ sở thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có đội ngũ nhân lực phục hồi chức năng theo đúng nghĩa. Ông khẳng định, phục hồi chức năng là một trong ba trụ cột của ngành y tế hiện nay (gồm: y tế dự phòng, khám bệnh - chữa bệnh và phục hồi chức năng), việc phát triển ngành là rất cần thiết và để phát triển toàn diện thì phải có một cơ chế pháp lý thống nhất. Chúng ta cần tập trung phát triển mạng lưới hệ thống cơ sở chuyên môn và đào tạo nhân lực. Đồng thời luôn phải xác định phục hồi chức năng là chuyên ngành lớn, không chỉ là hỗ trợ khám, chữa bệnh.

Tổ chức chuyên đề: NGÔ PHƯƠNG THẢO và VĂN HỌC.