Thay đổi phương thức đầu tư cho "vùng trũng"

Với hơn 600 cơ sở, trong đó có chín bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng; 50 trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công; 415 cơ sở trợ giúp xã hội,... hệ thống y tế lao động đang có nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Thăm khám cho thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: THỦY NGUYÊN
Thăm khám cho thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Thiếu và rất yếu

Toàn hệ thống y tế lao động xã hội hiện có hơn 43.800 bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên làm việc trong ngành, nhưng rất ít người có chuyên môn sâu. Cụ thể, trung bình chỉ có hai bác sĩ làm việc ở mỗi cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh. Tại các cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng bao gồm cả công lập và ngoài công lập, chỉ có từ một đến hai nhân viên y tế, với cơ cấu chức danh chuyên môn: 0,5 bác sĩ; 0,5 kỹ thuật viên vật lý trị liệu; 0,15 kỹ thuật viên hoạt động trị liệu.

Trong chín bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng, bình quân có khoảng 15 - 16 nhân viên y tế ở mỗi đơn vị, với cơ cấu chức danh chuyên môn cụ thể: bốn bác sĩ, bảy kỹ thuật viên trị liệu...

Cùng với đó, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là hiện trạng chung của hầu hết các cơ sở trong toàn hệ thống. Tình trạng nhà cửa xuống cấp; trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh còn thiếu, lạc hậu; cán bộ, nhân viên y tế ở một số cơ sở y tế lao động xã hội ít được đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật. Thực trạng đó khiến cho công tác chăm sóc, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở y tế xã hội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở tuyến cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới, rất yếu.

Lâu nay, khi nhắc đến hệ thống y tế lao động, xã hội thường ghi nhận mảng hoạt động chăm sóc người có công, người khuyết tật. Tuy nhiên, còn có một lĩnh vực khác có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội phát triển, đất nước đang trong giai đoạn dân số "vàng" như hiện nay, đó là hoạt động chăm sóc sức khỏe liên quan đến đặc thù lao động, nghề nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của hàng triệu người lao động, đang làm việc trong các điều kiện lao động có phát sinh yếu tố tác hại nghề nghiệp dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Thực tế cho thấy, trong các khu công nghiệp hiện rất thiếu cơ sở y tế để phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động về quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng, chống tai nạn thương tích. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), hiện trên cả nước chỉ có hơn 30 phòng khám bệnh nghề nghiệp. Số phòng khám như vậy là quá ít, trong khi các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng.

Còn theo Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp - Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tỷ lệ phát hiện bệnh nghề nghiệp là gần 5% trên tổng số khám bệnh cho người lao động. Tuy nhiên số người đi giám định bệnh nghề nghiệp để được hưởng chính sách bồi thường lại rất ít. Điều này có nguyên nhân từ nhận thức. Đối với người lao động, nhận thức về bệnh nghề nghiệp và các quy định có liên quan còn hạn chế; trong khi, người sử dụng lao động chưa hiểu hết các quy định pháp luật hoặc không quan tâm, không giới thiệu người lao động đi giám định. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp Vũ Xuân Trung cho hay, hiện trang thiết bị và năng lực cán bộ phục vụ công tác khám phát hiện và giám định bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng này gây nên nhiều hệ lụy lâu dài cho người lao động, và cho hệ thống an sinh xã hội.

Mục tiêu và nguồn lực

Qua khảo sát, đánh giá những hạn chế, bất cập hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Đề án Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tối thiểu 70% số các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng ngành đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh; 30% số trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy đủ điều kiện khám, chữa theo bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của y tế tuyến xã; phấn đấu 80% số người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử; từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội.

Muốn đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Đình Phúc, Ban Khoa học công nghệ, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường nguồn nhân lực y tế lao động xã hội cả về số lượng và chất lượng để bảo đảm nhân lực cho việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đối tượng của ngành và người dân ngay trên địa bàn. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho cơ sở y tế lao động xã hội.

Đối với bệnh nghề nghiệp, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp Vũ Xuân Trung kiến nghị: Các doanh nghiệp cần khám tuyển dụng để loại bỏ những người mẫn cảm với các yếu tố độc hại; khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, giải quyết điều trị điều dưỡng, giám định khả năng lao động và tách người lao động ra khỏi môi trường sản xuất; cần trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân cho người lao động; xây dựng nội quy vệ sinh, các biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp cho công nhân biết và thực hiện; tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, người lao động trong các khu công nghiệp và các đối tượng xã hội là góp phần phát triển an sinh xã hội. Song đó là công việc liên ngành, đòi hỏi nhiều bộ, ngành và địa phương cùng nhập cuộc và có sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

Các cơ sở y tế lao động xã hội trên toàn quốc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc hằng tháng cho hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc, điều dưỡng hằng tháng cho hơn 700.000 thương bệnh binh nặng và hàng triệu lượt người có công; cai nghiện ma túy cho hơn 240.000 người.