Tết tại tâm

Chúng ta đã bao giờ dành nhiều thời gian nghĩ về những giá trị nhân văn của Tết Việt! Ảnh: CTV
Chúng ta đã bao giờ dành nhiều thời gian nghĩ về những giá trị nhân văn của Tết Việt! Ảnh: CTV

Không khí xuân đã đến sớm trên khắp các nẻo đường. Những xe tải chở đào, chở quất đã rậm rịch hướng về các thành phố lớn. Khí xuân len lỏi vào những ngõ ngách theo những cành đào hồng tươi. Một khung cảnh tương tự như thế cũng diễn ra ở phía nam, chỉ thay mầu đỏ hoa đào, mầu vàng ối của quất, là rực rỡ hoa mai, hoa cúc. Những phiên chợ quê xa, đã bày ra những nồi gạo nếp, những bó lá dong... Ở nhiều khu công nghiệp, đã rộn rã tiếng cười của anh chị em công nhân, những nồi bánh chưng đã bốc khói nghi ngút khi những Tết sum vầy được tổ chức sớm. Một vòng quay mới lại sắp bắt đầu, với những kỳ vọng mới, niềm vui mới... Dẫu vậy, không khó để nhận ra, trong ánh mắt mỗi người, cái niềm vui vẫn còn những ngập ngừng, cái hy vọng đan xen những lưỡng lự, băn khoăn. Lần thứ hai, đất nước đón Tết Nguyên đán cùng với những lo toan về dịch Covid-19. Nhưng Tết Nhâm Dần, sẽ khác nhiều so với Tết Tân Sửu, và sẽ càng khác so với những cái Tết xưa. Cùng khoảng thời gian này năm ngoái, dịch bệnh mới bùng phát ở một số địa phương, số ca mắc là vài chục ca mỗi ngày. Bây giờ, con số được nhân lên nhiều lần...

Trong số những công nhân vui Tết sum vầy hôm nay, sẽ có những người không về quê, đón Tết sum họp người thân như năm nọ. Phần vì lo đem vị "khách Covid-19" về quê, phần vì tiết kiệm chi tiêu, phần vì ngại những "rào cản" trên đường về. Những cảnh đông nghẹt người xếp hàng trong siêu thị sẽ không còn. Cũng như thế, cảnh tay xách nách mang, sẽ giảm hẳn trong dịp Tết này. Chuyện chúc tụng, ăn uống, thăm nom họ hàng, bè bạn gần xa, sẽ hạn chế đi... Trong câu chuyện bạn bè, đồng nghiệp của bất cứ ai, tần suất cụm từ: "Tết này đơn giản thôi" xuất hiện nhiều hơn. Sau hai mùa Covid-19, cộng đồng đã quen với "Tết thích ứng"...

Nhưng cũng đừng vội nhìn những đổi thay ấy mà đưa ra cái nhìn tiêu cực. Chúng ta ai cũng còn nhớ những cái Tết thời kỳ "tiền Covid". Vui đấy. Mà cũng áp lực nhiều đấy. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như ai cũng có lúc thốt lên câu than phiền: "Đang yên, đang lành tự nhiên lại... Tết". Cuối năm, công việc hầu như ai cũng nhiều. Thế mà, ai cũng phải "chạy" khắp nơi để làm sao lo cho đủ "thủ tục Tết". Mua nọ, sắm kia. Quà chỗ này, quà chỗ khác. Phải làm sao khi "điểm mặt" thì nội ngoại và những chỗ "cần quan hệ", không sót chỗ nào. Tết thời hiện đại, không mấy ai thiếu thốn về cái ăn. Nhưng hầu như người nào cũng phải mua sắm khệ nệ. Tặng, biếu, sắm sanh cho gia đình. Thành ra, ai cũng tất bật đến tận tối 30. Qua ngày mồng một, phần lớn các gia đình ở đô thị lại phải lo làm sao tiêu thụ bằng hết số thực phẩm, bánh kẹo đã mua về! Cũng mấy ngày Tết, tiếng là ngày nghỉ, nhưng nhiều người, từ sớm mồng một đã lo cỗ bàn cúng tổ tiên. Sau đó là đi chúc Tết đôi bên nội ngoại, họ hàng cô dì chú bác. Tối đến, thì đã mệt nhoài. Kỳ nghỉ dài, mà lại ngắn, vì có mấy thời gian dành cho nghỉ ngơi. Không ít người "trốn Tết" bằng cách đi du lịch.

Một cách tình cờ, "Tết Covid" giải tỏa cho nhiều người áp lực thăm nom, mua sắm, chúc tụng, ăn uống. Có người buồn, nhưng cũng có người thấy nhẹ nhõm hẳn, khi sau hai "mùa Tết Covid", cộng đồng bắt đầu thích ứng với một cái Tết giản đơn hơn. "Chơi Tết" thay vì "ăn Tết" vốn là xu hướng xuất hiện từ trước, nay càng được chấp nhận rộng rãi hơn. Trong một kỳ nghỉ Tết dài, người ta có thể dành thời gian cho những sở thích cá nhân. Ai cũng có thể xách ba-lô đi du lịch khi những tour "khép kín", du lịch "xanh" đang trở nên phổ biến.

Thay vì chộn rộn, tất bật ngược xuôi, một cách tình cờ, cái "Tết Covid" cho người ta khoảng thời gian lắng lại. Chúng ta đã bao giờ tự mình nghĩ về những giá trị nhân văn của Tết Việt? Ẩn sau mâm lễ cúng thần linh, là thái độ của con người trước vũ trụ. Một lời chúc tốt lành trao đi, cũng là khi chúng ta mở lòng với người khác. Một nén nhang dâng lên tổ tiên, là lời nhắc chúng ta về nguồn cội. Dường như, suốt một thời gian dài, chúng ta bị phụ thuộc những lễ tục bên ngoài, mà lãng quên, lễ là phần ngọn. Cái tâm của mỗi người trong những ngày đầu năm mới, mới là phần gốc. Một món quà, một chuyến thăm viếng, một lời chúc có ý nghĩa thế nào nếu nó được thực hiện chủ yếu cho đầy đủ "thủ tục"?

"Tết thích ứng" là điều bất đắc dĩ. Nhưng cũng là dịp, để ta thay đổi. Để gạn lọc những gì tốt đẹp, để loại bỏ những gì không phù hợp, để hạn chế những xung đột cũ-mới, để Tết thích ứng với xã hội hiện đại. Một cái Tết giản đơn hơn, không quá câu nệ khuôn phép. Nhưng đó nên là cái Tết từ tâm, khi ta mở lòng với mọi người, khi ta cảm nhận những thông điệp nhân văn từ Tết.

Xuân vẫn đang về cùng vòng quay trời đất. Lo toan vẫn còn đó. Nhiều người đành gác những niềm vui, những mong chờ đến năm sau. Cùng là thấp thỏm vì Covid-19, nhưng Tết này, cũng đã khác lắm cái Tết năm qua ở tâm thế. Xuân Tân Sửu, số ca bệnh còn thấp, nhưng sự thấp thỏm lại ở ngưỡng cao. Hiểu biết về dịch Covid-19 còn nhiều lỗ hổng. Và hơn hết, chúng ta vẫn thiếu vũ khí chống lại dịch bệnh. Các biện pháp rà soát, phong tỏa, thực ra đều là những biện pháp phòng thủ nhiều hơn. Khi ấy, ngay cả những quốc gia tiên tiến nhất, vaccine phòng, chống dịch bệnh cũng mới chỉ được triển khai vô cùng hạn chế. Sẽ là không nói quá, khi chiến dịch tiêm chủng ở Việt Nam "đi sau, về trước". Từ giữa năm 2021, Việt Nam mới triển khai tiêm chủng đại trà. Trong bối cảnh cả thế giới "khát" vaccine, mà những chuyến hàng vẫn đều đặn chuyển về. Vừa trực tiếp mua, vừa vận động các nước hỗ trợ. Một chiến dịch ngoại giao vaccine đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chỉ hơn nửa năm, Việt Nam đã vào tốp đầu thế giới về độ phủ vaccine đủ liều. Trước thềm xuân mới, hàng triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Băn khoăn là có thật, nhưng thành công của chiến dịch vaccine khiến đất nước đối diện với dịch bệnh bằng một tâm thế mới. Cùng với "lá chắn" vaccine, những tháng cuối năm, những chỉ số phát triển kinh tế đã chứng minh đất nước đang có sức bật mạnh mẽ. Cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, ngay ở những nơi dịch bệnh khốc liệt nhất. Điển hình là sự hồi sinh của TP Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước một thời. Mới mấy tháng trôi qua mà hôm nay, trên "bản đồ Covid", thành phố mang tên Bác đã là một mầu xanh.

Mầu xanh diệu kỳ, mầu xanh hy vọng, mầu xanh của tương lai...