Tập trung vào đạo đức công vụ

Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hữu Linh (trong ảnh) nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng chức năng. Điều này có tính chất quyết định trực tiếp đến việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới.

Tập trung vào đạo đức công vụ

- Xin ông lý giải nguyên nhân của tình trạng các vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện ngày một nghiêm trọng, tinh vi hơn?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một là, về mặt khách quan, ngành còn nhiều hạn chế về nguồn lực, kỹ năng, kinh nghiệm cũng như về nhận thức, vì vậy, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại, thách thức đối với nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hai là, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự, xử lý dân sự ít; một số văn bản quy phạm pháp luật còn quy định chưa thống nhất... Ba là, hiện nay có rất nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến chức năng nhiệm vụ bị chồng chéo; cơ chế phối hợp vẫn chưa được đồng bộ, chặt chẽ, lực lượng phân tán, hoạt động rời rạc. Bốn là, vấn đề phối hợp với doanh nghiệp, trong đó một bộ phận doanh nghiệp, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường.

Năm là, kiến thức và trình độ nghiệp vụ của các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ này còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và kinh nghiệm giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Sáu là, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của các lực lượng thực thi phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế... Bảy là, ý thức cộng đồng về hàng giả, hàng nhái vẫn còn thờ ơ, một bộ phận người tiêu dùng lại mua hàng giả, hàng nhái để sử dụng vì giá rẻ…

- Dư luận rất quan tâm đến một số vụ việc xử lý hình sự cán bộ, công chức quản lý thị trường gần đây, Tổng cục nhìn nhận thế nào về tuân thủ đạo đức công vụ, thưa ông?

- Qua các vụ việc vừa qua, lãnh đạo Tổng cục đã thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đội ngũ công chức quản lý thị trường, kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở một số đơn vị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt chưa thống nhất trong nhận thức và hành động của công chức quản lý thị trường về sứ mệnh, vị trí, vai trò của lực lượng và việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu nâng cao năng lực thực thi công vụ.

Thêm nữa, nhận thức, tư duy của công chức ở một số cơ quan, đơn vị quản lý thị trường chưa có sự đổi mới, sức ì còn lớn, một số cán bộ chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong việc đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, cũng chưa thật sự bảo đảm chất lượng, năng lực so với yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác công tác triển khai và phối hợp với các ngành, các đơn vị trong nhiều trường hợp còn thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh...

- Để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, thanh tra, kiểm tra công vụ là chưa đủ, sẽ cần giải pháp đồng bộ như thế nào, thưa ông?

- Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, từ tháng 10/2018 đến nay Tổng cục đã phát hiện, xử lý kỷ luật hơn 40 công chức; đang xem xét kỷ luật 14 công chức; phê bình nghiêm khắc đối với 17 công chức; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục theo quy định hơn 230 công chức…

Tuy nhiên, thời gian tới Tổng cục sẽ tập trung triển khai một số giải pháp, cụ thể đó là:

Thứ nhất, tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ đối với toàn thể công chức và người lao động trong lực lượng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục, đặc biệt sẽ xử lý kỷ luật những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu...

Thứ hai, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong thực hiện hoạt động của cơ quan quản lý thị trường các cấp.

Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn của công chức bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, trong năm nay, Tổng cục bắt đầu tổ chức kiểm tra sát hạch chuyên môn toàn lực lượng, công khai kết quả; lấy kết quả làm tiêu chí xem xét luân chuyển, điều động và đánh giá thi đua.

Thứ tư, xây dựng Đề án luân chuyển, điều động cán bộ, trong đó sẽ thực hiện luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc dịch bệnh…

Thứ sáu, phát triển số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bằng việc tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực…

Thứ tám, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và địa phương giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

-Xin cảm ơn ông!