Tạo "giá đỡ" cho phát triển

Nhìn nhận công nghiệp điện ảnh Việt Nam dù dồi dào tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng, Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành
Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành

- Nhìn từ góc độ một ngành công nghiệp văn hóa, theo ông, điện ảnh Việt Nam đang ở trạng thái như thế nào?

- Phát triển công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh, các sản phẩm điện ảnh với vai trò là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa có giá trị tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Thị trường điện ảnh ở Việt Nam trước khi đại dịch Covid-19 ập đến đã phát triển mạnh, thậm chí được ghi nhận là một trong những thị trường tăng trưởng nóng, mức tăng khoảng 20% năm. Điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đã tiệm cận được với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Số lượng phim tăng mạnh, phần lớn dự án phim được xã hội hóa, đạt giá trị kinh tế - xã hội đáng ghi nhận.

Nếu tính từ mức thang chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mục tiêu đến năm 2020 đề ra là điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD, phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD thì thực tế, từ năm 2018 điện ảnh đã đạt tổng doanh thu 155 triệu USD, doanh thu phim Việt đạt khoảng 50 triệu USD. Đến năm 2019, tổng doanh thu vượt thêm gần 20% (176 triệu USD) so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác thì thị trường điện ảnh tại Việt Nam phát triển chưa bền vững, có sự cạnh tranh không lành mạnh, chưa có các giải pháp hiệu quả để bảo hộ cho phim Việt Nam.

- Có thế mạnh liên kết, cộng hưởng phát triển với các ngành giải trí, công nghiệp và dịch vụ nhưng tiềm năng này của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện vẫn được khai thác hạn chế. Nhận định của ông về vấn đề này?

- Điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp và có lợi thế về kết hợp, cộng hưởng sức mạnh với các ngành công nghiệp văn hóa khác như âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa… Một bộ phim luôn gắn với những con người, bối cảnh, đạo cụ, tình huống cụ thể; chứa đựng nội dung và hình ảnh quảng bá cho địa danh, nét văn hóa, sản phẩm và dịch vụ… Khi đoàn làm phim vào một địa phương, cái lợi rõ rệt nhất là nguồn thu từ nhân công và các dịch vụ đi kèm, sau đó là việc quảng bá hình ảnh nhằm phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc phổ biến một bộ phim cũng có thể lồng ghép với hoạt động quảng bá du lịch, ẩm thực, sản phẩm truyền thống và hàng tiêu dùng; triển lãm, biểu diễn thời trang, lễ hội…

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, một bộ phim hiện nay được trình chiếu không chỉ vài tuần hay vài tháng ngoài rạp mà có "tuổi thọ" kéo dài hơn rất nhiều khi được phát trên truyền hình và các nền tảng số. Việc liên kết giữa điện ảnh với truyền hình và các nền tảng số giúp tối ưu hóa giá trị tác phẩm điện ảnh, phổ biến rộng rãi, linh hoạt và kéo dài đời sống của phim.

Nhưng chúng ta cũng thấy rằng thế mạnh liên kết của công nghiệp điện ảnh Việt Nam với các ngành khác hiện vẫn được khai thác rất manh mún, thiếu tầm nhìn. Lợi thế bối cảnh với phong cảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa chưa được khai thác và quảng bá, tạo thương hiệu. Ngoài ra, việc thu hút các nhà sản xuất vào làm phim tại Việt Nam, tăng nguồn thu và quảng bá đất nước, con người Việt Nam còn hạn chế.

Thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam dù đã trở thành sự kiện thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và đông đảo khán giả, tác động tích cực vào đời sống văn hóa của nhân dân nhưng thực tế còn chậm đổi mới, chưa tạo được sức hút và hấp dẫn, vì thế chưa phát huy được hiệu quả quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế.

- Nhằm tạo "giá đỡ" cho công nghiệp điện ảnh phát triển, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cần được xác định theo hướng nào, thưa ông?

- Các quy định, chính sách được xây dựng trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã dành phần quan trọng cho nội dung phát triển công nghiệp điện ảnh. Theo đó, các biện pháp được đưa ra gồm: Bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp điện ảnh; phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh phụ trợ đi kèm và các ngành kinh tế khác; chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng giao lưu, quảng bá phim với các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với phim; xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia về điện ảnh.

Ngành điện ảnh cũng cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp điện ảnh; tạo cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp điện ảnh kỹ thuật số, phát triển và tiêu chuẩn hóa công nghệ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; khuyến khích phát triển quỹ đầu tư rủi ro và các sản phẩm bảo hiểm cần thiết cho hoạt động điện ảnh; xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ luật, nghị định và thông tư cho việc quản lý các hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường; triển khai các dự án có chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thu hút được khán giả để phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Dự luật cũng nêu các biện pháp về tổ chức quy hoạch sử dụng đất bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho các công trình văn hóa, rạp chiếu phim công lập và ngoài công lập, trường quay quốc gia; tăng cường thu hút đầu tư các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, nguồn viện trợ từ hoạt động liên doanh, liên kết; nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị, công nghệ từ hoạt động liên kết, liên doanh. Đặc biệt, chủ động khai thác những bộ phim có chất lượng cao, đề tài phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Bởi suy đến cùng, một nền điện ảnh phát triển là nhờ vào những bộ phim hay. Vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam không phân biệt phim Nhà nước đặt hàng hay phim do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất; phim giải trí, thương mại hay phim nghệ thuật; tất cả cần hướng đến người xem và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngôn ngữ điện ảnh, hội nhập với quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!