Tăng cường kiểm tra, giám sát

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn quan tâm đến xây dựng tổ chức cơ sở đảng-hạt nhân chính trị, xác định rõ từng cơ sở trong sạch, vững mạnh thì toàn Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh.

Buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: THANH PHÚC
Buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: THANH PHÚC

HỘI nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sau hơn 14 năm thực hiện đã đạt được kết quả quan trọng: Các tổ chức cơ sở đảng từng bước được củng cố, kiện toàn, sắp xếp phù hợp từng loại hình (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, quân đội, công an,…). Nhiều cấp ủy cơ sở đã đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, tập trung giải quyết những khó khăn, phức tạp, bức xúc ở cơ sở; hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chủ trương thủ trưởng là bí thư cấp ủy; chất lượng sinh hoạt các chi bộ từng bước được nâng cao; việc đánh giá, xếp loại, kết nạp đảng viên ngày càng thực chất hơn,… cơ bản đã bảo đảm vai trò lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Đạt được kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng (bao gồm: đảng ủy cơ sở, chi bộ cơ sở, đảng ủy bộ phận, chi bộ trong đảng ủy cơ sở, chi bộ trong đảng ủy bộ phận) và của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở.

THỰC tiễn cho thấy ở đâu cơ sở chủ động nắm chắc tình hình các chi bộ thuộc đảng bộ và đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên ở đó được nâng cao, tình hình chính trị-xã hội ổn định, kinh tế phát triển, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên: "năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở"(1). Một trong những nguyên nhân quan trọng là một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế về nhận thức, chưa quan tâm đúng mức việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên và dựa vào dân để xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, chất lượng, hiệu quả thấp; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên và cấp mình; có nơi buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, thiếu thực chất, rất hình thức;…

Qua một số vụ việc kiểm tra cho thấy những vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, khi được công khai thì đồng nghiệp cùng cơ quan và người dân nơi cư trú đều cho rằng "họ biết cả và biết rất rõ"... chỉ có tổ chức đảng ở đó là không biết hoặc biết nhưng làm ngơ.

ĐỂ phát huy hơn nữa vai trò công tác kiểm tra, giám sát, ngoài việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW nêu trên, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường đầu tư mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cấp ủy viên các tổ chức cơ sở đảng và thành viên ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, nâng cao nhận thức, nắm vững các nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát ở cơ sở; phát huy trách nhiệm của quần chúng, nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát nói riêng để chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời kiểm tra, giám sát, giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở, không để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn hoặc phát sinh "điểm nóng".

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên đối với công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở tiến hành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Những vụ việc vượt thẩm quyền của tổ chức cơ sở đảng phải báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết dứt điểm; những vụ việc phức tạp, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên phải hỗ trợ các tổ chức cơ sở đảng trong quá trình kiểm tra.

Ba là, đẩy nhanh việc thực hiện "Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn; những tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên thì bố trí 1 ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm"(2). Nội dung này đã được đề ra cách đây 15 năm từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (ngày 30/7/2007) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và trong một số quy định, kết luận của Trung ương, nhưng đến nay vẫn có rất ít nơi thực hiện vì vướng biên chế ở cơ sở. 

(1)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, Tr 189.

(2) Trích Điều 8 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.