Tận hiến cho rừng

Có những bạn trẻ thầm lặng dành cả thanh xuân để… giữ rừng. Với họ, bảo vệ các loài động vật hoang dã và sự đa dạng của hệ sinh thái những cánh rừng tự nhiên là mục đích sống, là "duyên nợ" của cuộc đời.

Đến từng nhà dân, lắng nghe chia sẻ rồi mới vận động, tuyên truyền. Ảnh: TRÚC HOÀNG
Đến từng nhà dân, lắng nghe chia sẻ rồi mới vận động, tuyên truyền. Ảnh: TRÚC HOÀNG

Bước ngoặt cuộc đời

Chỉ sau một lần tham gia Dự án khảo sát xã hội ngắn hạn của tổ chức Save Vietnam's Wildlife-Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Trần Thị Yến, 26 tuổi, cử nhân ngành phát triển nông thôn, đã tìm thấy bước ngoặt cho cuộc đời mình. "Lần đó, một bạn trong đội khảo sát không thể tham gia được vì lý do cá nhân. Nhận được lời mời thay thế, mình tham gia để trải nghiệm, rồi gắn bó với SVW từ "cái duyên" ấy đến tận bây giờ", Yến chia sẻ.

Mỗi ngày làm việc của Yến cùng đồng nghiệp đều rất sinh động và tràn đầy cảm hứng. Có những hôm cả đội phải tiến hành khảo sát xã hội, đến từng nhà dân để lắng nghe chia sẻ của họ. Khảo sát xong mới đi vận động, tuyên truyền cho phù hợp. Cứ xong một dự án, lại tất tả chuẩn bị phát triển, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí cho dự án tiếp theo, để hoạt động không bị gián đoạn.

"Chuỗi hoạt động của Trung tâm có đến bảy hạng mục lớn, với sự tham gia, phối hợp thực hiện của 16 cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. SVW hiểu rằng: Để giải quyết được các vấn đề bảo tồn hiện nay thì cần nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của tất cả các cơ quan ban, ngành, mới mong đạt hiệu quả. Bọn mình vừa bảo vệ sinh cảnh; cứu hộ, phục hồi, tái thả; nghiên cứu bảo tồn; giáo dục nâng cao nhận thức, lại vừa vận động chính sách, thúc đẩy thực thi pháp luật để tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực nhất cho động vật hoang dã và cộng đồng. "Đa dạng đối tượng, linh hoạt ứng phó, không ngừng phát triển" là châm ngôn làm việc của chúng mình", Yến cho biết.

Nỗi ưu tư của "người nổi tiếng"

Giữa tháng 6/2021, ở tuổi 39, anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW vinh dự trở thành một trong sáu công dân trên toàn thế giới được nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize-giải "Nobel Xanh". Đây là sự công nhận mang tầm quốc tế cho những cống hiến nổi bật trên toàn thế giới. Vậy nhưng, "Tôi chỉ nổi tiếng trên thế giới thôi, chứ tại nước mình tôi vẫn chưa thấy được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng tới lĩnh vực chúng tôi đang làm", anh Thái ưu tư.

Sinh ra và lớn lên ở xã Văn Phương, huyện Nho Quan, cách Vườn Quốc gia Cúc Phương chỉ khoảng vài km, nên từ nhỏ anh Thái đã quen với khu rừng bí ẩn này. "Cỡ những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đó tôi là đứa trẻ con đứng bán mía ven đường cho người chở gỗ, chở củi, chở lâm sản từ trong rừng ra. Chẳng hiểu ở đâu ra một ông Tây xông xáo làm đủ mọi cách cản trở những người đó. Và anh Tilo Nadler của tôi-người đàn ông ấy, trong những ngày đầu mới sang Việt Nam không biết chút xíu tiếng Việt nào, vẫn biết cách để làm cho nhiều người quay đầu xe đạp thồ chở đầy củi hoặc gỗ, ùn ùn ngược dốc mang trả lại rừng", anh Thái bồi hồi nhớ lại. Rồi cứ thế, đứa trẻ mười tuổi năm xưa lớn lên, chọn thực tập và làm đề tài tốt nghiệp tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng ngay trong khuôn viên Vườn quốc gia Cúc Phương của "anh Tây" nọ.

Ngay từ lần đầu được quan sát gần hơn những "em bé" voọc non bị mất cha mẹ (bị thợ săn bắn chết) đang được trung tâm chăm sóc, cảm giác xót xa ngày hôm đó khiến anh Thái hiểu rằng sẽ tận hiến cuộc đời của mình cho rừng, cho động vật hoang dã.

Năm 2018, đội Anti-poaching (nhóm hành động có tổ chức để chống lại nạn săn trộm động vật hoang dã) đầu tiên ở Việt Nam với bảy thành viên được thành lập tại Vườn Quốc gia Pù Mát, và tăng lên 16 thành viên chỉ một năm sau đó. Họ là những thanh niên từ 20-30 tuổi, tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam. Họ được hỗ trợ bởi rất nhiều công nghệ mới. Từ phương pháp đặt bẫy ảnh, cho tới đi tuần tra rừng với kiểm lâm viên bằng định vị GPS, bằng ứng dụng các phần mềm thông minh cybertracker và planning. Tính đến hết năm 2021, nhóm đã đồng hành cùng lực lượng kiểm lâm ở Pù Mát trong 1.350 đợt tuần tra, với quãng đường đi bộ trong rừng là 58.683 km; phát hiện 710 người vào rừng trái phép, trong đó 325 người bị phạt và lập biên bản. Phát hiện 399 cây gỗ bị chặt, tịch thu 12.868 cái bẫy, 104 khẩu súng, 27 kích điện, hai cưa xăng, 913 lán trại và hàng trăm kg động vật bị săn bắt.

Thật ra, những con số ấy không phải là điều khiến anh Thái hay bất cứ thành viên nào của SVW cảm thấy hạnh phúc. Anh Thái vẫn luôn canh cánh: "Chúng ta chưa thật sự coi rừng là của mình. Nếu bạn coi rừng là của bạn, mỗi khi có sự thay đổi chính sách, kế hoạch về rừng... bạn sẽ luôn tranh luận rất sôi nổi, quyết liệt như người khác phạm vào chính ngôi nhà của mình vậy!".

Bởi vậy, nên nhóm Chương trình Cộng đồng của Yến mới càng phải nỗ lực nhiều hơn. Họ vẫn luôn lạc quan, và được tiếp thêm động lực nhờ những câu chuyện giản dị như thế này: "Sau những lần cùng mình và nhóm đi thực hiện hoạt động, anh Chi, hiện là lái xe ở huyện Con Cuông, được nghe những câu chuyện cảm động về động vật hoang dã, hiểu về công việc bảo tồn và thấy được tâm huyết của những người làm nghề. Anh trở thành một trong những người "giác ngộ bảo tồn", nhân tố tuyên truyền, chia sẻ các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã đến những người chung quanh và cho cả khách hàng của anh. Anh hoạt động tích cực đến nỗi còn được vợ chồng một quán ăn tưởng nhầm là nhân viên của dự án khi đến ăn sáng tại quán họ".

Những hành động được làm từ trái tim, chắc chắn sẽ đến được với trái tim!