Tâm thế đối mặt

Những năm gần đây, ở các tỉnh miền núi phía bắc thường xảy ra các đợt thiên tai. Nhiều trận lũ chồng lũ, sạt lở đất khiến “vết thương” này chưa lành thì người dân đã phải nhận những “vết thương” khác. Cùng với chính quyền các cấp, người dân đang tích cực thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, bởi hơn lúc nào hết, họ hiểu mình có thể bị tác động tiêu cực bất cứ lúc nào khi thiên nhiên nổi giận.

Người dân ở Sơn La gia cố lại nhà cửa sau đợt thiên tai năm 2020.
Người dân ở Sơn La gia cố lại nhà cửa sau đợt thiên tai năm 2020.

Còn chồi nảy cây

Tới nay người dân xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) vẫn chưa nguôi ám ảnh về trận lũ quét lịch sử cuối tháng 8/2017 đã làm 15 người thiệt mạng, 179 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 245 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. "Nhưng người dân
vẫn phải sống, gượng dậy, chữa lành vết thương", ông Là Văn Hải (bản Hua Nậm) khẳng định sự quyết tâm đối mặt với những khó khăn do thiên tai. Nhờ được các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm giúp đỡ, người Nặm Păm đã xây dựng lại cuộc sống và chuẩn bị tinh thần để ứng phó những tình huống xấu nhất khi một mùa mưa, bão sắp tới.

Ông Là Văn Biên, Trưởng bản Hua Nậm cho biết, người dân đã được tuyên truyền về cách thức ứng phó với thiên tai, phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Việc của người dân là phải chủ động hơn, sẵn sàng ứng phó, đoàn kết, phối hợp chính quyền khi có tập huấn, cảnh báo, lịch di dời khi cần thiết…

Ðể chủ động, người dân xác định họ cũng chính là lực lượng tại chỗ, chuẩn bị phương tiện và vật tư cho chính mình và cộng đồng để có thể sửa chữa nhà cửa, công trình hư hỏng. Cụ thể hơn, như lão nông Lò A Huy (bản Piệng, xã Nặm Păm) chia sẻ: "Sau lũ quét, một nhóm thiện nguyện dưới xuôi lên, cho cây giống để trồng. Các bạn ấy động viên: còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Dân chúng tôi đã nhặt nhạnh tất cả những gì còn lại gây dựng cuộc sống, cải tạo đất trồng hoa màu để có lương thực… Ðó chính là thực hiện các biện pháp "bốn tại chỗ". Ðơn giản vậy thôi!".

Ðiều đáng nói, mất mát không chỉ xảy ra ở Sơn La, mà còn ở Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… Ở nhiều nơi, người dân thay vì lo sợ, thấp thỏm đã chọn cách thích ứng, chủ động phòng hơn chống. Ông Lò Văn Hải, người dân ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bày tỏ: "Những năm qua, mưa lũ liên tục hoành hành. Năm nay, xã Nậm Có có hơn chục ngôi nhà nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Huyện Mù Cang Chải đã tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời đến chỗ ở an toàn. Dân chúng tôi cũng đang cải tạo lại mái nhà cho kiên cố, cất lương thực ở nơi cao, an toàn hơn".

Năm 2020 là năm nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Tại Lào Cai đã xảy ra 38 đợt thiên tai, làm nhiều người chết, hàng trăm ha hoa màu bị cuốn trôi, thiệt hại hơn 432,6 tỷ đồng. Tại Yên Bái xảy ra 19 đợt thiên tai làm hai người chết, 16 người bị thương; hư hỏng 7.787 căn nhà, thiệt hại 4.100 ha lúa, hoa màu... Còn Sơn La, thiên tai đã gây thiệt hại 9.000 nhà ở, gần 5.000 ha hoa màu bị thiệt hại, khiến bốn người chết, 12 người bị thương…

Ðánh giá cấp độ rủi ro, chủ động "bốn tại chỗ"

Ðầu mùa mưa năm 2021, một số tỉnh miền núi phía bắc cũng đã phải gánh chịu những trận mưa lớn, gây lũ quét và sạt lở đất. Các tỉnh đã có kế hoạch nâng cao một bước công tác phòng, chống thiên tai. Nhưng theo chia sẻ của ông Phạm Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Thủy lợi tỉnh Yên Bái, thiên tai khó lường và vượt qua cả sự tưởng tượng của con người, trong khi nguồn lực và công tác dự báo còn rất nhiều hạn chế, nhất là dự báo về mưa lớn, dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. "Năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều hạn chế, công trình phòng, chống lũ bùn đá chưa được triển khai xây dựng. Ðịa phương còn thiếu nhiều phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả", ông Hưng nhấn mạnh.

Nhiều tỉnh khác cũng gặp vướng mắc tương tự. Bởi thế, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân phối hợp và chủ động hơn khi nguồn lực của tỉnh còn chưa bố trí đủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước chia sẻ, công tác khắc phục hậu quả thiên tai luôn được chúng tôi quan tâm, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ triển khai khẩn trương, quyết liệt kịp thời, sau các đợt thiên tai, đời sống, sản xuất của nhân dân sớm được ổn định. Công tác tái định cư người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai chuyển hướng từ việc triển khai các dự án tái định cư tập trung quy mô lớn, sang hình thức tái định cư xen ghép để bảo đảm kịp thời, phù hợp tập tục, thói quen sinh sống của người dân.

Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, cho biết, phương án năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt để ứng phó với mọi tình huống thiên tai ở mỗi thời điểm cụ thể, bao gồm các tình huống như: áp thấp nhiệt đới và bão; mưa lớn, ngập lụt; lũ quét, lũ ống; sạt lở đất, sụt lún... Mỗi tình huống thiên tai đều được đánh giá cấp độ rủi ro, từ đó đều có phương án chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng cứu phù hợp.

Còn tại Sơn La, để chủ động ứng phó tình hình diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2021. UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hằng năm, triển khai nhiệm vụ công tác năm tiếp theo. Phải kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở theo quy định, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cả bốn mùa trong năm theo phương châm "bốn tại chỗ" ■