Sự nỗ lực và đồng hành

Rõ ràng, để có thể giải quyết việc làm, đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho các vận động viên (VĐV) một cách bài bản không thể chỉ trông chờ vào ý thức và nỗ lực của các trung tâm đào tạo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến (trong ảnh) quanh vấn đề này.

Sự nỗ lực và đồng hành

- Thưa bà, công tác hướng nghiệp cho các VĐV Việt Nam sau khi giải nghệ, dù đã có những thay đổi, song dường như vẫn đang loay hoay, lúng túng?

- Ở nước ta, việc định hướng nghề nghiệp cho VĐV chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ các trường năng khiếu và trường đại học thể dục - thể thao. Không chỉ ưu tiên xét tuyển các cá nhân có thành tích thi đấu xuất sắc, số lượng ngành học bây giờ cũng đa dạng hơn trước (như quản lý thể thao, truyền thông, marketing hay hồi phục và chữa trị chấn thương...). Đây sẽ là hành trang cần thiết giúp VĐV phát triển trên con đường trở thành huấn luyện viên (HLV) chuyên nghiệp, làm công tác quản lý, giáo viên thể dục, xây dựng phong trào ở các địa phương hoặc các ngành nghề liên quan đến thể thao...

Hiện tại, các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước đã mở nhiều lớp học tại chức và chuyên tu nên phần lớn các em chỉ cần chịu khó thôi là sẽ có bằng cấp. Để tháo gỡ những khó khăn so trước đây, ngay tại Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Hà Nội cũng tổ chức các lớp học tại chức để VĐV không phải đi sang tận Bắc Ninh. VĐV hiện tại có nhiều cơ hội hoàn thành chương trình cử nhân đúng thời hạn, qua đó sớm tìm được việc làm ổn định sau khi nghỉ thi đấu.

Ngoài ra, công tác hướng nghiệp sang các ngành nghề khác cũng được triển khai nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn, do các VĐV có ít thời gian học nghề tay trái. Sau thỏa thuận hợp tác của Tổng cục với Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), lễ khai giảng Chương trình cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh cho 13 tài năng thể thao đã được tổ chức ngày 12-4. Việc VĐV được tiếp cận với nhiều ngành học mới sẽ góp phần nâng chất nguồn nhân lực nhằm tiếp cận với nhiều công việc khác nhau.

- Hiện tại, việc định hướng nghề nghiệp cho các VĐV nước ta gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

- Đầu tiên, các trường thể thao, trường năng khiếu của Bộ có chức năng thực hiện nhiệm vụ hướng nghiệp tới đội ngũ VĐV. Tuy nhiên, việc định hướng trong suốt thời gian này mới chỉ diễn ra ở mức chung chung, dẫn đến sàn năng lực của nhiều VĐV chỉ ở mức thấp. Nhu cầu công việc đòi hỏi năng lực ngày càng cao, nhưng việc đào tạo, trên nhiều khía cạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hơn nữa, do nguồn lực có hạn, mỗi đội tuyển không có đủ số lượng HLV cần thiết (từ chuyên môn, tâm lý, dinh dưỡng, hồi phục...). Những người thầy vừa chịu trách nhiệm hướng dẫn các em tập luyện vừa thay thế gia đình, cha mẹ nuôi dạy các em kỹ năng sống và cách ứng xử, còn cần phải tác động vào ý thức của VĐV, nhằm giúp họ xác định rõ tương lai sau này. Thực tế, không phải ai cũng có thể hiện thực hóa ước mơ gắn bó với công tác huấn luyện sau giải nghệ. Phải khẳng định, muốn được vào biên chế HLV cực kỳ khó, vì phải có người nghỉ hưu. Số đông các HLV mới tốt nghiệp sẽ phải xin việc và công tác ở các địa phương.

Không những vậy, nếu so sánh cùng các quốc gia trong khu vực Đông - Nam Á (như Xin-ga-po hay Thái-lan), các trường đại học nước bạn có điều kiện cơ sở vật chất rất đẳng cấp. Các VĐV vẫn theo học luật, kinh tế hay thậm chí y học như bình thường và nếu họ là những gương mặt nổi trội sẽ được lựa chọn lên đội tuyển quốc gia. Ngược lại, ngay cả cơ sở vật chất của những trường thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam còn rất kém, không thể đáp ứng được hết. Ngoại trừ một vài trường dân lập, không nhiều đơn vị sở hữu bể bơi hay sân vận động để phục vụ nhu cầu vừa học văn hóa vừa tập luyện.

- Vậy, Tổng cục đã có những phương án gì nhằm giải quyết nhu cầu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho VĐV?

- Hiện tại, Tổng cục đảm nhận vai trò đầu mối triển khai tổ chức các chương trình giao lưu hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV, với mong muốn tạo sự gắn kết giữa ngành thể thao và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Qua đó, VĐV sẽ hiểu rõ hơn về quyền lợi cũng như nhu cầu việc làm và các tổ chức doanh nghiệp có cơ hội chung tay hỗ trợ vấn đề này. Số lượng sự kiện dự kiến sẽ được gia tăng không chỉ tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ) mà còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác nữa. Công tác khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp và tìm việc làm của VĐV cần được thực hiện kỹ càng, qua đó Tổng cục sẽ gửi kế hoạch triển khai cụ thể đến hội doanh nhân trẻ tại các địa phương và có công văn kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Nhìn từ những giải chạy 5.000 - 7.000 người tham gia, với khoảng 30 sự kiện mỗi năm, việc kinh doanh dụng cụ, trang thiết bị quần áo giày dép hay việc vận hành và quản lý các hoạt động thể thao cũng cần bộ máy nhân sự ở quy mô lớn. VĐV nổi tiếng có thể trở thành đại sứ quảng bá cho thương hiệu hoặc làm công tác đào tạo, huấn luyện ở các cơ quan, xí nghiệp nhằm phát triển phong trào thể thao quần chúng trong nước. Với nhu cầu tập luyện thể thao ngày càng tăng, số lượng công việc tạo ra sẽ ngày một nhiều hơn.

Công tác định hướng và hỗ trợ việc làm rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể, nhưng trên hết vẫn là sự nỗ lực vươn lên của chính các VĐV. Với sự quan tâm của xã hội, VĐV ngày càng có nhiều cơ hội hơn, chỉ cần chịu khó nắm bắt sẽ có rất nhiều đường hướng phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!