Từ Al-Qaeda tới IS

Sự biến hình mang tính toàn cầu

Mãi cho đến ngày 11/9/2001, nhiều người Mỹ (và không chỉ người Mỹ), mới biết đến cái tên Al-Qaeda! Đó cũng là lần đầu, người ta mới chứng kiến một chiến dịch khủng bố được hoạch định tinh vi nhằm thẳng vào những biểu tượng hùng mạnh của nước Mỹ: tòa Tháp đôi ở New York, Lầu năm góc ở Washington…

Để ngăn chặn “căn bệnh ung thư thời đại”, nhất thiết phải có những nỗ lực hợp tác toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN
Để ngăn chặn “căn bệnh ung thư thời đại”, nhất thiết phải có những nỗ lực hợp tác toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên, thế giới biết được một dạng thức khủng bố tàn khốc đến như thế, mà cái tên đại diện cho nó là Al-Qaeda, dưới sự chỉ huy của một kẻ cuồng tín gốc Saudi Arabia, Osama Bin Laden. 

Nước Mỹ hùng mạnh đã dồn toàn bộ sức mạnh kinh khủng của bộ máy quân sự, an ninh, tình báo để nhằm triệt hạ Al-Qaeda, tổ chức khủng bố đã khiến nước Mỹ trọng thương ngày 11/9/2001. Hơn một tháng sau vụ khủng bố 11/9, Tổng thống George Walker Bush lệnh đưa quân vào Afghanistan, quyết đánh “dập đầu” Al-Qaeda và cả chính quyền o bế cho tổ chức khủng bố này là Taliban ở Afghanistan.

Taliban nhanh chóng bị lật đổ. Thủ lĩnh Al-Qaeda, Osama Bin Laden, bị “đuổi cùng sát tận”. Nhưng phải mãi 10 năm sau, tháng 5/2011, Bin Laden mới bị đặc nhiệm Mỹ bắn hạ, tại một khu nhà nằm trong lãnh thổ Pakistan gần biên giới với Afghanistan.

Bin Laden chết đi, Al-Qaeda bị đánh tan nát. Thế nhưng chủ nghĩa khủng bố cũng như phương thức khủng bố mà Al-Qaeda gieo rắc từ ngày 11/9/2001 lại không dễ dàng biến mất. Trái lại, nọc độc khủng bố Al-Qaeda đã di căn ra toàn vùng Trung Cận Đông, dưới tên tự xưng: Nhà nước Hồi giáo (IS).  

Khi Al-Qaeda suy tàn trước những đòn tiến công của Mỹ trả thù cho ngày 11/9, thì bất chợt phong trào Mùa xuân Arab bùng nổ ở hàng loạt các nước Trung Đông - Bắc Phi đã làm nảy sinh tình thế mới. Một trong những hệ quả trực tiếp của Mùa xuân Arab chính là sự bùng nổ nội chiến ở Syria. 

Lúc đó, một chi nhánh của Al-Qaeda ở Iraq có tên gọi là IS, tên viết tắt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đã di chuyển từ Iraq sang địa bàn Syria, nhanh chóng lớn mạnh, nổi lên như một lực lượng cực đoan, tàn bạo nhất trong các nhóm vũ trang Hồi giáo đang hoành hành ở chiến trường Syria và Iraq. IS chính là hoa độc của Mùa xuân Arab.

Thoạt đầu, Mỹ cũng như các nước phương Tây không quá quan tâm tới mối đe dọa IS, đơn giản bởi vì khác với Al-Qaeda chuyên “xuất khẩu” khủng bố sang Mỹ và các nước phương Tây, IS thuộc loại thánh chiến “về nguồn”, chiêu mộ các chiến binh trong khu vực và từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về khu vực biên giới giữa Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ (mà IS gọi là Cận Đông) nhằm thành lập một Vương quốc Hồi giáo duy nhất ở khu vực này. 

Ban đầu, IS còn lấy cái tên dài thòng là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria – ISIS, hay Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Cận Đông – ISIL. Nhưng sau khi đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo cho ngắn lại thì mục tiêu của IS dài ra: thiết lập Vương quốc Hồi giáo ở bất cứ nơi nào có người Hồi giáo trên thế giới. 

IS xây dựng thanh thế của mình bằng các hành động khủng bố cực đoan. IS bất tuân lệnh của trung ương Al-Qaeda, tấn công các lực lượng nổi dậy “anh em” đang chống chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria, chống luôn chính quyền Syria, đánh người Kurd ở khu tự trị trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, “chiến” với chính quyền trung ương Iraq, tổ chức thảm sát, thanh lọc sắc tộc ở những vùng mà tổ chức này kiểm soát được…

Các hành vi của IS bạo lực đến nỗi ngay một tổ chức khủng bố khét tiếng như Al-Qaeda cũng tuyên bố “tình đoạn, nghĩa tuyệt” với IS vì cho rằng các hành động đó làm “hoen ố” hình ảnh của Al-Qaeda!

IS cùng chủ nghĩa khủng bố mà họ chủ trương không còn giới hạn không gian địa lý nữa. IS đe dọa đưa “thánh chiến” đến bất cứ nơi nào có người Hồi giáo sinh sống, muốn chiêu mộ các tín đồ Hồi giáo cực đoan thực hiện thánh chiến trên phạm vi toàn cầu! 

Bằng việc tung ra những cuốn băng video quay cảnh hành quyết các nhà báo phương Tây, IS cũng muốn kích động các phần tử cực đoan ở ngay tại Mỹ và các nước phương Tây. Không có gì ngạc nhiên khi trong hàng ngũ của IS có các phần tử là người phương Tây. Khi ở trong hàng ngũ IS, đó là những chiến binh IS; khi trở về quê hương, chúng là “những con sói đơn độc”, thực hiện các vụ khủng bố mà không nhất thiết phải có lệnh từ trung ương IS và do đó, trở thành nỗi đau đầu của nhiều chính quyền phương Tây.

Từ Al-Qaeda tới IS, chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã có những sự “thay hình đổi dạng” mang tính toàn cầu. 

Trước các hành động khủng bố tàn độc của trước là Al-Qaeda, sau là IS, Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả lại lời thách thức bằng máu của các tổ chức này. Thế nhưng, các chính quyền nối tiếp nhau của Mỹ phải đối mặt với vấn đề nan giải trong cuộc chiến chống khủng bố: sự giới hạn của các nguồn lực. 

Là một siêu cường thế giới, Mỹ không chỉ có nhiệm vụ phải chống lại chủ nghĩa khủng bố với đại diện là “căn bệnh ung thư” IS, mà còn phải thực hiện vô số mục tiêu chiến lược khác: đối phó sự cạnh tranh của Trung Quốc, giải quyết các chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, đối mặt với nước Nga chung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine…

Đối mặt với chủ nghĩa khủng bố mà IS âm mưu phát tán, nước Mỹ không thể một mình đơn độc đối mặt. Cũng không có một trung tâm quyền lực chính trị quốc tế nào đủ sức đơn phương giải quyết triệt để vấn đề này. Trong một vài trường hợp, Mỹ còn phải hợp tác với những quốc gia mà chính quyền hay lực lượng Mỹ không có quan hệ thân thiện nhưng có chung mục tiêu loại bỏ IS, chẳng hạn như chính quyền Taliban ở Afghanistan. Vụ tấn công đẫm máu cuối tháng 8 vừa qua ở sân bay Kabul trong khi Mỹ đang thực hiện di tản khiến gần 200 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Thủ phạm không phải ai khác mà chính là IS-K (IS Khorasan), một nhánh của IS, thực hiện.

Một lần nữa, vụ đánh bom liều chết ấy càng cho thấy rõ: Để chống lại chủ nghĩa khủng bố biến hình mang tính toàn cầu, cần phải có những giải pháp linh hoạt, những nỗ lực hợp tác toàn cầu thì mới đủ sức ngăn chặn, tiến tới triệt tiêu “căn bệnh ung thư” của thời đại này.