Sớm hoàn thiện “lưới an sinh”

Trẻ em đang trở thành đối tượng chịu tác động lớn nhất trong đại dịch. Trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần, ông Đặng Hoa Nam (trong ảnh) - Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhấn mạnh, chúng ta cần phải sớm ban hành hệ thống pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn ứng phó, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh..

Sớm hoàn thiện “lưới an sinh”

- Là người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em lâu năm, điều gì khiến ông lo ngại nhất sau đại dịch?

- Tôi e ngại nhất về chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những tổn thất mà dịch bệnh gây ra góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Trẻ em các hộ nghèo, cận nghèo, vùng kinh tế - xã hội khó khăn thiếu điều kiện, phương tiện học trực tuyến. Uớc tính có 4,4 triệu trẻ em độ tuổi mầm non bị gián đoạn giáo dục.

Hơn nữa, nhiều trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ, người chăm sóc hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cha, mẹ tử vong do Covid-19, tạo nên những cú sốc về tâm lý, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe tâm thần của các em. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến an sinh xã hội và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

- Được biết, ngay tháng 7 vừa qua, đã có những chính sách cấp bách được đề ra để bảo vệ đối tượng đặc biệt này. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực thi?

- Về góc độ xây dựng chính sách, Cục đã tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19, trẻ em bị cách ly tập trung (F1), lao động mang thai và lao động nuôi con dưới 6 tuổi, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021. Đặc biệt tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các ngành triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong dịch Covid-19.

Một điểm đáng lưu ý là công tác truyền thông đã được chú trọng theo hướng tích hợp vừa phát hành các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông vừa phát động các chiến dịch truyền thông, tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức xã hội, tư vấn cộng đồng về tác động của Covid-19 đến phụ nữ và trẻ em… Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội, các chương trình trực tuyến (livestream) được tổ chức hằng tuần trên các trang mạng xã hội của Cục, kịp thời tư vấn, hướng dẫn về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, và giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận chính sách quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.

Đồng thời, Cục triển khai mạng lưới dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong dịch Covid-19; mở rộng dịch vụ tư vấn của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về tiếp nhận hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý, hướng dẫn hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trong dịch bệnh; triển khai mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em.

- Làn sóng dịch thứ tư đã khiến cho số lượng các em trở thành mồ côi, không nơi nương tựa gia tăng. Lưới an sinh sẽ bảo vệ các em như thế nào, thưa ông?

- Đó là một vấn đề xã hội đau lòng. Thiết nghĩ, việc đầu tiên, cần phải tìm người chăm sóc thay thế cho các cháu trên cơ sở quy định pháp luật. Ưu tiên tìm người thân thích, nếu không có thì sẽ tìm các cá nhân, gia đình tự nguyện nhận chăm sóc. Trường hợp cuối cùng mới đưa các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương.

Với trường hợp trẻ mất bố hoặc mẹ thì tùy tình huống cụ thể. Nếu gia đình cháu thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đi kèm và sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Cần tính đến việc nghiên cứu, thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế cho đối tượng trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19.

- Ông có bày tỏ lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ sau đại dịch. Sẽ phải làm gì để giúp các em vượt qua những tổn thương về thể chất và tinh thần?

- Để có thể kiểm soát dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cho cả xã hội, và đặc biệt là trẻ em. Ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Đi đôi với đó, cần chú trọng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em.

Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục, đặc biệt cấp tiểu học, trung học cơ sở triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng, chống xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19 vào các tiết học trực tuyến theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bảo đảm an toàn, hiệu quả việc dạy và học trực tuyến.

Xây dựng, tổ chức các chuyên mục phổ biến kiến thức, kỹ năng, các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, bài tập rèn luyện thể chất và tinh thần cho trẻ em và gia đình trên truyền hình, trên môi trường mạng để hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, tâm lý xã hội, phòng ngừa sang chấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong đại dịch. Nhanh chóng bố trí tiêm phòng vaccine cho trẻ em khi có đủ điều kiện.

- Thưa ông, đã đến lúc chúng ta cần phải tính đến những chính sách dài hơi cho việc ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch lần này?

- Về phía Cục, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu chung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch; chuẩn bị ban hành các quy định pháp luật, chính sách, kế hoạch tổng thể, quy trình, tiêu chuẩn ứng phó, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh.

- Xin cảm ơn ông!