Sapa O’Chau, Tò He… & những lựa chọn khó

Nói đến những cái tên doanh nghiệp xã hội (DNXH) tạo dấu ấn với cộng đồng có thể kể đến câu chuyện của Sapa O’Chau, hay của Tò He. Chọn những con đường đi khác nhau, nhưng mỗi câu chuyện khởi nghiệp đều dung chứa trong mình cả niềm vui - sự khó khăn và thách thức phía trước của loại hình doanh nghiệp còn khá mới mẻ này.

Du khách đến với Sapa O’Chau - DNXH đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai) kinh doanh về các dịch vụ du lịch cộng đồng.
Du khách đến với Sapa O’Chau - DNXH đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai) kinh doanh về các dịch vụ du lịch cộng đồng.

Cô gái người Mông - Tẩn Thị Shu sinh năm 1986, tại bản Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai). Lên lớp ba, như bao đứa trẻ Mông khác, Shu nghỉ học phụ giúp mẹ bán vải dệt thổ cẩm. Sang tuổi 13, Shu lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch. Lớn lên làm hướng dẫn viên du lịch, Shu có ước mơ phải làm một việc gì đó nhằm lưu giữ và phát huy được tiềm năng vốn có của bản làng mình, phải thay đổi để bớt nghèo, bớt khổ. Từ những ước mơ đó, cộng với sự giúp đỡ của những người bạn Ô-xtrây-li-a, đến năm 2007, ở tuổi 21, Shu bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc thành lập một DNXH để kinh doanh, mà một phần lợi nhuận sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ em người dân tộc đi học.

Bốn năm sau, với sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO quốc tế, Tẩn Thị Shu đã được đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh. Từ đó, Sapa O’Chau (có nghĩa là “cảm ơn” Sa Pa) hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn và có những bước tiến đột phá, mở thêm nhiều dịch vụ. Đến tháng 6-2013, Công ty TNHH MTV Du lịch Sapa O’Chau (Sapa O’Chau Travel) ra đời và đến năm 2017 chính thức trở thành Công ty TNHH DNXH du lịch Sapa O’Chau.

Một cô gái Mông, vốn còn chưa đọc thông viết thạo, nói gì đến đọc một văn bản pháp luật hay tiếp cận các tổ chức phi chính phủ tìm kiếm sự hỗ trợ, đã dũng cảm hiện thực hóa giấc mơ của mình. Shu đã đưa Sapa O’Chau (Sa Pa, Lào Cai) trở thành một DNXH tạo việc làm cho hơn 50 người, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. Điều đáng trân trọng là phần lớn lợi nhuận thu được từ các hoạt động của doanh nghiệp này đều được dành để hỗ trợ những trẻ em nghèo dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ được học tập của mình. Bản thân Shu giờ đã có thể nói thành thạo được tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Anh và đang theo học Khoa Quản trị kinh doanh, hệ từ xa của Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Sapa O’Chau, Tò He… & những lựa chọn khó ảnh 1

Nhờ đầu tư có tâm, chỉ trong hai năm qua, Tò He đã mở rộng sân chơi nghệ thuật lên gấp ba lần.

“Người dân tộc Mông có tập quán du canh, du cư, điều ấy không còn thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Thông qua Sapa O’Chau, tôi muốn chứng minh với người dân của mình là có thể sống tốt trên mảnh đất của mình”, cô gái Mông chia sẻ quan điểm.

Khác với Sapa O’Chau mang lại sinh kế cho người nghèo, Phan Thanh Vân - Giám đốc Công ty Tò He đã đưa ra mô hình kinh doanh sáng tạo dành cho người khuyết tật, với ý nghĩa “khuyết tật không phải là vô dụng”. Thế mạnh của Tò He là nghệ thuật tạo hình, tổ chức sân chơi hoạt động sáng tạo hằng tuần miễn phí cho trẻ em, bao gồm khuyết tật, tự kỷ, mồ côi. Tác phẩm của các em được sưu tập lại, thiết kế và in ấn lên các sản phẩm thời trang, lifestyle và bán ra thị trường. 5% doanh số của tác phẩm sẽ được trả lại cho tác giả bức tranh.

Tò He cũng có kế hoạch phát triển thêm các lớp huấn luyện, mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến làm việc với các bạn nhỏ có tài năng vượt trội, giúp phát huy được hết khả năng của các em. Đặc biệt, trong thời gian ngắn tới, Tò He sẽ thành lập trung tâm, xưởng đào tạo nghề và hướng nghiệp phi lợi nhuận dành cho các trẻ tự kỷ đến tuổi trưởng thành.

Hai câu chuyện, là hai cách thức kinh doanh, hai con đường đi hoàn toàn khác nhau, nhưng mục đích đều hướng đến mục tiêu vì sự phát triển chung của cộng đồng. TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nhìn nhận, những cách làm này đã thật sự tạo dấu ấn và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và những DNXH khác học tập theo. Tuy nhiên, đường đi của các DNXH không hề bằng phẳng. Vậy nên, ông Thành nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho những DN này phát triển thì cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn. Các DNXH với đặc thù của loại hình cần được hỗ trợ cụ thể bằng những chính sách tiếp cận tín dụng, đất đai phù hợp.

Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho những người khởi nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời có chính sách riêng cho DN do người dân tộc thiểu số khởi nghiệp, có lộ trình đào tạo kinh doanh, nâng cao về chính sách, pháp luật cho mô hình DN khởi nghiệp ở vùng khó khăn này…, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị CSIP khuyến nghị. Mỗi sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng sẽ là một cánh én nhỏ mang lại hy vọng và sự đổi thay tích cực cho cộng đồng nơi nghèo khó. Vậy nên, đừng để những cánh én trở nên đơn độc!