Podcast tin tức - hình thức truyền thông mới đầy hứa hẹn

Năm 2004, nhà báo Ben Hammersley trong một bài báo viết cho tờ The Guardian đã gọi tên thuật ngữ "podcast". Thuật ngữ này trở thành từ khóa của năm 2005 với khoảng 100 triệu lượt tìm kiếm trên Google. Một thập niên sau đó, hình thức trình bày nội dung bằng âm thanh trên website dần trở nên phổ biến với nhóm công chúng có hiểu biết về công nghệ.

Năm 2014, một chương trình phát thanh mang tên "Cuộc sống Mỹ" sản xuất podcast về tội phạm có thật. Nó nhanh chóng trở thành một cơn sốt khi có 5 triệu người theo dõi 12 tập của chương trình. Chương trình này đã chứng minh tiềm năng của podcast trong thời điểm điện thoại thông minh cho phép mọi người sử dụng tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Podcast chứng minh là một sản phẩm phát thanh chất lượng cao và có thể cá nhân hóa theo sở thích của công chúng.

Âm thanh luôn kích thích trí tưởng tượng, giúp công chúng thư giãn và có thể tập trung vào những việc khác trong khi nghe. Trí nhớ thông tin của con người có thể tăng lên gấp nhiều lần khi tiếp nhận thông tin được trình bày bằng âm thanh so với văn bản. Chủ đề dành cho loại hình podcast thường rất đa dạng, được thể hiện dưới nhiều hình thức như talkshow, ký sự, tin tức, phỏng vấn và cả sách nói. Hơn nữa sau nhiều năm, với sự phát triển của điện thoại thông minh và các nền tảng của Apple, Podcast đã không ngừng phát triển và thu hút lượng công chúng lớn.

Theo Báo cáo tin tức số (Digital News Report) năm 2021 của Viện Nghiên cứu Reuters (thuộc Đại học Oxford), 31% số người được hỏi cho biết, họ đã nghe podcast trên các phương tiện truyền thông khi thực hiện giãn cách xã hội trong đại dịch. Báo cáo số này được tiến hành hằng năm để phân tích hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng trên toàn cầu. Nhiều kết quả của báo cáo cho thấy xu hướng phát triển của podcast trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có hai động lực tăng trưởng chính đối với podcast là nhiều người nghe hơn và nhiều thời gian hơn cho mỗi người nghe. Doanh thu quảng cáo podcast dự kiến sẽ tăng lên 1,33 tỷ USD trong năm 2022.

Giáo sư Mia Lindgren của Trường đại học Công nghệ Swinburne đã công bố một nghiên cứu có tiêu đề "Intimacy and Emotions in Podcast Journalism: A Study of Award-Winning Australian and British Podcasts" (tạm dịch: Sự thân mật và cảm xúc trong báo chí podcast: Nghiên cứu các podcast của Australia và Anh từng đạt giải). Theo nhận định của Giáo sư Lindgren, báo chí podcast đang là loại hình báo chí phát triển nhanh, được chứng minh bởi các sản phẩm podcast tin tức của tờ báo The New York Times (mục The Daily) và các bản tin podcast của Australia như The Signal và 7am. Bà chỉ ra năm lý do vì sao công chúng lại yêu thích hình thức thể hiện thông tin dưới dạng podcast: Sự thân mật/gần gũi; tin tức như một bài tường thuật; phía sau hậu trường; cảm xúc; nhà báo gần gũi như những người bạn. Khi nghe một podcast, công chúng có cảm giác như người dẫn chương trình đang thì thầm vào tai họ, đang giao tiếp dựa trên trí tưởng tượng tích cực từ phía người nghe.

Một podcast cung cấp các thông tin sâu về một chủ đề có sự dẫn dắt của nhân vật được phỏng vấn hay sự tham gia của các nhà báo. Điều này tạo cơ hội cho podcast lấn át các hình thức kể chuyện truyền thống.

Khác với cách làm báo gần như rời rạc của phát thanh truyền thống, Podcast mang đến cho công chúng cảm nhận về những điều phía sau hậu trường. Tính minh bạch và đôi khi nguyên bản của âm thanh trong quy trình đưa tin đã trở thành một điểm mạnh của hình thức này. Giọng đọc truyền thống của phát thanh thường là trầm, đều, không cá tính. Tuy nhiên, trong podcast, người dẫn chương trình vẫn thể hiện được những cảm xúc khi trình bày mà không hề làm ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của một nhà báo. 

Trong cuộc cạnh tranh với dòng chảy thông tin và xã hội tự do thông tin trên internet, các nhà báo luôn tìm kiếm các hình thức truyền thông mới và các chiến lược kinh doanh mới để giữ chân được công chúng và phát triển lợi nhuận. Thực tế, Podcast tin tức - một hình thức truyền thông mới đầy hứa hẹn đã gia tăng trong những năm gần đây.

Người tiên phong cho hình thức báo chí mới này là chương trình The Daily của tờ  The New York Times, do Michael Barbaro tạo ra. The Daily là một chuyên mục dài khoảng 20 phút đưa tin về một câu chuyện tin tức duy nhất, được sản xuất năm ngày một tuần. Tờ The New York Times đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn khi phát triển các sản phẩm báo chí dưới dạng podcast để tiếp cận giới trẻ. Hiện giờ khoảng 2 triệu người bật nghe podcast của họ vào mỗi buổi sáng. Ngoài giá trị sản xuất, thành công của The Daily có thể được giải thích bởi các nguồn lực mà họ sử dụng. Nhóm làm podcast của Barbaro đã tận dụng và khai thác mạng lưới tin tức của The New York Times bao gồm 31 văn phòng quốc tế và 200 nhà báo. 

Felix Salmon của tờ WIRED từng bình luận rằng: "Các nhà xuất bản đang chạy đua để sở hữu chiếc máy in tiền, đó là podcast tin tức hằng ngày". The Times, The Telegraph, The FT, The Economist, Sky News và The Spectator đều đã đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh podcast gần đây. Các podcast gần nhất với công thức của The Daily về mặt sản xuất và định dạng có lẽ là The Guardian’s Today in Focus và Vox’s Today Explained. Nghiên cứu podcast mới nhất của ABC cho thấy cứ mười người Australia thì có chín người biết về podcast và cứ mười người thì có ba người nghe podcast thường xuyên. Với những người nghe podcast, trung bình nghe sáu số podcast mỗi tuần.

Podcast sẽ tiếp tục là một xu hướng chuyển động nhanh và năng động trong việc tiếp nhận thông tin kỹ thuật số đối với công chúng. Podcast được các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ quan tâm đặc biệt vì chúng thu hút những người trẻ và mang lại lợi nhuận nhờ quảng cáo. Podcast mang chất lượng báo chí đến với khán giả mới.

Sự thành công của podcast tin tức và các hình thức truyền thông mới đang được báo chí đa dạng hóa và phát triển, đã chứng minh sự bùng nổ của internet không nhất thiết phải là hồi chuông báo tử của báo chí.

Năm 2021 là năm phát triển mạnh mẽ của podcast tại các tòa soạn báo Việt Nam. Các cơ quan báo chí như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, VietnamPlus (TTXVN), VnExpress, Zing News… đều phát triển mạnh mẽ podcast trên các nền tảng thông dụng như Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts, SoundCloud, YouTube…nhằm đa dạng hóa nội dung và sản phẩm báo chí - truyền thông, mở rộng cách thức tiếp cận độc giả.