Phía sau những con số

"Tiền không mua được hạnh phúc" không phải là một câu nói sáo rỗng. Thử bắt đầu bằng những cố gắng tuyệt vọng của loài người, trong việc định lượng niềm hạnh phúc (và ở chiều ngược hướng là nỗi khổ sở) của từng quốc gia. Có vài chỉ số cơ bản thường hay được sử dụng, và nhắc đến nhiều mỗi khi có những biến động trên bảng xếp hạng.

Bắc Âu được xem là khu vực nhiều quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Dailyscandinavian
Bắc Âu được xem là khu vực nhiều quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Dailyscandinavian

Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Trái đất thuộc Trường đại học Columbia (Mỹ) thực hiện, tính mức độ hạnh phúc các quốc gia dựa vào tám tiêu chí: GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá; số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình; mức độ hỗ trợ xã hội; khả năng tự do lựa chọn cuộc sống; sự rộng lượng trong xã hội; cảm nhận về tham nhũng; mức phản ứng tích cực; và cuối cùng, mức phản ứng tiêu cực. Độ hài lòng đối với đời sống (Life satisfaction) của người dân - được đo bằng thang điểm 10 từ "cực kỳ không hài lòng" đến "cực kỳ hài lòng".

Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh đưa ra Báo cáo chỉ số Hạnh phúc hành tinh (Happy Planet Index - HPI), ba năm công bố một lần. Chỉ số HPI nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Nói cách khác, chỉ số này thể hiện hiệu quả mà các nước biến những nguồn lực có hạn trên Trái đất thành chất lượng cuộc sống của công dân nước đó. Do vậy, một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực thụ, mà có thể chỉ vì họ không khai thác quá nhiều tài nguyên.

Những bộ chỉ số này thường thấm đẫm tư tưởng văn hóa phương Tây, nơi hạnh phúc thường được giải thích là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong một bối cảnh xã hội cụ thể, bao gồm các nhu cầu về vật chất, tinh thần, môi trường tự nhiên và xã hội… Và bởi vậy, chúng thiếu vắng những dấu ấn tiêu chí về mặt văn hóa, nhất là văn hóa Đông phương, tỉ dụ như một chữ "hòa" cực kỳ quan trọng ở Á Đông. "Hòa", hiểu theo những cách đơn giản nhất, là sự "hài hòa" giữa con người với trời đất, và là sự "hòa hợp" giữa con người với nhau.

Và có lẽ, bởi sự thiếu vắng đó, chuyện những quốc gia không nằm trong nhóm phát triển hàng đầu thế giới như Bhutan hay Việt Nam chiếm những thứ hạng cao trên bảng xếp hạng HPI lại đều đã từng khiến dư luận thế giới xôn xao.

Tại sao lại là Bhutan?

Có lẽ lý do đầu tiên không phải là bởi ở Bhutan có hẳn một Bộ mang tên Bộ chăm lo hạnh phúc, cũng chắc không chỉ bởi đó là quốc gia duy nhất không phát thải khí nhà kính, hoặc "phát thải với con số âm" - với ít nhất 72% diện tích lãnh thổ vẫn đang là rừng nguyên sinh. Nguyên nhân then chốt, theo những du khách từng trực tiếp đặt chân đến mảnh đất ấy, là việc Bhutan vẫn còn duy trì, bảo tồn và tận hưởng một nền văn hóa bản sắc đa dạng, phong phú, thuần khiết…

Nhịp sống hiện đại ở Bhutan không phủ định truyền thống văn hóa đó. Người dân vẫn mặc y phục Gho cổ truyền đến công sở, nam giới chiều chiều vẫn ra thao trường tập bắn cung. Cộng hưởng với thiên nhiên tươi đẹp và nguyên sơ được bảo vệ nghiêm ngặt, đó dường như vẫn là một vương quốc cổ kính thần thoại hiện hữu ngay trong thế kỷ 21, không bị pha trộn, không bị hòa tan, bất kể thế giới đang phẳng đi từng ngày như thế nào. Và ở đó, thí dụ, khi tham gia giao thông, không ai cần phải bóp còi xe ầm ĩ hay lấn từng cm trên đường.

Còn tại sao lại là Việt Nam? Tháng 6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong hội nghị đó, có những vấn đề không thể phủ định được đề cập: Xã hội bất ổn, tham nhũng trầm trọng, môi trường sống gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, nạn thực phẩm bẩn đe dọa đời sống thường nhật... Còn ở cấp độ gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra các tình trạng đầy thử thách: ly hôn, ly thân, sống thử, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tảo hôn, bạo lực, xâm hại trẻ em; bạo lực gia đình nghiêm trọng…

Tháng 3 năm nay, khi Việt Nam vượt qua Bhutan (đột ngột tụt xuống thứ 56) trên bảng xếp hạng chỉ số HPI, để đứng thứ 5 thế giới, tính tương đối của những số liệu thống kê lại một lần nữa được làm rõ. Trong khi đó, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhận xét: "Dù đất nước có phát triển, vị thế được nâng lên, song người dân khó có thể hạnh phúc nếu sự vô cảm, thờ ơ, giả dối vẫn lấn át sự tử tế, ngụy giá trị vẫn chiếm chỗ Chân - Thiện - Mỹ".

Một đêm đầu đông năm 2019, tôi gặp anh - người tôi không dám hỏi tên, cũng chỉ dám chụp ảnh từ phía sau lưng - trên đường. Anh lưu lạc từ châu thổ Cửu Long ra Hà Nội. "Nghèo quá ra đây đi móc bọc thôi anh", câu bộc bạch buông lơi. Tôi tặng anh một chiếc bánh mì, lại muốn anh cầm thêm một chiếc nữa. "Thôi anh, ăn không có hết, anh đem cho người khác" - có lẽ không ít người giàu có no đủ hơn anh gấp bội cũng khó thốt ra được tự nhiên và thành thật như vậy, như một hơi thở, nhưng cũng như đinh đóng cột.

Chắc chắn anh chẳng biết HPI hay "Life satisfaction" là gì. Anh nghèo. Anh tha phương cầu thực. Nhưng ở anh có cái khí chất "Đói cho sạch" - thứ nền tảng văn hóa dân tộc được hun đúc nghìn đời. Không ai coi thường anh được, khi anh sở hữu khí chất ấy.

Vậy thì, bộ chỉ số nào đánh giá được là anh có cảm thấy bất hạnh hay không?