Nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường biển

Có lợi thế về diện tích mặt nước, vùng biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao…, tỉnh Quảng Ninh đang chủ trương đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, song hành với việc bảo vệ môi trường, tránh những tác động xấu từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Mô hình nuôi rong biển với vật liệu và kỹ thuật mới đang được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Mô hình nuôi rong biển với vật liệu và kỹ thuật mới đang được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Mở rộng mô hình vùng nuôi an toàn

Hàu sữa Vân Đồn được đánh giá có chứa rất nhiều protein, kẽm và các vi chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe. Thời gian cho thu hoạch sớm (từ 6-8 tháng), nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao cho nên hàu sữa ở Vân Đồn không ngừng được mở rộng về diện tích mặt nước nuôi. Đến nay, đã có gần 3.700 ha mặt nước được sử dụng để nuôi loài nhuyễn thể này, cung cấp ra thị trường khoảng 70.000 tấn hàu thương phẩm/năm.

Với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm mới từ hàu để đáp ứng nhu cầu trong nước, bảo đảm yếu tố mùa vụ, hướng đến xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đổi mới, tăng cường áp dụng các mô hình nuôi hàu sạch theo dự án tiêu chuẩn chất lượng an toàn vùng nuôi và chương trình giám sát chất lượng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ đó hoạt động nuôi hàu ở Vân Đồn dần đi vào quy củ, khoa học. Nghề nuôi hàu tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Bùi Duy Hùng, thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Bảo An, huyện Vân Đồn chia sẻ: Với hơn 20 ha mặt nước, chúng tôi thu hoạch khoảng 10 tấn hàu sữa/ngày. Nuôi hàu ở đây thuận lợi về môi trường nước, đặc biệt là thức ăn phù du cho hàu nhiều; do đó hợp tác xã cũng đang muốn mở rộng diện tích nuôi trong thời gian tới để tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho bà con.

Cũng ở Vân Đồn, Công ty TNHH thủy sản Thắng Lợi, một trong những cơ sở có quy mô nuôi cá mú lớn nhất ở huyện đảo này, đầu tư khoảng 300 ô nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Quản, phụ trách kỹ thuật chăn nuôi: Thời gian nuôi cá mú dài, để xuất bán phải từ 2-3 năm trở đi, thêm nữa việc đòi hỏi môi trường nước bảo đảm khiến cho kinh phí đầu tư lớn. Tuy vậy, do hàm lượng dinh dưỡng cao và chất lượng thịt thơm ngon nên cá mú có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh cá mú, hàu sữa, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn đầu tư nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị và phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như bào ngư, tôm, cua, ngán, sá sùng, tu hài…

Để bảo đảm nguồn giống phục vụ nuôi trồng, Quảng Ninh đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, khoa học và công nghệ tham gia đầu tư trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, cung ứng khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Nhờ chú trọng đầu tư nuôi trồng thủy sản, năng suất, sản lượng, giá trị ngành thủy sản ngày càng tăng cao. Tổng sản lượng tăng từ 117.115 tấn (năm 2017) lên 137.200 tấn (năm 2020) và năm 2021 đạt 150.000 tấn.

Vươn ra biển lớn, xa bờ

Để tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 13 ngày 10/8/2021 với định hướng chú trọng phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. Dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ ba hải lý trở vào. Mở rộng diện tích nuôi phù hợp sức tải môi trường trong giới hạn từ ba đến sáu hải lý. Khuyến khích đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt ở các địa phương: Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà…

Theo kế hoạch, chậm nhất đến hết năm 2022, hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch. Di dời các cơ sở nuôi trồng ra khỏi vùng lõi vịnh Hạ Long. Xây dựng cơ cấu đàn giống thủy sản phục vụ nuôi biển phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, các loài có giá trị kinh tế cao. Đồng thời nghiên cứu phương án nhập giống và tiếp nhận chuyển giao công nghệ nuôi các loài cá biển, nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao từ các nước, vùng lãnh thổ có điều kiện tự nhiên tương đồng để bổ sung vào cơ cấu đàn giống thủy sản nuôi biển của tỉnh…

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Để hài hòa giữa phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường biển, Quảng Ninh cũng tích cực thực hiện chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện môi trường, tức vật liệu có các thông số tương đương Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) quy chuẩn cho HDPE. Đến nay, việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 38.000 quả phao, chiếm 12% tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE.

Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ khu bảo tồn biển Cô Tô-Đảo Trần, khu bảo tồn vịnh Hạ Long theo các quy hoạch được phê duyệt. Tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô ở các vùng biển Cô Tô-Đảo Trần, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Bảo tồn, kết hợp đặt hàng sản xuất giống thủy sản đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để thả tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, địa phương hiện có hơn 21.000 ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 14.506 ô lồng nuôi trồng thủy sản nước mặn; 18.141 ha nuôi nước lợ, còn lại là nuôi nước ngọt. Một số vùng nuôi trồng thủy sản được hình thành như: vùng nuôi tôm gần 9.700 ha; vùng nuôi nhuyễn thể 4.383 ha; vùng nuôi cá song 550 ha; vùng nuôi ghẹ 36 ha; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm, gần 1.855 ha...