Nối những vòng tay Việt...

Tháng 3/2021, cáo phó về người Việt ở CH Czech qua đời vì Covid-19 bắt đầu xuất hiện nhiều trên Facebook. Trần Quỳnh Hoa, một trong những người tiên phong lập Nhóm Phiên dịch y tế tại CH Czech nhớ lại: "Điện thoại phải sạc 24/24 giờ, cháy máy. Mỗi cuộc gọi là một gia đình, một số phận, một hoàn cảnh vô cùng thương tâm".

Chị Trần Quỳnh Hoa (ngoài cùng, bên phải) với gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp
Chị Trần Quỳnh Hoa (ngoài cùng, bên phải) với gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Tháng 3/2020, dịch Covid-19 bắt đầu tràn vào châu Âu. Trước thời điểm đó Trần Quỳnh Hoa đã thường xuyên phiên dịch cho người Việt ở Czech không biết tiếng địa phương mỗi khi họ cần đi bác sĩ, đến trường học, liên hệ công việc... Sang đây định cư từ năm 1994, Quỳnh Hoa hiểu rằng "nhiều người không có bảo hiểm, không bác sĩ gia đình, khi bị bệnh chẳng biết phải xoay xở thế nào. Tâm lý bị Covid-19 thường lo sợ, thậm chí hoảng loạn khi có dấu hiệu khó thở và sốt về đêm". Do vậy, chị "nói với chồng rằng phải chủ động đăng số điện thoại lên Facebook để mọi người gọi khi cần".

Giữa ngàn nỗi đau

Mạng xã hội tốt hay xấu là do mục đích sử dụng. Ngày 13/3/2020, Quỳnh Hoa đưa số điện thoại di động của hai vợ chồng lên Facebook và ngỏ lời nhận giúp kết nối với bên dịch tễ, bác sĩ, bệnh viện nếu cần. Lập tức Hải Anh-một người Việt thạo tiếng Czech khác-tham gia. Ngay đêm ấy, Hải Anh lên ý tưởng, kêu gọi luôn được hơn 40 người Việt ở nhiều vùng lập Nhóm Phiên dịch y tế tại CH Czech. Công việc của nhóm lúc đó chủ yếu tư vấn, hướng dẫn, nối điện thoại, phiên dịch hộ. Thành viên trong nhóm cũng nỗ lực tìm hiểu thêm về Covid-19 để cùng giúp đồng hương.

Vì ít người bị nhiễm, và tinh thần phòng, chống dịch giai đoạn đầu rất tốt nên tâm lý chủ quan bắt đầu xuất hiện. Sau hè năm 2020, dịch lại bùng lên, cáo phó người Việt qua đời vì Covid-19 bắt đầu đăng nhiều hơn. Ai khó thở, không trụ được ở nhà thì các phiên dịch tự nguyện giúp gọi xe cứu thương. Công nghệ hiện đại nên cũng tiện, chỉ cần nối máy và mở loa là những người dịch tình nguyện có thể nghe bệnh nhân nói, rồi dịch cho bác sĩ, nghe hướng dẫn của bác sĩ dịch lại cho bệnh nhân. Một cách hỗ trợ hiệu quả, và vẫn giữ được khoảng cách an toàn.

Nhưng, nhiều trường hợp không thể chỉ bật điện thoại lên là hỗ trợ được. Có một gia đình Việt Nam trước hay nhờ Quỳnh Hoa giúp đưa đi khám, chữa bệnh. Vào tháng 10/2020, người chồng sinh năm 1972 cảm thấy khó thở nên tự gọi xe cấp cứu. Vào viện, anh vẫn kịp nhắn tin đã bị Covid-19, phải cách ly. Sang ngày thứ ba, người vợ gọi vào máy của chồng nhưng không ai nghe. Lo lắng, người vợ gọi cho Quỳnh Hoa nhờ "tìm chồng giúp em với, vì em không biết anh ấy nằm viện nào". Theo kinh nghiệm, Hoa đưa người vợ vào viện gần nhà họ nhất. Đi mấy khoa mới tìm ra nhưng bác sĩ không có thời gian thông báo kỹ, chỉ nói bệnh nhân ấy đúng là nằm ở đây, đang hôn mê. Chiều gọi đã bảo chuyển viện rồi, vì tình trạng xấu. Hoa lại gọi sang viện khác tìm. Cứ thế cô giúp người vợ nắm được tin tức về chồng suốt ba tháng anh hôn mê, cho đến khi được về nhà.

Công việc này khiến các phiên dịch tự nguyện chứng kiến nhiều trường hợp khi hạnh phúc tột độ, lúc đau đớn tận cùng. "Một gia đình, hai vợ chồng "đi" trong vòng có bốn ngày. Anh sinh năm 1967 mất tối thứ bảy, chị sinh năm 1968 mất thứ hai sau đó. Có gia đình đồng hương mất cả hai bố con trong vòng hai tuần. Người con sinh năm 1994, cao to đẹp trai, rơi vào hôn mê, đã tỉnh lại, nói chuyện được rồi mà mấy hôm sau chết não. Họ hàng động viên người mẹ đồng ý ký giấy hiến nội tạng của con trai. Đau đớn điên dại, nhưng người mẹ cũng đã ký giấy. Vì gia đình ở xa Prague, nên họ nhờ tôi vào gặp bác sĩ, y tá chữa trị cho con trai họ để tặng thực phẩm, bánh trái cảm ơn. Tôi đã không thể cầm được nước mắt. Mất mát đến như vậy, mà vẫn nghĩ đến công lao y, bác sĩ đã chạy chữa hết sức cho chồng con mình", Quỳnh Hoa chia sẻ.

Mọi người biết Quỳnh Hoa hay đi lại bệnh viện nên còn nhờ cô mua trái cây, mì ăn liền, bánh kẹo, nước uống mang vào các khoa truyền nhiễm để tặng nhân viên y tế. "Mình vào, phải mặc đồ bảo hộ kín khoảng 30 phút, đã nóng và khó chịu lắm rồi, trong khi y, bác sĩ ở đây phải làm việc 12-16 tiếng mỗi ngày. Thương lắm!".

Nối những nẻo trời

"Có lần, bạn bè ở Việt Nam nhắn tìm giúp một người cậu bị suy thận, bặt tin đã hai tuần. Người nhà chỉ cung cấp được tên, năm sinh và nói ông ấy đang ở Prague. Nhà ở đâu vào viện gần đó tìm. Tôi ưu tiên hỏi các khoa thận trước. Họ bảo không có, nhưng mách nên ra gặp người trực máy tính của bệnh viện. Người trực hỏi mình số bảo hiểm và số sinh (tức số năm sinh, tháng sinh, ngày sinh và thêm bốn số phân biệt nữa) của người đàn ông này? Mình không có. Chột dạ, nhiều người sang đây còn thay đổi họ tên thì sao, biết đâu mà tìm? Nhưng mình có duyên tìm người hay sao ấy. Năn nỉ, cậu ta tìm một lúc rồi nói: Người này không nằm khoa thận mà ở khoa nội. Hóa ra suy thận phải lọc máu, nhưng tràn dịch màng phổi và biến chứng nên chuyển sang khoa nội. Anh ấy thuê chung phòng với nhiều lao động Việt Nam khác ở Prague. Mọi người đi làm hàng quán bận bịu, chẳng ai biết anh ấy đã nằm viện cả chục ngày rồi. Đời người đi lao động xa xứ, lúc đau ốm khổ vậy đó. Tìm được rồi, mọi người quyên góp đồ ăn, quần áo vào thăm. Gia đình muốn đưa anh ấy về điều trị. Bác sĩ nói với tôi là phải đặt vé khẩn cấp, sao cho anh ấy có thể chạy thận tối hôm trước rồi sáng hôm sau bay ngay, và về đến nơi cũng phải được bố trí lọc máu ngay... Cuối cùng mọi việc cũng êm đẹp, anh ấy đã có chuyến bay an toàn. Về với vợ con, hình như sức khỏe cũng ổn định hơn rồi".

Gần đây, một Việt kiều ở Czech-Trần Thu, đề nghị Quỳnh Hoa đưa lên Facebook hình ảnh của cô bị mắc Covid-19 và nỗ lực hồi phục như thế nào. Trần Thu phải vào viện cấp cứu, được truyền thuốc ngủ cho hôn mê giả, mở nội khí quản, bác sĩ còn nhắn gia đình chuẩn bị tình huống xấu nhất. Trần Thu đã chiến thắng Covid-19 trở về, nhưng triệu chứng hậu Covid-19 cũng là điều cô muốn chia sẻ cho nhiều người cùng biết: hồi phục chậm và bị huyết áp cao, rụng tóc, khó ngủ, tim hồi hộp lo lắng như bị trầm cảm... Quỳnh Hoa dẫn Thu đến bác sĩ khám lại, nhìn tóc bạn tự nhiên rụng trắng mà xót xa. Đây còn là căn bệnh mới nên bác sĩ chỉ có thể dự đoán rằng trong vòng một năm, các triệu chứng trên có thể sẽ dần hết.

Sau một năm thành lập, hiện Nhóm Phiên dịch y tế tại CH Czech vẫn hoạt động. Các thành viên, kể cả Trần Quỳnh Hoa cũng tham gia một cộng đồng mạng lớn hơn. Đó là nhóm Facebook Covid tại Czech, thành lập giữa tháng 2/2021 với sự góp sức của nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ, điều dưỡng gốc Việt, quân nhân, phiên dịch, luật sư, người hảo tâm... để sự giúp đỡ được lan tỏa rộng hơn và mạnh hơn.

Bên cạnh hoạt động này, Trần Quỳnh Hoa cũng vận động được một nhóm người Việt tham gia hiến máu nhân đạo. "Mỗi năm, tôi đều hiến máu ba bốn lần, với tâm niệm: Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại. Người Việt được coi là dân tộc thiểu số ở Czech, nên rất mong có thêm nhiều bạn trẻ tham gia hoạt động ý nghĩa này".

Những vòng tay Việt đang được nối rộng thêm như thế...