Những người đi trước...

"Năm 1995 tôi được chọn làm Trưởng tiểu ban mạng, Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin. Năm 1997, cùng với rất nhiều nỗ lực của Nhà nước, của bạn bè và các công ty kỹ thuật, chúng ta đã đưa được internet về Việt Nam. Nhưng trước đó, ngay sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, chúng tôi đã chế tạo được cái máy vi tính đầu tiên của Việt Nam - VT80. Đây cũng gần như là cái máy vi tính đầu tiên của châu Á. Nhờ có cái máy vi tính đó mà công nghệ thông tin ở Việt Nam bắt đầu có những bước đi không chỉ là lý thuyết mà chuyển sang thực tế và ứng dụng"...

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công.

Trẻ trung, hoạt bát và tinh anh hơn nhiều, rất rất nhiều so với tuổi 73, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công cười cười khi phóng viên ngượng nghịu thú nhận: Vừa đi vừa phải mò mẫm hỏi địa chỉ qua những ngoằn ngoèo ngõ ngách của làng cổ Đông Tác đang ầm ầm đô thị hóa: "Đã gửi mã QR để tìm đường. Thời chuyển đổi số rồi mà".

Sinh ra trong một dòng họ 600 năm sống ở Hà Nội; là con trai út nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo-thầy dạy của nhiều nhân vật nổi tiếng thế kỷ 20 như các lãnh tụ cách mạng; các văn nghệ sĩ, trí thức lớn; là cháu nội nhà nho Nguyễn Hữu Cầu-một trong những người sáng lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội..., TS Nguyễn Chí Công sớm được mẹ-một phụ nữ Việt điển hình: đảm đang, giỏi giang, chu toàn... - rèn cho ý thức tự giác học. Gia tài ông được thừa hưởng từ cha, là đến tận sau này, đi đến đâu, ra nước ngoài, ông cũng được nhiều người lạ đón tiếp, vô tư giúp đỡ mà phải lâu sau đó Nguyễn Chí Công mới vỡ lẽ: đấy toàn là những học trò của cha mình. Khi được Nhà nước chọn đi du học tại Tiệp Khắc (trước đây), Nguyễn Chí Công đã lén vào các thư viện, săn lùng sách vở tài liệu, mò mẫm học tiếng Pháp, tiếng Anh, và giao tiếp được bằng tiếng Anh tiếng Pháp từ sớm...

Trở về từ Tiệp Khắc, mang theo khối lượng kiến thức được học, Nguyễn Chí Công còn mang vác cùng cả đống linh kiện, phần cứng, thiết bị máy móc... phục vụ cho công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin trẻ... Không ngừng học, luôn tìm tòi là điều kiện tiên quyết để tránh bị tụt hậu mà Nguyễn Chí Công cùng nhiều đồng nghiệp thời đó khắc ghi trong bối cảnh Việt Nam đang ở những năm tháng ác liệt nhất của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và giai đoạn hậu chiến gian nan vì cấm vận. Nhiều sách vở, ảnh, máy tính, scanner, thậm chí cả bàn phím, tấm mạch, bảng điều khiển mang về từ nhiều quốc gia, từng dùng thậm chí trong nhiều dự án lớn, công trình lớn... đã được Nguyễn Chí Công lưu giữ, bảo quản và trở thành hiện vật quý của Bảo tàng công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Ở bảo tàng có những hiện vật, những bộ máy tính mà lúc mua về, Nguyễn Chí Công chịu chơi, phải bỏ ra số tiền, bằng cả một... gia tài. Nhưng nhìn vào đó công chúng hình dung được lịch sử hình thành phát triển của ngành công nghệ thông tin không chỉ Việt Nam mà phần nào cả thế giới.

"Dò dẫm hàng nghìn kết quả sai, hàng nghìn lần thất bại mới có thể ra đáp án đúng, mới có lần thành công. Mà đúng sai là do đáp ứng đúng nhu cầu", TS Nguyễn Chí Công chia sẻ. Luôn quan trọng ứng dụng thực tiễn, đề cao công nghệ phải phục vụ được đời sống, cũng từ thực tiễn gần một đời lăn lộn trong lĩnh vực khoa học máy tính -
công nghệ thông tin, TS Nguyễn Chí Công cho rằng: "Nhiều người không tin người Việt Nam đã từng bình đẳng với thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Có những trường phái tin sách hơn tin cuộc sống, họ luôn tin rằng có lời giải trong sách. Lời giải phải ở trong cuộc sống dù lời giải có thể chỉ gần đúng thôi, mà đâu cần tuyệt đối đúng. Máy vi tính VT80 chúng tôi xây dựng là chiếc thứ ba trên thế giới. Thật ra chiếc máy vi tính đầu tiên trên thế giới cũng do một người gốc Việt tham gia chế tạo, kỹ sư Trương Trọng Thi. Tiếc là giai đoạn cuối thập niên 70, thập niên 80 thế kỷ 20, đất nước bị cấm vận, muôn vàn khó khăn, chúng tôi không có điều kiện tiếp cận với linh kiện máy móc để mở rộng sản xuất. Tiếc nữa các kỹ sư, nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản không chịu nổi khó khăn, bỏ làm khoa học để... đi buôn".

Được đồng nghiệp, bạn bè, người hâm mộ coi là "một người Việt trầm lặng" vì thường tránh nói về mình, mặc dù có những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đã chọn, TS Nguyễn Chí Công là thành viên sáng lập FPT, thành viên sáng lập Viện Công nghệ thông tin... Ông cũng tham gia nhiều công trình phục vụ quốc phòng và nhờ đó được trao Giải thưởng Nhà nước. Nhiều công trình Nguyễn Chí Công cùng các cộng sự tham gia phục vụ, còn chưa thể công bố, vì những lý do an ninh. "Nhận thức về tin học của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam có từ rất sớm. Sự kiện chúng tôi chế tạo chiếc máy vi tính VT80 đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm từ năm 1977. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta đã chủ động bỏ công nghệ analog để chuyển sang công nghệ số trước cả một vài nước tiên tiến", TS Nguyễn Chí Công bật mí. Khoảng những năm 1994, 1995, ông cùng các cộng sự thực hiện dự án mạng truyền báo viễn ấn cho Báo Nhân Dân nhằm đồng bộ in ấn, xuất bản cùng lúc tại các địa phương vào thời điểm Việt Nam chưa có internet.

Vào cái tuổi thời gian rất dễ để lại dấu vết trong tư duy, TS Nguyễn Chí Công cưỡng lại quá trình lão hóa tự nhiên bằng cách tiếp tục đọc, viết, làm việc, giao tiếp, giảng bài, làm dự án, nghiên cứu lịch sử Hà Nội và trao truyền lại những hiểu biết bất tận của ông cho các bạn trẻ thông qua các trang web luôn được cập nhật thường xuyên, thông qua diễn đàn Cà-phê lịch sử và đặc biệt qua điều tâm huyết của ông: Bảo tàng công nghệ thông tin. Với số lượng hiện vật khổng lồ mà rất nhiều trong đó có giá trị lẫn trị giá được lưu giữ ở bảo tàng, cũng là tư gia, cũng là vùng đất của dòng họ Nguyễn Đông tác khi xưa đã từng dành cho Đông Kinh Nghĩa Thục làm trường, TS Nguyễn Chí Công luôn mau mắn giới thiệu, thuyết minh, truyền nhiệt huyết, ngọn lửa đam mê khoa học và công nghệ tới công chúng trẻ, để những người trẻ, trong bối cảnh xã hội thuận lợi hơn, nhiều ưu thế hơn, sẽ chủ động chiếm lĩnh cơ hội chứ không cam phận làm thuê, làm... gia công cho nước ngoài.