Nhận diện “vùng đỏ”

Tội phạm mạng gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với trẻ em, tuy nhiên, việc điều tra, xử lý đối tượng phạm tội này lại vô cùng gian nan.

Bằng chứng về vụ việc đe dọa, bắt nạt qua mạng được báo cáo trong chiến dịch Speak To Stop do tổ chức CyberKid Vietnam thực hiện.
Bằng chứng về vụ việc đe dọa, bắt nạt qua mạng được báo cáo trong chiến dịch Speak To Stop do tổ chức CyberKid Vietnam thực hiện.

Xâm hại ngày một tinh vi

“Em gặp Đ.V.Đ trên mạng và giờ em không biết phải làm sao”, B.T.V ở Chương Mỹ (Hà Nội) nức nở không nói nên lời. Mới hơn 15 tuổi, V quen với Đ.V.Đ ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ) qua Facebook rồi không may bị xâm hại tình dục, dẫn đến có thai. Kẻ xâm hại em sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng tương lai của cô gái nhỏ rồi sẽ như thế nào là câu hỏi chẳng dễ trả lời.

Đáng nói, đã có những vụ việc mà đối tượng cực kỳ manh động, như trường hợp của cháu Ng.T.Y (khi đang học lớp 7 một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai) có quen biết và “cảm nắng” đối tượng Lê Anh Quân qua mạng xã hội. Trong một lần gặp gỡ, Lê Anh Quân cưỡng hiếp cháu T, quay cảnh nóng để tống tiền gia đình cháu Y. Khi Quân đến địa điểm nhận tiền tại phố Đại Từ thì bị công an bắt giữ, xử lý.

Hay như tháng 8 vừa qua, một nhóm các bạn nhỏ dưới 16 tuổi, là admin của một trang Facebook được thành lập vào năm 2018 và có tới 30 nghìn thành viên đã bị đe dọa tấn công trên không gian mạng vì không chấp nhận đề nghị bán group này cho một tài khoản giả mạo có tên H.T.P. Trước những diễn biến nghiêm trọng từ sự đe dọa của nhóm người lạ, nhóm admin trẻ tuổi phải tìm kiếm sự hỗ trợ của CyberKid Vietnam - Tổ chức cộng đồng được lập ra nhằm góp phần bảo đảm sự an toàn của trẻ em trước các mối đe dọa an ninh mạng khi tương tác trên internet.

Theo Bộ Công an, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, toàn quốc đã phát hiện 1.233 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2020, trong đó xâm hại tình dục là 1.014 vụ (chiếm 82,3% tổng số vụ xâm hại trẻ em). Số trẻ em bị xâm hại bắt nguồn từ không gian mạng là 15,4% tổng số vụ. Còn tại Hà Nội, từ giữa tháng 6/2018 đến nay, toàn thành phố xảy ra gần 300 vụ xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 29 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đáng lo ngại là số vụ việc cũng tăng theo từng năm, điển hình một số vụ trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình, như đã xảy ra ở Long An, Phú Yên, Phú Thọ, Hà Nội… Lý giải về vấn đề này, đại diện cơ quan chức năng Bộ Công an cho rằng, một trong số các nguyên nhân là do hơn một năm qua phải giãn cách, phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý trẻ em; thời gian trẻ em sử dụng mạng xã hội nhiều nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ...

Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Hướng dẫn công tác nghiệp vụ cơ bản (Đội 7) Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, cho hay: Thủ đoạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng tập trung ở các hành vi như sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em vào mục đích khiêu dâm; mời chào các em quay clip khoe thân; qua mạng xã hội để làm quen, tiếp cận và lợi dụng sự ngây thơ hồn nhiên của trẻ em gái để xâm hại tình dục.

Khó nhưng không chùn bước

Tính chất của nhiều vụ việc hết sức nghiêm trọng, song việc điều tra các bước không hề đơn giản bởi người bị hại là trẻ em. Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, một số trường hợp do nhận thức và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế hoặc do lo ngại ảnh hưởng đến cuộc sống nên người xâm hại và bị hại tự thỏa thuận, giải quyết. Khi không đạt được thỏa thuận nhiều bị hại đã có thai sắp sinh gia đình mới làm đơn tố cáo. Phần lớn vụ việc thường diễn ra ở những nơi vắng vẻ, không có người làm chứng nên thiếu những lời khai khách quan; bị hại là người dưới 16 tuổi nên chưa hoàn thiện về tâm lý và nhận thức, việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra rất hạn chế. Nhiều bị hại còn quá nhỏ, có tâm lý rụt rè, sợ hãi khi làm việc với cơ quan điều tra, không biết diễn đạt hành vi của đối tượng, không nhớ được chi tiết nội dung sự việc.

Còn theo Thượng tá Đoàn Văn Giang, Đội trưởng đội 3, phòng 7 (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an), mạng xã hội chỉ là phương tiện bước đầu để các đối tượng làm quen. Khi đôi bên đồng ý gặp mặt trực tiếp, trẻ em nữ đã đối diện mối hiểm họa thật, là “vùng đỏ” mà các em nên tránh. Thượng tá Đoàn Văn Giang diễn giải: “Nếu bị xâm hại mà tố cáo ngay thì việc tìm chứng cứ từ hiện trường, thân thể các em để đi giám định sẽ dễ dàng, còn để lâu sẽ rất khó xác định. Có đối tượng xâm hại khi chúng tôi xét hỏi nhiều lần đều không nhận tội, cũng thiếu chứng cứ buộc tội vì chỉ thông qua lời khai của bị hại. Cán bộ điều tra phải dùng nghiệp vụ tìm hiểu tin nhắn của đôi bên, trích xuất hình ảnh camera nếu có”.

Song, khó không có nghĩa là chùn bước như khẳng định của Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự. Do đó đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, Công an các địa phương cần xây dựng, hoàn thiện mô hình Phòng Điều tra thân thiện, phục vụ, xử lý các vụ việc liên quan trẻ em; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tối vụ án xâm hại trẻ em. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cũng kiến nghị, công tác phối hợp liên ngành ở các địa phương, điều tra xử lý nghiêm, không để tồn đọng các vụ việc, gây bức xúc dư luận.

Qua thực tế, lãnh đạo nhiều đơn vị công an cũng kiến nghị, cần đào tạo chuyên sâu hơn cho điều tra viên chuyên sâu về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em. Để khi tiến hành lấy lời khai trẻ em được tốt hơn, tránh dùng từ ngữ mang tính chất chuyên môn hoặc các câu hỏi áp dụng đối với người trưởng thành khiến trẻ em không biết trả lời như thế nào hoặc trả lời không chính xác, có thể ảnh hưởng tâm lý của trẻ em.