Người lao động đang chịu thiệt thòi

Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chính là từ nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí cố tình làm ngơ, giấu thông tin của các doanh nghiệp, nên việc chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp của công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế này cho thấy, cần có những quy định chặt chẽ hơn, để công nhân, người lao động được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, thuận tiện.

Khám bệnh nghề nghiệp tại một công ty ở Đồng Nai.
Khám bệnh nghề nghiệp tại một công ty ở Đồng Nai.

Đối phó hoặc làm ngơ

Cả nước hiện có 325 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 53 triệu lao động, trong đó có 23 triệu người làm việc trong khu vực có hợp đồng lao động (50% số này được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Khoảng hơn 30 triệu người lao động còn lại làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có hợp đồng lao động và không tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, mới chỉ có khoảng 20 - 30% số người lao động có bảo hiểm xã hội được thực hiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm, khám bệnh nghề nghiệp cho 100.000 - 120.000 người lao động có nguy cơ, phát hiện được từ 5.000 - 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và số người lao động được chuyển sang giám định để hưởng chế độ chỉ chiếm 10 -15%, do vậy số người lao động sau khi giám định được hưởng bảo hiểm xã hội còn ít hơn nữa.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Viện trưởng Khoa học Môi trường và Xã hội cho biết: "Mặc dù số lượng lao động tại các khu công nghiệp rất lớn nhưng mới chỉ 64,6% số khu công nghiệp có phòng khám bệnh, các cơ sở bảo đảm về quy mô và chất lượng khám bệnh lại càng ít. Số lượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe mới chỉ đáp ứng được 34,9% nhu cầu của người lao động. Tình trạng chung của các cơ sở khám bệnh tại các khu công nghiệp nghèo nàn về trang thiết bị, máy móc; nhân sự không đáp ứng về cả số lượng cũng như chuyên môn; chỉ giải quyết một số trường hợp bệnh đơn giản. Do đó, khi xảy ra các tình huống bất thường như dịch bệnh, ngộ độc tập thể, tai nạn lao động tập thể… các cơ sở này khó có thể ứng phó, xử lý tình huống".

Luật Lao động quy định doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, ít nhất một lần/năm. Ðối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất sáu tháng/lần. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này, nếu có, chỉ khám qua loa, hình thức, nhằm đối phó các quy định của pháp luật về lao động.

Siết quy định, tăng trách nhiệm

Nhìn vào thực tế, hệ thống chính sách về y tế của nước ta khi áp dụng vào quản lý y tế tại các khu công nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia y học và xã hội học kiến nghị, phải sửa đổi một số điểm bất cập của hệ thống chính sách về y tế, đặc biệt những hạn chế về chế tài xử lý đã dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho người lao động mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước. Cần có thêm các quy định bắt buộc doanh nghiệp tổ chức khám cho người lao động ở nhiều hạng mục hơn. Đại diện Bộ Y tế cho rằng, nhằm tạo điều kiện cho công nhân được khám, chữa bệnh thường xuyên, mỗi khu công nghiệp cần có một trung tâm y tế hoặc bệnh viện, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người lao động. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường bộ máy quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn lao động.

Ông Nguyễn Trung Thành phân tích thêm: Hiện nay, các quy định về hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến đang gây trở ngại cho người lao động tiếp cận các lợi ích mà bảo hiểm y tế mang lại; các quy định về khám sức khỏe định kỳ còn thiếu tính chặt chẽ về một số điểm như quy định cơ sở y tế được phép tổ chức khám sức khỏe định kỳ, các hạng mục sức khỏe bắt buộc thăm khám. Đặc biệt, cơ chế xử lý, xử phạt với các doanh nghiệp, chủ lao động không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, với các cơ sở y tế vi phạm chức năng, quy trình cấp giấy khám sức khỏe định kỳ… chưa đủ răn đe. Ban quản lý các khu công nghiệp có chức năng kiểm tra, phát hiện các sai phạm về y tế trong khu công nghiệp, nhưng lại chưa được quy định chức năng xử lý, xử phạt, do đó hiệu lực quản lý chưa cao; chưa có văn bản quy định thanh toán một phần tiền khám và chữa bệnh cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp trong quỹ bảo hiểm y tế vào danh mục các bệnh điều trị dài ngày.

Ở góc độ luật pháp, Công ty Luật Việt Nam chỉ ra rằng, các cơ quan chức năng hãy soi vào quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ: doanh nghiệp sẽ bị phạt đến 150 triệu đồng nếu không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Đây là chế tài khá mạnh tay nhằm chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp "làm ngơ" sức khỏe của công nhân, người lao động.

Như vậy, dù còn khuyết thiếu và bất cập, nhưng trong lúc chờ các cơ quan chức năng bổ sung và điều chỉnh chính sách, thì chính sự năng nổ và trách nhiệm của các đơn vị chức năng ở tuyến cơ sở, nhất là các khu, cụm công nghiệp, sẽ góp phần đáng kể bảo đảm quyền lợi và sức khỏe cho người lao động.