Nghị quyết được mong đợi

Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội được ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang theo đuổi chiến lược trở thành doanh nghiệp số. Trong ảnh: Sử dụng Flycam kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm tra, vận hành tuyến đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: Ngọc Hà
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang theo đuổi chiến lược trở thành doanh nghiệp số. Trong ảnh: Sử dụng Flycam kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm tra, vận hành tuyến đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: Ngọc Hà

TRONG bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước vừa phải tập trung xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của giai đoạn trước, vừa lo phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, đối phó với những nhiễu động và tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, việc sớm thể chế hóa nghị quyết của Đảng, Chính phủ trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách là nhiệm vụ rất cấp bách. Nhất là khi thời gian đến năm 2025 còn lại không nhiều để thực hiện các mục tiêu cụ thể đã nêu trong Nghị quyết 68.

Một trong số các mục tiêu là đến năm 2025 sẽ có 100% số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quản trị hiện đại trên nền tảng số, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, nhìn vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 mà Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, có thể thấy ngoài một số luật có nội dung liên quan hoạt động của DNNN đã được đưa vào như Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá, Luật Đất đai, Luật Viễn thông, Luật Tài nguyên nước,… còn thiếu nhiều luật quan trọng khác gắn với quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ xanh, năng lượng sạch, khoa học-công nghệ,… Có vẻ như, những luật đó chậm được nghiên cứu để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung hay sửa đổi toàn diện.

Mục tiêu phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi vào một số ngành, lĩnh vực mới hoặc có tính chất quan trọng như: năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hay kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính ngân hàng, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi… cũng cần có sự đầu tư thích đáng. Có thể phải bắt đầu từ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước được để lại một phần thích đáng từ lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư mở rộng thay vì nộp ngân sách như hiện nay. Hơn nữa, nhà nước có thể đầu tư bổ sung từ nguồn thu thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà nhà nước không nhất thiết phải giữ vai trò chủ đạo. Để làm được như vậy cũng cần có những cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật khác với quy định hiện hành.

Với các mục tiêu cụ thể khác như xây dựng ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu (CSH) hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô-la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức hơn 5 tỷ đô-la Mỹ cũng cần có những cơ chế cho phép tích lũy và đầu tư mở rộng hay tăng vốn chủ sở hữu. Như mới đây, việc tăng vốn điều lệ bằng cách để lại lợi nhuận năm 2021 cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100% vốn nhà nước (Agribank) nhằm tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và tăng cường vai trò của ngân hàng này trong nền kinh tế cũng cần phải có nghị quyết của Quốc hội. Đó là do, từ lâu chúng ta đã không đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp từ ngân sách nữa. Để các doanh nghiệp nhà nước chuyển dịch đầu tư hướng đến sử dụng công nghệ xanh, sạch, giảm khí thải carbon cũng rất cần khung khổ pháp lý với những chính sách ưu đãi cao hơn so với đầu tư mở rộng sản xuất thuần túy.

Một nhiệm vụ cũng như giải pháp quan trọng nữa mà nghị quyết nêu ra là nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn để phát huy vị trí vai trò mở đường dẫn dắt của ngân sách nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Đây là xu thế tất yếu khi chúng ta không thể tiếp tục phát triển doanh nghiệp nhà nước theo kiểu dàn hàng ngang mà phải lựa chọn một số doanh nghiệp có thể bứt tốp để tập trung đầu tư chiều sâu, phát triển ra thị trường khu vực và thế giới với thương hiệu quốc gia. Đó có thể là PVN, EVN, VNPT, VIETTEL, VNA,… Để có được những doanh nghiệp đầu đàn và thương hiệu quốc tế này rất cần các cơ chế đầu tư theo kịp tốc độ phát triển của tiến bộ khoa học-công nghệ, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt kế hoạch năm 2021, ngoài nguyên nhân do nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp, còn do công tác chuẩn bị và các thủ tục pháp lý trong xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn làm chưa tốt. Do đó, nghị quyết của Chính phủ cũng đã yêu cầu sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả vốn, đất đai, tài sản của Nhà nước và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, chú ý tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí.

Có lẽ cũng phải sớm tổng kết, đánh giá về mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tập trung vào quản lý hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là quan trọng nhất. Làm được điều này cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật, thí dụ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ban hành từ năm 2014.

Suy cho cùng, để tập thể, cá nhân lãnh đạo và các doanh nghiệp nhà nước "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" không thể thiếu được một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, công bằng, công khai, minh bạch về quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới nhiều rủi ro, thách thức nhưng cũng không thiếu những cơ hội cho cả chủ sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Vậy nên, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước là vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện quyết liệt theo phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi".

Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội cho ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi) với những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gắn với một số cơ chế đặc thù, tăng cường phân cấp trong quyết định đầu tư. Nếu được thông qua, đây là một thí dụ sinh động về việc luật hóa một số tập đoàn lớn, chủ lực của Nhà nước.