Nếu được làm lại, vẫn chọn dấn thân!

Trong tâm dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh những ngày tháng gian truân nhất không khi nào vắng bóng những người làm báo. Không chỉ lăn xả khi tác nghiệp, họ còn sẵn sàng cáng đáng những công việc thật ít người có thể làm được. Chỉ với tâm nguyện, làm sao giúp cộng đồng vơi đi mất mát, đau thương. Và một câu hỏi câu thúc: Nếu mình không hành động, thì là ai?

Nhà báo Lê Hương (Truyền hình Nhân Dân) tham gia vận chuyển nhiều chuyến hàng hỗ trợ vào khu vực cách ly.
Nhà báo Lê Hương (Truyền hình Nhân Dân) tham gia vận chuyển nhiều chuyến hàng hỗ trợ vào khu vực cách ly.

Cho đến tận hôm nay, tròn một năm TP Hồ Chí Minh bị đại dịch Covid-19 khuynh đảo, nhịp sống của người dân và các nhà báo, tòa soạn đã dần trở lại bình thường. Dù các bệnh viện dã chiến đã kết thúc nhiệm vụ nhưng nhóm zalo Nhà báo-Bác sĩ-Doanh nhân do Trịnh Nguyệt Nhi (phóng viên VTV9) thành lập vẫn còn đó không khí "căng như dây đàn". Cho đến giờ những dòng trạng thái, những lời cầu cứu quặn lòng của một năm trước vẫn làm chấn động người xem lại: "Bệnh viện X cần thêm ống thở", "Khu cách ly Y xin giúp khẩn 100 đầu chia oxy", "Chỉ còn 200 bao… chứa thi hài, 900 chiếc đã chia cho các nơi", "Anh chị ơi, bên em đồng ý nhận F0 tại địa chỉ… nhưng không có xe cấp cứu, sợ bệnh nhân cầm cự không nổi", "Ai có thông tin về thân nhân bà A, mất ngày…, tại bệnh viện…", "Có ai biết mẹ em đang ở đâu, mẹ em mất ngày…". Trịnh Nguyệt Nhi bàng hoàng: "Nhìn lại ký ức những ngày đau thương, không thể cầm được nước mắt. Tôi phải lập ra nhóm để cùng nhiều nhà báo, y bác sĩ, doanh nhân xử lý hàng nghìn kịch bản chưa từng có!".

Trên trang cá nhân, Nguyễn Toàn, phóng viên báo điện tử Zing chia sẻ: "Ngày này năm ngoái, người Sài Gòn trải qua cơn bão kinh hoàng không chỉ thiệt hại về kinh tế, sức khỏe mà còn là mất mát về con người và những nỗi đau tinh thần mãi mãi hằn sâu ký ức. Mình chia sẻ lại 44 tấm ảnh chọn ra từ hàng trăm tấm ảnh chụp tại thời điểm dịch bùng phát, không chỉ để tưởng nhớ những người đã khuất mà còn để trân trọng hiện tại…". Lật từng bức ảnh mà phóng viên trẻ măng này chia sẻ, mới thấy Nguyễn Toàn thật dũng cảm, lao vào những nơi được xem là nguy hiểm nhất như khu cách ly, điểm tiêm ngừa, nhà có người mất… bởi lúc ấy, Nguyễn Toàn cũng như phần nhiều nhà báo đều chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine. Bức ảnh ám ảnh người xem, là hình bàn thờ có hũ tro, một người đàn ông đứng tuổi lặng lẽ lau nước mắt, trên vách tường vàng vọt treo một di ảnh…

Trái ngược với Toàn, nhà báo Phạm Hoài Nam của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã gần đến tuổi hưu. Suốt những tháng ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16+, anh một mình một mô-tô, chở theo những liều thuốc quý giá, lần theo từng số điện thoại, len lách qua nhiều vòng rào chắn để cứu giúp người nhiễm Covid-19 không tiếp cận được y tế. Hoài Nam kể: "Thuốc của mạnh thường quân mua sắm, sau đó nhờ Ban Dân vận Thành ủy phân phối, Ban lại nhờ những người như tôi (có thẻ nhà báo, có thể di chuyển hợp lệ, có máu liều) đem đến từng hộ dân. Tôi nhớ nhất là thời điểm tháng 7 âm lịch, khi ấy thuốc phát không kịp tốc độ tro cốt được quân đội mang về, thật đau lòng. Về sau khi phần lớn người dân được tiêm ngừa, việc phát thuốc mới tạm dừng".

Nếu được làm lại, vẫn chọn dấn thân! -0
Nhà báo Trần Quốc Nhân -Truyền hình Pháp luật Việt Nam thay vì chọn ngồi yên lại quyết định làm một việc mà rất khó ai có thể làm-đưa các mẹ bầu ra khỏi khu phong tỏa, về quê sinh nở. 

Vâng, còn có nhiều nhà báo cũng lựa chọn dấn thân vào những điểm nóng như nhà báo Phạm Hoài Nam. Trong đỉnh dịch, khi các thành phố thực hiện giãn cách, những con đường, những khu phố phải chăng dây cách ly, chiếc thẻ nhà báo quý giá luôn được các anh, chị đeo trước cổ, để di chuyển đến những nơi khó tiếp cận nhất. Chỉ vào chiếc ô-tô bốn chỗ mầu đỏ còn loang lổ decal, khẩu hiệu…, nữ nhà báo Lê Hương (Truyền hình Nhân Dân) chưa thể nào quên những giờ phút sinh tử. Là mẹ đơn thân, thay vì ngồi ở nhà hay tòa soạn viết bài cho an toàn, chị chọn tham gia CLB Chuyến xe Nghĩa tình (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh) ngay từ khi CLB được thành lập. Suốt 80 ngày ròng rã, những chuyến xe chở rau củ quả, mì, gạo, thực phẩm của CLB và của nhà báo Lê Hương đã như con thoi di chuyển từ kho của Hội đến các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến. Chị Hương không muốn tháo bỏ những logo của CLB còn dính trên xe bởi mỗi logo đều gắn với từng ký ức hằn sâu trong thời gian mất mát, đau thương. Hoạt động không ngơi nghỉ trong 80 ngày "chiến đấu", CLB và nhà báo Lê Hương đã tham gia vận chuyển hơn 130 tấn thực phẩm, 160 tấn rau quả, 100 tấn gạo,… và nhiều đồ thiết yếu khác.

Thật khó hình dung nổi những gì đã xảy ra trong lòng thành phố những ngày giãn cách, nhất là với những người không sống ở đây. Ở thời khắc khó khăn ấy, chỉ có các chiến sĩ lực lượng vũ trang, thành viên các Ban Chỉ đạo và cánh báo chí là tương đối di chuyển được. Nhà báo Trần Quốc Nhân (Truyền hình Pháp luật Việt Nam) đã tự nguyện làm một việc mà khó ai có thể làm được khi đó-đưa các mẹ bầu (phần lớn là công nhân ngoại tỉnh về thành phố làm việc) ra khỏi khu phong tỏa, vượt qua một hành trình đầy thử thách để về quê sinh nở. Trong bối cảnh, di chuyển ra ngoài một khu phố còn khó khăn, nói gì đến di chuyển đi tỉnh khác, Nhân Trần (bút danh) đã làm được điều tưởng như không tưởng. Lấy chính xe cá nhân làm phương tiện vận chuyển, mỗi chuyến đi anh phải lo đủ loại giấy tờ, rồi khai báo app, tự đi test Covid-19 cho mình và các mẹ bầu... Đến tận hôm nay, Nhân Trần là nhà báo có nhiều mẹ bầu… hâm mộ nhất thành phố. Hỏi động lực nào để làm, Nhân hỏi lại rất khẽ: "Mình không làm, thì ai làm hả anh?".

Hay như nhà báo Anh Thư (Báo Người Lao động) đã có chuỗi ngày sống trong bệnh viện dã chiến tầng cuối cùng để mô tả sự khốc liệt mà đội ngũ thầy thuốc đang trải qua nhằm cứu thật nhiều sinh mạng nhất có thể; nhà báo Như Lịch (Báo Thanh Niên) có nhiều tuần làm điều dưỡng trong một khu cách ly mà cái chết ở đó diễn ra trước mắt chị mỗi ngày; nhà báo Vân Sơn (Báo Tiền Phong) làm con thoi giữa nhà hảo tâm và các khu cấp cứu để trao oxy, trao máy thở, khẩu trang, bơm tiêm điện…

Họ, đều không chọn cách sống an toàn cho bản thân mà đã làm nghề, đã sống bằng cả sự tự hào, bằng ý chí của nhà báo cách mạng mang trái tim máu đỏ tươi hồng, yêu thương đồng loại, yêu thương con người. Sứ mệnh nhân văn của báo chí được góp phần khắc họa từ chính những câu chuyện chân thực và sinh động nhất của những con người dám vượt lên thử thách trong lằn ranh sinh tử.