Nâng tầm từ "gốc"

SEA Games 31 - kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á lần thứ hai được tổ chức tại nước ta. So với thời điểm 19 năm về trước, Việt Nam đã sẵn sàng ở mức cao nhất, với vị thế, tiềm lực, khả năng và điều kiện hoàn toàn khác.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhận cờ từ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cũng là nhận vinh dự và trách nhiệm với Tổ quốc. Ảnh: MỸ HÀ
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhận cờ từ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cũng là nhận vinh dự và trách nhiệm với Tổ quốc. Ảnh: MỸ HÀ

Còn nhớ thời điểm Việt Nam lần đầu nhận quyền đăng cai SEA Games, các nhà quản lý đã nhận thức rõ ràng cơ hội lịch sử cho nền thể thao nước nhà, song cũng thấy rõ những thách thức cực đại. Khi đó, cả nước chỉ có một vài công trình lớn, tiêu biểu như Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Sân vận động Hàng Đẫy, sân Thống Nhất hay bể bơi Yết Kiêu... Tất cả đều chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình bấy giờ vẫn chỉ là bãi đất trống rộng mênh mông. Hơn thế nữa, kinh nghiệm điều hành tổ chức các sự kiện quốc tế hay thậm chí những giải đấu đơn môn gần như là con số không.

Kết thúc kỳ SEA Games năm 1999, thể thao Việt Nam còn đứng mãi ở vị trí thứ sáu. Sau đó, bằng nỗ lực cao độ cộng thêm chút may mắn, chúng ta mới có thể vươn lên hạng bốn tại kỳ Đại hội năm 2001. Thực tế, chỉ một vài môn như vật, bắn súng, taekwondo, wushu có nền tảng tương đối tốt, còn lại đều phải gây dựng từ đầu. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Thể thao Thành tích cao và Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, ngành thể thao từng phải đưa ra ba phương án, trong đó có đề xuất tối thiểu chỉ tổ chức 20 môn và có thể không đứng trong top ba toàn đoàn nếu việc chuẩn bị lực lượng không bảo đảm.

Dẫu vậy, trên cương vị nước chủ nhà và trực tiếp là ngành thể thao cùng các địa phương đăng cai đã quyết tâm tận dụng tốt nguồn lực đầu tư đặc biệt, để từng bước thay đổi tình thế, trước khi tạo đột phá trong việc chuẩn bị cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện tổ chức cũng như lực lượng vận động viên. Trong đó, việc chuẩn bị lực lượng đã được khai triển mạnh mẽ và toàn diện, với một chương trình mục tiêu quốc gia riêng. Việc "nuôi" quân dài hạn ở nước ngoài, giải pháp xuất ngoại thi đấu cọ xát đã cho thấy hiệu quả khác biệt. Một lứa thế hệ trẻ tài năng của nhiều môn, với trình độ có thể tranh chấp sòng phẳng Huy chương vàng SEA Games, đã đồng loạt xuất hiện.

Sau bảy năm với ba năm cao điểm, qua màn tập dượt ở Đại hội Thể dục Thể thao 2002, Việt Nam đã hội đủ các yếu tố cần thiết để đăng cai SEA Games. 40 địa điểm được xây mới và nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, với "trái tim" là Sân vận động quốc gia và Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình. Một lực lượng với hơn 1.000 tuyển thủ đạt tới độ "chín", bảo đảm dự tranh theo phương án tối đa gồm 32 môn với 442 nội dung ở mức không chỉ chắc chắn lọt vào top ba, mà còn có thể đua tranh ngôi đầu một cách sòng phẳng.

Để rồi, SEA Games 2003 lần đầu do Việt Nam đăng cai đã trở thành một kỳ Đại hội thể thao khu vực thành công bậc nhất lịch sử, mang dấu ấn và bản sắc riêng, góp phần quảng bá đất nước con người, hun đúc tinh thần dân tộc tuyệt vời. Còn thể thao Việt Nam cũng có "điểm rơi" rực rỡ khi bứt lên giành ngôi nhất toàn đoàn thuyết phục với 158 Huy chương vàng, bỏ xa đoàn thứ hai tới 50 tấm huy chương vàng.

Sau 19 năm, Việt Nam lần thứ hai đăng cai một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, tại Hà Nội cùng 12 địa phương lân cận với vị thế, tiềm lực, điều kiện và khả năng hoàn toàn khác. Nước chủ nhà hiện sở hữu những thành quả to lớn từ cú "huých" SEA Games 22, cùng quá trình lớn mạnh không ngừng của thể thao Việt Nam nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, quá trình xã hội hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Riêng về thể thao thành tích cao, Việt Nam duy trì hệ thống đào tạo bài bản của hơn 40 môn, với hơn 1.000 tuyển thủ quốc gia. Chúng ta luôn giữ vững vị trí trong top ba toàn đoàn tại các kỳ SEA Games, và tiến mạnh lên "đỉnh" châu lục với năm tấm huy chương vàng ở kỳ Asian Games gần nhất. Việt Nam tự tin đã đạt tới trình độ hàng đầu châu lục và thế giới ở một số nội dung như cử tạ, bắn súng, điền kinh, với đỉnh cao là tấm Huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio. Nước ta đã đăng cai thành công các sự kiện tầm cỡ châu lục như Asian Indoor Games 2009, Asian Beach Games 2016, cùng hàng loạt giải đấu quốc tế theo môn.

Tất cả đều là những nền tảng quan trọng giúp thể thao Việt Nam vượt qua những khó khăn về quỹ thời gian, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho một kỳ SEA Games thành công về mọi mặt, như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao, Phó Trưởng Ban Tổ chức SEA Games 31 Trần Đức Phấn.

Hiện tại, thuận lợi căn bản của Hà Nội cùng 12 địa phương đăng cai là khả năng tận dụng hệ thống cơ sở vật chất sẵn có, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn và đã được nâng cấp sửa chữa. Nhằm phục vụ bộ môn quần vợt, công trình duy nhất xây mới theo mô hình xã hội hóa cũng đã sớm hoàn tất tại Bắc Ninh, với cụm sân thi đấu và sân tập hiện đại nhất Đông Nam Á. Khác với lần đăng cai SEA Games 22, thể thao Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm tổ chức, lễ tân, chuyên môn, qua hàng loạt các sự kiện, giải đấu mang tầm châu lục và thế giới. Đặc biệt, chúng ta sở hữu đội ngũ nhân lực quản lý có khả năng điều hành các giải thi đấu một cách chuyên nghiệp không thua gì các nước phát triển.

Riêng về mặt thành tích chuyên môn, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đã chính thức cam kết với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cùng 10 đoàn bạn về "một kỳ SEA Games fair-play". Nước chủ nhà cũng chứng tỏ quyết tâm vượt lên chính mình, nâng tầm SEA Games ngay từ "gốc" với chương trình thi đấu 40 môn cùng 523 nội dung có sự áp đảo của các môn Olympic và Asian Games. Đáng chú ý, khác với "nếp quen" SEA Games, không môn Olympic nào bị cắt giảm nội dung, ngoại trừ một số môn bị loại bỏ do không có đủ số đoàn tham dự. Đây là điểm nhấn được chính các nước trong khu vực đánh giá "ổn" nhất từ trước đến nay, thậm chí còn "chuẩn" Olympic hơn cả các kỳ Asian Games. Tinh thần tổ chức thi đấu trung thực, công bằng, nói không với các hiện tượng xử ép, gian lận, bệnh thành tích, được quán triệt tới từng môn, từng đội tuyển quốc gia.

Như tinh thần được Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về SEA Games 31 Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh với ngành thể thao trong việc chuẩn bị, tổ chức Đại hội, theo đó, ở lần thứ hai nhận vinh dự và trọng trách đăng cai, thể thao Việt Nam phải phấn đấu làm nên một kỳ Đại hội không chỉ tốt ở phần lễ mà còn ở công tác tổ chức thi đấu. Nước chủ nhà Việt Nam hướng tới một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á "dứt khoát phải vượt tầm".

Thể thao Việt Nam sẽ tham dự với số lượng vận động viên hùng hậu nhất lịch sử-952 tuyển thủ. Mục tiêu giành tối thiểu 140 huy chương vàng, đứng ngôi nhất toàn đoàn. Đây là đích nhắm hoàn toàn khả thi và Việt Nam có thể vươn tới một cách fair-play và thuyết phục. Ở kỳ Đại hội năm 2019, Việt Nam dẫn đầu ở các môn Olympic khi giành 71 huy chương vàng, hơn Thái Lan tới 20 chiếc. Chúng ta sở hữu cơ hội và điều kiện để chứng tỏ bản lĩnh thật sự khi chương trình thi đấu có sự áp đảo của các môn Olympic và Asian Games. Trong 40 môn với 523 nội dung của SEA Games 31, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu "giành vàng" ở khoảng 30 môn, dẫn đầu ít nhất 15 môn.