Nâng chất lượng dự báo sớm, chưa đủ!

Cần xây dựng cơ chế để lồng ghép thông tin dự báo khí tượng thủy văn, phân vùng rủi ro thiên tai trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương. GS Trần Hồng Thái (trong ảnh) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã lưu ý đến điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần.
 

Nâng chất lượng dự báo sớm, chưa đủ!

- Cùng với nắng nóng gay gắt kéo dài, chỉ mới đầu tháng 6 đã xuất hiện bão ảnh hưởng đến nước ta... Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, phía Tổng cục Khí tượng Thủy văn có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dự báo sớm, thưa ông?

- Ðể nâng cao chất lượng dự báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm mà chúng tôi đang triển khai là đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường số lượng và chất lượng quan trắc. Hiện nay chúng tôi bảo đảm cung cấp số liệu thời gian thật từ radar, vệ tinh nhằm nâng chất lượng của các bản tin dự báo mưa định lượng thời hạn ba giờ, sáu giờ. Thực hiện đưa số liệu radar vào đồng hóa trong mô hình dự báo số trị để nâng một bước chất lượng dự báo mưa định lượng hạn dự báo 12 giờ và 24 giờ,… Tăng cường năng lực trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhận chuyển giao hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét của Tổ chức Khí tượng Thế giới và áp dụng trong dự báo nghiệp vụ trong năm 2021. Trong dự báo lũ, ngập lụt, xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt đối với từng cấp mực nước lũ.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường để đồng bộ các dữ liệu hồ chứa thủy điện, thủy lợi, số liệu đo mặn vào cơ sở dữ liệu tập trung CDH (hệ thống hiện đại, cho phép lưu trữ và khai thác được hầu hết các dữ liệu khí tượng thủy văn như quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình… trên nền web) phục vụ công tác dự báo nghiệp vụ. Chúng tôi cũng thực hiện đồng bộ một loạt biện pháp như: tiếp tục cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương tại các Ðài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh, thành phố. Ðặc biệt là cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Cụ thể hóa chiến lược xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động theo định hướng của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhằm tiến tới giảm hơn nữa thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Các thông tin được cung cấp cho các địa phương và nhân dân để chủ động phòng, tránh thiên tai hiện nay được thực hiện thế nào?

- Ðể giảm thiệt hại do thiên tai thì bên cạnh dự báo sớm chúng ta cần phải có hành động sớm, chính vì vậy việc chuyển tải kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Hiện nay chúng tôi truyền tải các thông tin thiên tai qua nhiều kênh thông tin, cụ thể đã xây dựng Trang tin báo cáo về dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ: https://www.khituongvietnam.gov.vn/. Trang tin này đã và đang được vận hành, kết nối, tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ với: Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; Bản tin khí hậu; Bản tin dự báo thời tiết điểm đến 10 ngày của 63 điểm thuộc 63 tỉnh, thành phố; Dữ liệu quan trắc và dự báo các khu vực trên toàn quốc.

Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai còn chuyển tải qua kênh chính thức đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến Ðài Khí tượng thủy văn khu vực, Ðài Khí tượng thủy văn cấp tỉnh. Từ đây các đài khu vực, tỉnh, thành phố sẽ chi tiết hóa các bản tin dự báo, cảnh báo, sau đó chuyển đến cơ quan phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, huyện. Các đài khu vực, đài tỉnh cũng có quy chế phối hợp với cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương để bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai có thể đến được người dân sớm nhất.

Cùng đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thường xuyên cung cấp thông tin cho 65 đầu mối các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và Hà Nội khi có cảnh báo thiên tai. Phối hợp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Ðoàn để chia sẻ thông tin thiên tai đến hội, đoàn cơ sở. Ngoài ra, hiện nay người dân có thể đăng ký và nhận thông tin thời tiết hằng ngày cũng như tin cảnh báo thiên tai qua trang Zalo, Facebook chính thức của ngành khí tượng thủy văn.

- Thưa ông, việc áp dụng chuyển đổi số một cách toàn diện để nâng cao chất lượng dự báo sớm được triển khai như thế nào?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan truyền thông để hướng dẫn việc tổ chức nhắn tin dự báo, cảnh báo sớm nhất đến người dân địa phương bị tác động bởi thiên tai. Các đơn vị dự báo, cảnh báo tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tỉnh và cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương. Trong đó, sẽ quy định cụ thể việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa hai bên, bởi theo định hướng của ngành, trong những năm tới, sẽ tập trung vào dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai. Muốn làm tốt công việc này thì những thông tin, dữ liệu nền chi tiết, cụ thể về thiên tai, thiệt hại của thiên tai là hết sức cần thiết. Ðặc biệt cần xây dựng cơ chế để lồng ghép thông tin dự báo khí tượng thủy văn, phân vùng rủi ro thiên tai trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương. Nâng tầm, tăng cường vai trò của công tác khí tượng thủy văn trong giám sát, ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia, các ngành, lĩnh vực.

Ngành khí tượng thủy văn cũng mong muốn tiếp nhận thông tin phản hồi của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân về hiệu quả của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, việc sử dụng cấp độ rủi ro trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ hằng năm theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước. Có chính sách đầu tư, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng thể các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng.

- Trân trọng cảm ơn GS Trần Hồng Thái!