Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Tháng 7/2020, đại diện Bộ Thủy sản Thái Lan tự hào tuyên bố: "Chỉ trong vòng ba năm (2015 - 2018), Thái Lan đã xây dựng được một tương lai mới cho ngành ngư nghiệp cũng như ngành công nghiệp thủy sản nước nhà, thông qua một chương trình cải tạo hệ thống ở cấp quốc gia". Tuy nhiên, nói một cách chính xác, những thành tựu mà ngành thủy hải sản Thái Lan hay Philippines thu được, như những điển hình, là kết quả của một sự thống nhất cao hơn và rộng lớn hơn, từ cả Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).

Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt IUU là cách loài người bảo vệ các đại dương, bảo vệ "ngôi nhà chung" của chính mình. Ảnh: THE ASEAN POST
Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt IUU là cách loài người bảo vệ các đại dương, bảo vệ "ngôi nhà chung" của chính mình. Ảnh: THE ASEAN POST

1 ASEAN đã mất hàng tỷ USD kể từ đầu thập niên này, do phải nhận những "thẻ vàng" thủy sản, xuất phát từ tình trạng "IUU fishing", nghĩa là những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal), không có báo cáo (unreported) và không được quản lý (unregulated).

Những nhu cầu thay đổi từ thực tế được đặt ra một cách rõ ràng và quyết liệt ngay từ năm 2010, khi những quy định pháp lý cực kỳ cứng rắn và ngặt nghèo nhằm chống lại "IUU fishing" của Liên hiệp châu Âu (EU) - thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới, với giá trị dao động khoảng từ 11 đến 22 tỷ USD mỗi năm, qua khoảng từ 11 đến 26 triệu tấn thủy hải sản, chiếm ít nhất 15% tổng số lượng thủy hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới - chính thức có hiệu lực, sau khi ra đời năm 2008.

EU lập luận rằng "IUU fishing" là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

2 Tháng 4/2015, Thái Lan nhận "thẻ vàng" từ EU. Trước đó, thủy hải sản của nhiều quốc gia Ðông Nam Á khác cũng bị chặn lại trước cửa thị trường này, như Philippines (tháng 6/2014) hay Campuchia (nhận "thẻ đỏ" tháng 3/2014). Ngành ngư nghiệp - thủy hải sản của cả ASEAN chấn động. Và nhu cầu về một bước ngoặt trong nhận thức xuất hiện.

Năm 2016, ASEAN cùng nhau ra một thông cáo chung, thể hiện sự đồng thuận trong mục tiêu "tuyên chiến" với tình trạng "IUU fishing", nhằm hướng đến việc cam kết tăng cường đánh bắt bền vững trong khu vực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ASEAN trong chuỗi giá trị quốc tế, thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng như quy định quốc tế. Trước đó, ngay từ năm 2015, ASEAN đã soạn thảo kỹ lưỡng một văn bản mang tên "Hướng dẫn của ASEAN về ngăn chặn sự xâm nhập của cá và các sản phẩm thủy sản từ các hoạt động đánh bắt IUU vào chuỗi cung ứng".

Cuộc cải cách mạnh mẽ của ngành thủy hải sản Thái Lan, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, được tiếp thêm động lực nhờ tầm nhìn chung này. Và do đó, những thành công bước đầu đạt được tạo động lực tương hỗ cho những cố gắng thay đổi tầm cao ấy, trong một chuỗi vận động không ngừng nghỉ.

Ngày 8/1/2019, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố gỡ "thẻ vàng", thừa nhận những tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá IUU kể từ năm 2015.

Với khẩu hiệu "Thái Lan không IUU" (IUU-free Thailand), Thái Lan đưa ra một khung pháp lý toàn diện, cho phép kiểm soát và thực thi các hoạt động giám sát thông qua Trung tâm Giám sát Nghề cá (FCM) được thành lập năm 2016. Trung tâm này được trang bị hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để có thể giám sát ở cảng, trên biển và trên không. Trong khi đó, tất cả các tàu cá của Thái Lan đều phải lắp đặt hệ thống định vị, và phải có giấy phép hợp lệ mới được xuất bến. Tất cả những thủ tục này, mọi chủ tàu đều có thể dễ dàng thực hiện và tuân thủ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet.

Từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2018, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu euro cho các chương trình chống "IUU fishing", trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mới. Theo Cục Thủy sản Thái Lan, có tám yếu tố dẫn đến thành công, bao gồm: Ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống MCS mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động. Và đầu tiên cũng như cuối cùng, Thái Lan luôn chủ động trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

3 Tương tự và còn sớm hơn nhiều so với Thái Lan, Philippines cũng đã thực hiện những biện pháp cứng rắn, hướng tới khả năng đáp ứng bền vững các nhu cầu ngày một cao về tiêu chuẩn nguồn gốc, xuất xứ từ các thị trường "khó tính" nhất trên thế giới, thông qua định hướng chiến lược vĩ mô, khung pháp lý, chế tài nghiêm khắc cùng tiến trình áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại. Nhờ vậy, chỉ đến năm 2015, Philippines đã được EU gỡ "thẻ vàng", từ đó tiếp tục xây dựng và triển khai những "bước tiến thần kỳ" cho ngành thủy hải sản, thậm chí đã nhận "thẻ xanh".