Một nhánh sáng tạo khác của ngọn bút Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời cho đến thời điểm Bác đi xa (ngày 2/9/1969) dẫn chúng ta vào một "thế giới khác" của không gian báo chí Hồ Chí Minh. Đó là: Xây dựng mô hình thiết chế nhà nước mới và đặc biệt là xóa bỏ chủ nghĩa quan liêu; xây dựng nền dân chủ mới như một "bản sắc văn hóa - chính trị" của nước Việt Nam mới; chống tham ô lãng phí, tha hóa trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên như những chủ thể quyền lực đích thực và xứng đáng.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị người đứng đầu đất nước, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại và bằng nhiều bút danh khác nhau. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị người đứng đầu đất nước, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại và bằng nhiều bút danh khác nhau. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Tư liệu

Xây dựng mô hình nhà nước mới và xóa bỏ chủ nghĩa quan liêu

Những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Thắng, Quyết Thắng, có ít nhất tám bài viết đăng trên báo Cứu quốc, tờ báo sau Cách mạng Tháng Tám thật sự là "tiếng nói của Chính phủ". Ngày 17/9/1945, chỉ hơn 10 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, Người có bài viết Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà. Với vốn tri thức chính trị sắc bén, vốn văn hóa Đông-Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay lúc đó đã thấy rõ một trong những khó khăn lớn nhất để xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới ở nước ta là những tàn dư của chế độ quân chủ với bộ máy và tầng lớp quan liêu. Người đã cảnh báo sắc nét và sinh động với phong cách báo chí những nguy cơ khi chúng ta phải hướng tới xây dựng một "Chính phủ là công bộc của dân". Ngày 19/9/1945, trên báo Cứu quốc, Người nhấn mạnh: "Nói tóm lại, bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ"1.

Nhìn vào thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng 1945-1946, Người chỉ rõ các vấn đề "Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân" cho đến việc phát hiện kịp thời những khuyết tật có tính bẩm sinh như "thiếu óc tổ chức" - một khuyết điểm lớn của các Ủy ban nhân dân lúc đó. Thông qua những bài báo, Bác chỉ ra những "đề tài nóng" cho công tác báo chí tuyên truyền, đồng thời chỉ rõ những bước đi của cuộc cách mạng thiết chế chính trị, hành chính của nước Việt Nam mới. Sau này, Người còn đề cập đến nhiều vấn đề khác liên quan đến bộ máy nhà nước như thể thức làm việc, đạo đức, tác phong của người cán bộ cho đến việc nâng cao trình độ, "tìm người tài đức". Trong thư "Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", tháng 10/1945, Người đã viết như một huấn dụ chính trị: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật"2.

"Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"3.

Các tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh những năm 1945-1946 phản ánh sinh động nhiệm vụ thiết chế, vận hành bộ máy nhà nước của nước Việt Nam mới, trong đó hai nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là xác lập mô hình bộ máy nhà nước theo thể chế dân chủ nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ "công bộc của dân", chống tận gốc tàn tích căn bệnh quan liêu. Đến năm 1950, Bác Hồ đã có bài viết bao quát "Phải tẩy sạch bệnh quan liêu" ký tên XYZ đăng trên báo Sự thật số 110, ngày 2/9/1950. Bác viết: "Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân"4.

Ngọn bút báo chí của Hồ Chí Minh từ những việc quốc gia đại sự đến những việc "nhỏ" ở cơ quan đoàn thể, đến thôn xóm đều có sức gợi ý, chỉ đạo công tác, nâng cao nhận thức chính trị cho toàn Đảng, toàn dân. Các bài viết của Người thật sự là những chỉ dẫn công tác với toàn Đảng, Chính phủ và định hướng dư luận xã hội.

MỘT NHÁNH SÁNG TẠO KHÁC CỦA NGỌN BÚT NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH -0
Bài viết Cái "chìa khóa vạn năng" đăng Báo Nhân Dân, số ra ngày 25/3/1967. 

Xây dựng nền dân chủ mới như một "bản sắc văn hóa - chính trị" của nước Việt Nam mới

Trong bài viết ngày 8/10/1945 về vấn đề nội trị, trao đổi với các đại biểu báo chí về tình hình nội trị và ngoại giao của nước ta ngay sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã có nhận định về bản chất và đặc tính của Chính phủ Dân chủ cộng hòa: "Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm… anh em trong Chính phủ lâm thời hiện nay, như quốc dân đã biết, ra gánh vác việc nước, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới"5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều bài nói, bài viết nhiều lần chỉ ra "thế nào là dân chủ", "tính chất của nhà nước dân chủ", trong vấn đề dân chủ và pháp luật nói chung, thậm chí sâu hơn trong mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị. Luôn đề cao pháp trị, nhưng tư tưởng đức trị của Người cũng rất sâu sắc và hiệu nghiệm trong trị nước, xây dựng con người mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thao thức với vấn đề thực hành dân chủ ở nước ta. Với bút danh Chiến Sĩ, trong bài viết Cái "chìa khóa vạn năng" đăng báo Nhân Dân, số ra ngày 25/3/1967, ngòi bút báo chí lão luyện của Người đã đưa ra một phát hiện có tính logic đầy thuyết phục rằng cái "chìa khóa vạn năng" khi người dân được bàn bạc dân chủ, những công việc ở địa phương hay nói cách khác tạo ra được "tinh thần làm chủ tập thể" đã trở nên năng động và hiệu quả không ngờ, khắc phục được những khuyết điểm cố hữu về sự thiếu dân chủ. Bác viết: "Vài ví dụ trên đây chứng tỏ rằng thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô"6.

Qua những bài viết của Người về việc dân chủ hóa đời sống chính trị - xã hội, trong đó khâu thực hành dân chủ là khâu mở đầu có tính quyết định có lẽ đã đưa ra khái niệm mới về một thứ văn hóa chính trị đã nhen nhóm trong lòng xã hội ta. Nói cách khác, việc thực hành dân chủ trong nền văn hóa chính trị ấy đã tạo ra được bản sắc, căn tính của xã hội ta.

Chống tham ô lãng phí, tha hóa trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên như những chủ thể quyền lực đích thực và xứng đáng

Năm 1952, trong bài viết khá dài hiếm thấy của Hồ Chí Minh có tên là Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Người đã chỉ ra logic của nạn tham ô, lãng phí có gốc rễ là căn bệnh quan liêu. Từ đó, Người đã đưa ra kế hoạch khắc phục và xóa bỏ chủ nghĩa quan liêu qua các bước: Đánh thông mặt trận tư tưởng chính trị; bước tiếp theo là sự can thiệp của chính sách quyết định của Chính phủ; bước ba là vận động thực hiện trong cả nước. Bác cũng nhấn mạnh rằng chống chủ nghĩa quan liêu, tham ô, lãng phí không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà thật sự phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Bác nhấn mạnh với những ngôn từ mà ngày nay chúng ta vẫn sử dụng: "Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc, cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng". Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình"7.

Ngòi bút Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản kinh nghiệm khác của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là các nhà báo cách mạng cần phải có những tri thức, hiểu biết mới về việc xây dựng nhà nước, từ thể chế chính trị đến việc thực thi quyền lực chính trị, xây dựng văn hóa chính trị với những căn tính của một nhà nước kiểu mới, giải quyết những vấn đề bức xúc, dai dẳng như vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu, khắc phục nguy cơ tha hóa quyền lực, xây dựng căn tính chính trị - xã hội mới. Mặt khác, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa hướng dẫn chỉ đạo những hoạt động cách mạng phong phú, đa dạng trước hết cho cán bộ, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn thể mà chính họ như những đối tượng bạn đọc mới mẻ.

1 Hồ Chí Minh- Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.22;

2 Hồ Chí Minh- Toàn tập - Sđd, tập 4, tr.64, 65;

3 Hồ Chí Minh- Toàn tập – Sđd, tập 4, tr.65.

4 Hồ Chí Minh- Toàn tập – Sđd, tập 6, tr.432.

5 Hồ Chí Minh- Toàn tập – Sđd, tập 4, tr.47.

6 Hồ Chí Minh- Toàn tập – Sđd, tập 15, tr.325-326.

7 Hồ Chí Minh- Toàn tập – Sđd, tập 7, tr.362-363.