Một bộ đếm hạnh phúc

"Covid-19 đã trở thành tấm gương rọi ngược trở lại cho chúng ta thấy những khủng hoảng trong xã hội của mình... Sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy ngã độc tôn, tình trạng nguyên tử hóa, chủ nghĩa ái kỷ trong xã hội đã trở thành hiện tượng toàn cầu… Chúng ta sản xuất chính mình và tự đặt mình lên kệ trưng bày vĩnh viễn. Việc tự sản xuất chính mình, tình trạng "tự trưng bày" bản ngã làm chúng ta mỏi mệt, u uất"-Nhà triết học hiện sinh rất nổi tiếng người Hàn Quốc Byung Chul Han viết trong một bài nghiên cứu.

Vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình, ta có thể được tiếp thêm năng lượng tích cực từ chính những gì ta vừa cống hiến. Ảnh nhân vật cung cấp
Vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình, ta có thể được tiếp thêm năng lượng tích cực từ chính những gì ta vừa cống hiến. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhưng, cũng có những người đã "tự sản xuất chính mình" theo một cách mà để lý giải nó, ta chỉ có thể chọn hai từ "tử tế".

Dấn thân cũng cần chất xúc tác

- Muốn dấn thân có cần công thức không anh?"-Tôi hỏi Nguyễn Đắc Văn, một trong ba người sáng lập Hội Những người yêu Sài Gòn.

- Nếu Covid-19 hiện hữu như một cuộc chiến tranh, thì có thể là có công thức. Nhưng đại dịch này chưa ai từng trải qua, nên với tôi, công thức là số máy thở, khẩu trang, đồ ăn, vật dụng y tế. Cứ hai ngày một lần trong suốt sáu tháng, kể từ khi bùng dịch ở TP Hồ Chí Minh, tôi lại "test Covid", cả test nhanh lẫn test PCR, vị chi là 90 lần, để đủ điều kiện vận chuyển đồ đến các bệnh viện dã chiến. Hằng ngày, tôi di chuyển trung bình trong khoảng từ 200-300 km. Tháng cao điểm, chị sẽ không tin đâu, tôi đổ xăng hết khoảng 40-50 triệu đồng. Chúng tôi cứ làm, dần dần, chúng tôi thấy nhiều cánh tay khác giơ lên, trong cũng như ngoài nước.

- Hóa ra làm điều tốt cũng cần có chất xúc tác ư? Lòng tốt không thể tự thân mà trỗi dậy hay sao?

- Cần chứ. Trong chuyện này thì rất cần vì chưa có tiền lệ. Cái chết, sự khốc liệt của đại dịch đã ập đến quá nhanh. Covid-19 thì dường như vô hình. Nên, để bắt tay vào làm là cả một vấn đề lớn, bắt đầu từ đâu, làm gì, làm với ai, làm thế nào? Tôi nhớ hồi tháng 8/2021, chở thiết bị y tế đến Bệnh viện Dã chiến số 16, một bác sĩ lãnh đạo bệnh viện nói "Bây giờ mà có suất nằm viện đã là may mắn lắm rồi". Rất ngắn gọn nhưng phản ánh hoàn toàn đúng thực tế tại thời điểm đó.

Chưa bao giờ tìm được một suất nhập viện lại khó khăn đến thế. Ngay cả khi đã có bệnh viện nhận rồi thì bệnh nhân vẫn phải ôm bình oxy chờ xe cấp cứu từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối. Người giàu cũng không hơn người nghèo. Tiền cũng không giúp gì nhiều. Chẳng thể đẩy bệnh nhân khác ra khỏi xe cấp cứu, chẳng ai dám "rút ống thở" của bệnh nhân khác để lấy chỗ cho người mới. Tất cả phải học cách chờ đợi. Trong một lúc chờ đợi như thế, tôi chứng kiến cảnh hàng chục người mặc đồ bảo hộ, quỳ lạy trước mấy xe container lạnh chứa tử thi. Lần đầu trong đời, tôi "phải" nhìn cảnh người thân nói với những người thân yêu của mình lời cuối theo cách đó. Nó đau xót đến tận tâm can, nhưng chưa ám ảnh bằng chuyện của những nhân viên y tế chống dịch:

"Một bác sĩ sáu tháng chưa được gặp con tâm sự: Bọn em chỉ mong trở thành F0 để được nghỉ. Bọn em đến ngủ mơ còn hét lên: Lại bệnh nhân ở Đoàn Văn Bơ-quận 4 này, chết nhiều quá. Người nhà bệnh nhân gọi lên 115 chửi, rồi họ khóc, bọn em khóc theo trong bất lực".

Đấy, sơ sơ như thế, thì đủ thấy, Dấn thân hay Hiến thân cho cộng đồng không dễ dàng như một cơn lây lan virus được. Nó khó, rất khó vì nguy hiểm, vì chưa có tiền lệ, chưa được tập dượt, đùng một cái, bạn rơi vào giữa đại dịch, và hoặc là bạn ở im trong nhà, hoặc là bạn lên đường, làm gì đó cho đồng bào mình.

- Ký ức đọng lại sắc nét nhất của anh về những bài học thầy cô dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường là gì? Nó có giá trị gì đối với những việc sau này anh chọn làm không?

- Chia sẻ với người khác khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó là điều tôi luôn nhớ trong tâm can và tôi coi đó là người bạn đồng hành với mình.

Chúng ta, tôi và bạn, đang giữ lại những gì để đồng hành trên đường đời? Có lẽ là không ai giống ai. Nhưng bạn nên nghe một bài hát của Ern Burn, tựa là No risk no story: Nếu bạn không liều lĩnh, thì có gì để mà nói chứ?! Sinh ngày 20/6/1971, quốc tịch Đức, ngay trước sinh nhật tròn 50 tuổi, anh Nguyễn Đắc Văn hoàn toàn có thể bay về châu Âu với gia đình, nhưng chỉ vì một đôi dòng nhắn gửi anh viết trên FB: "Mọi người đừng tặng quà sinh nhật mà tặng mình gạo nhé. Để mình tặng lại cho bà con", anh đã viết một kịch bản khác cho chính mình.

Trong trường hợp này, risk takers không phải là những kẻ liều lĩnh nữa. Ta nên dịch nghĩa thành: "những người dám dấn thân".

Vượt qua ranh giới

"Ai cũng biết châu Phi là nơi có môi trường khí hậu khắc nghiệt, là điểm nóng của các cuộc giao tranh, xung đột sắc tộc, cuộc sống của người dân vô cùng vất vả bởi dịch bệnh và đói nghèo. Nơi tôi đến là Nam Sudan cũng không ngoại lệ. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp lo sức khỏe không bảo đảm, lo tên bay đạn lạc, lo cho sự rủi ro của công việc, và tất cả đều có chung một câu hỏi: Ở vào tuổi ngũ tuần này rồi, điều kiện môi trường công tác trong nước đang rất tốt, tại sao lại dấn thân vào những nơi khó khăn và nguy hiểm như thế?".

- Có phải chị muốn khuấy động cuộc sống thường nhật vốn đã quá quen thuộc?-Tôi hỏi chị Vũ Thị Kim Oanh (trước khi tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Vũ Thị Kim Oanh là trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam).

- Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể coi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp quân ngũ. Từ chỗ suốt ngày ngồi làm việc với chiếc máy tính và những trang giấy, giờ tôi đã ở Nam Sudan. Thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy da thịt quanh năm. Đất đai bỏ hoang nhiều. Do xung đột triền miên nên người dân Nam Sudan gần như không có khái niệm trồng trọt. Họ sống dựa vào hàng viện trợ quốc tế.

- Chị tìm thấy điều gì ở châu Phi?

- Châu Phi cho tôi một trải nghiệm vô giá. Tới nhiều nơi trên đất nước Nam Sudan, tiếp xúc từ quan chức đến người dân địa phương mới càng thấu hiểu và thấm thía giá trị độc lập của một quốc gia. Tôi tự hào về đất nước mình biết bao. Tôi cũng thật sự mong muốn hòa bình sẽ sớm đến với những người dân nơi đây.

Sinh năm 1972, chị Oanh tròn 50 tuổi vào năm 2022, độ tuổi mà dạn dày sóng gió đã kinh qua, những khát khao chứng minh năng lực bản thân có thể cũng đã nguội. Chị từ chối dùng từ Dấn thân: "Nói vậy thì hơi quá lên rồi, chỉ đơn giản là tôi chọn đến một nơi xa xôi chưa từng ghé. Xem trên TV, thấy người ta nghèo khổ, lại xung đột liên miên thế, mình cũng thấy nao nao. Sang đây chứng kiến nhiều cảnh đói khổ, tội lắm. Có lần đi tuần về bị ám ảnh mấy ngày vì vừa tuần trước đi gặp nói chuyện với chỉ huy vùng, tuần sau qua thì ông ấy đã bị bắn chết. Mà họ hiền lành vô cùng, nghe họ nói, nhìn vào mắt họ mới thấy họ thèm khát hòa bình yên ổn tới mức nào".

Chăm chút cho ngôi nhà của riêng mình, những người mình yêu, chẳng có gì sai cả. Nhưng vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình đó, cố thêm chút nữa, có thể ta sẽ sống thêm một cuộc đời khác, trong đó, chúng ta được tiếp thêm năng lượng tích cực bởi những gì mình vừa cống hiến.

Chúng ta có đang hạnh phúc không?

"Tư tưởng như những chàng công tử trơ trẽn trước những bàn tay lao động sần sùi. Phải hành động, phải lao mình vào, sống với con người bằng tiếng cười câu nói, bằng sự cọ xát của làn da. Hiểu nhau qua mùi mồ hôi. Cuộc sống của chúng ta không ưa tìm hiểu bằng tia nhìn, bằng ý nghĩ xa xôi. Nó nhún vai và quay lưng lại ngay".

Đoạn trích này được viết từ năm 1971, trong nhật ký của người lính trẻ Trần Luân Tín (Được sống và kể lại) lần đầu dấn thân vào chiến tranh. Nó khiến tôi tự hỏi: Chúng ta có đang lao mình vào điều gì không? Hay là chúng ta cũng chỉ đang cùng thỏa hiệp để nhún vai và quay lưng với cuộc sống?

Thật lạ là sau 50 năm, những chiêm nghiệm của người lính trẻ lần đầu chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc tàn nhẫn của chiến tranh vẫn đúng ngay cả trong thời bình. Chúng ta có đang hạnh phúc không? Anh chị có nhớ mình đã giúp bao nhiêu người không? Đó là những câu mà nhân loại hay hỏi. Nhưng "những kẻ dấn thân" mà tôi vừa để họ lộ diện trên đây, không có câu trả lời bằng con số chính xác nào cả.

"Chắc khoảng trăm tỷ đồng gì đấy, vài trăm cái máy thở, cứ một cái là cứu sống được 10 người. Nghĩ thế là tôi hạnh phúc". Tất nhiên là giấy tờ sổ sách sẽ cho chúng ta biết họ chính xác làm được những gì, nhưng với Những Kẻ Dấn Thân này, số đếm hạnh phúc của họ dường như hiển thị trên những thân phận được họ giúp đỡ. Suy cho cùng, ai có quyền ngăn cản mong ước của một người muốn trở nên nghĩa hiệp, chống lại cái xấu và không đơn độc trong sự vô tâm?