Liều thuốc diệu kỳ

phải Chịu đựng nhiều nỗi đau thể xác và tinh thần, với các thương, bệnh binh nặng, chiến tranh như mới vừa kết thúc. Thấu hiểu, sẻ chia chân thành và có cả những tình yêu sâu đằm, bền bỉ, rất nhiều con người thầm lặng đang góp phần giảm nhẹ nỗi đau, đồng hành cùng các thương, bệnh binh sống tiếp phần đời ý nghĩa.

Bác sĩ Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên thăm hỏi sức khỏe các thương binh. Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG
Bác sĩ Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên thăm hỏi sức khỏe các thương binh. Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

Bác sĩ không chỉ kê đơn

Hoạt bát và nhiệt tình, đó là phong thái của bác sĩ Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Gắn bó 29 năm, bác sĩ Kiện luôn coi Trung tâm như ngôi nhà thân thương của mình. “Ngay từ khi tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi trở về Trung tâm nhận nhiệm vụ. Ngày ấy, tuổi trẻ, tôi cũng có nhiều ước mơ, hoài bão, nhưng khi về với trung tâm, hằng ngày gần gũi chăm sóc với các bác lâu dần cảm thấy thân thương mà không muốn rời xa. Ngày ấy, trung tâm có hàng trăm thương binh, song điều kiện sống của các bác lúc bấy giờ còn gặp nhiều khó khăn lắm. Tôi luôn học được ở các bác về nghị lực, lòng yêu đời để cố gắng và vươn lên”, bác sĩ Kiện trải lòng.

Tâm sự với chúng tôi về tác phong, thái độ phục vụ và tình cảm của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong trung tâm, nhất là sự tận tâm của bác sĩ Kiện, các thương binh, bệnh binh đều bùi ngùi. Thương binh một trên bốn Hoàng Văn Nhỡ, chia sẻ: “Ở trung tâm, bác sĩ Kiện là người trách nhiệm với công việc, luôn coi chúng tôi như người thân. Khi trái gió trở trời, anh em chúng tôi bị vết thương cũ tái phát hay nhiều người có bệnh tình nguy hiểm, bác sĩ Kiện đều có mặt ngay, kể cả nửa đêm, để cùng các y tá, hộ lý điều trị, chăm sóc cho chúng tôi. Ông luôn coi chúng tôi là những người thân!”.

Qua bao năm công tác, bác sĩ Kiện luôn hiểu rằng, chăm sóc thương, bệnh binh không chỉ đơn giản là kê đơn, cắt thuốc mà còn cần đến những “liều thuốc tinh thần”, sự thấu hiểu và chia sẻ. “Phần lớn các thương binh đều bị thương từ khi còn trẻ, chưa kịp có người yêu. Nhìn bề ngoài thấy các thương binh vẫn bình thường, cứng cỏi nhưng trong người nhiều tâm tư. Từ khi tôi vào trung tâm đến bây giờ đã phải chứng kiến và thấm trải rất nhiều nỗi buồn. Do thương tật nặng, mỗi năm có không ít bác ra đi vì tuổi cao, các vết thương tái phát. Những lúc đó, tôi viết hồ sơ, bệnh án đề nghị Nhà nước suy tôn liệt sĩ cho các bác. Tôi cũng hẫng hụt như chính những người thân của mình đã ra đi”, bác sĩ Kiện bùi ngùi.

Những niềm vui bình dị

Không chỉ là nơi chăm sóc, chữa trị cho thương, bệnh binh, các trung tâm điều dưỡng còn là “cái nôi” ươm mầm, nảy nở và nuôi dưỡng nhiều câu chuyện cảm động, những cái kết đẹp cho nhiều câu chuyện tình tưởng chỉ có trong cổ tích.

Ở “xóm gia đình” trong khu vực thuộc đất của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đóng tại địa bàn xã Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) có 27 gia đình. Trong đó, 24 gia đình có chồng mất sức lao động từ 81% trở lên, vợ là nhân viên của Trung tâm điều dưỡng, ba gia đình còn lại cả vợ và chồng đều là thương binh. Bao năm qua, họ đã viết nên những chuyện tình yêu giản dị mà thật đẹp bằng sự sẻ chia chân thành, nỗ lực vượt qua gian khó và gây dựng thành quả cho mình.

Gặp thương binh Nguyễn Văn Yểng và bà Nguyễn Thị Lịch, tôi thật sự nể trọng về nghị lực và tình yêu của hai ông bà. Ông Yểng (quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) bị thương nặng năm 1969, đến năm 1976, ông được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Ông đã được hộ lý Nguyễn Thị Lịch (người Ninh Xá) khi đó mới về công tác ở Trung tâm tận tình chăm sóc. Qua những lần chuyện trò, bà Lịch đã cảm mến người thương binh điển trai. Từ công việc và trách nhiệm đến niềm cảm thông, bà đã yêu ông lúc nào chẳng hay. Nhưng tình yêu ấy vấp phải sự ngăn cản của gia đình. Ông bà phải mất nhiều ngày thuyết phục để được gia đình chấp thuận. Năm 1977, trung tâm đứng ra tổ chức đám cưới cho ông Yểng - bà Lịch. Niềm vui càng đầy thêm khi hai người con một trai, một gái của ông bà lần lượt chào đời. Ông Yểng chia sẻ: “Cưới nhau xong, có con, vợ chồng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống. Vợ tôi phải làm một cái bàn thịt lợn sớm ở cổng trung tâm, bán cho người dân quanh vùng, rồi đến giờ làm thì đi. Cũng may, hai đứa con của chúng tôi chăm ngoan, học giỏi và là nguồn động viên rất lớn cho vợ chồng tôi”. Đến giờ thì các con của ông Yểng, bà Lịch đã trưởng thành. Con trai lớn làm việc ở ngành ngân hàng, xây một ngôi nhà khang trang định đón bố mẹ ra phụng dưỡng. Nhưng ông Yểng không thể xa trung tâm điều dưỡng bởi vẫn còn mảnh bom găm trong xương sống.

Câu chuyện của điều dưỡng Trần Thị Phương và thương binh Nguyễn Ngọc Tư cũng là hành trình vượt qua sự ngăn cản của gia đình và dư luận. Bà Phương khi còn là một thiếu nữ đang tràn đầy nhựa sống đã dám hy sinh nhiều mong ước, tự nguyện trở thành chỗ dựa cho một thương binh nặng. Bà dám đương đầu khó khăn, thuyết phục người thân ủng hộ chuyện tình cảm để ông, bà đến được với nhau. “Có lúc tôi tưởng đời mình đã hết. Thế rồi tôi gặp bà Phương. Bà ấy đã cho tôi tình yêu, hai đứa con và những giá trị của cuộc đời…”, ông Tư tâm sự. “Ông sửa điện” của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành - thương binh Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ, ai đến “xóm gia đình” bây giờ sẽ thấy vui tươi hơn, bởi các thương binh tuy nhiều tuổi, nhưng đã lo liệu xong cho con cái, đã có cháu nội, cháu ngoại và không phải vất vả mưu sinh nữa.

Dòng đời vẫn đang trôi đi hối hả. Có những nỗi đau, mất mát không thể bù đắp được. Nhưng bằng tình người, tình yêu, rất nhiều nỗi đau đã phần nào được khỏa lấp và xoa dịu. Có lẽ bởi thế, nên trong khuôn viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành có rất nhiều loài hoa đang khoe sắc, tươi tắn và đầy sức sống.

17_1-1626969634885.jpg
Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Yểng sống hạnh phúc bên nhau.