Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thông qua cổ phần hóa (CPH), thoái vốn Nhà nước gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, tiến độ CPH, thoái vốn DNNN gắn với TTCK lại diễn ra… rất chậm. 

Quy mô hoạt động của Tổng công ty Khí Việt Nam tăng nhờ vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK.
Quy mô hoạt động của Tổng công ty Khí Việt Nam tăng nhờ vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK.

Gánh nặng dồn vào cuối năm

CPH, thoái vốn Nhà nước được xác định là giải pháp chủ yếu của quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời là giải pháp tạo thêm nguồn cung cho TTCK. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), giai đoạn năm 2011-2019, thông qua TTCK đã có 621 DNNN được CPH, giúp Chính phủ thực hiện kế hoạch tái cơ cấu DNNN và thu về gần 220 nghìn tỷ đồng. Các DN niêm yết/ĐKGD trên TTCK sau CPH đã có quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị công ty được nâng cao, hình thành nên các tập đoàn DN lớn, trong đó có một số DNNN CPH như Vinamilk, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Đạm Phú Mỹ, Cơ điện lạnh-REE, Tổng công ty khí Việt Nam (có DN năm 2000 lên niêm yết vốn chỉ có 10 tỷ đồng thì nay vốn chủ sở hữu đã lên hơn 3.100 tỷ đồng)... Quy mô hoạt động của các DN này tăng chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK. Hầu hết các DNNN CPH niêm yết đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. 

Theo đại diện Bộ Tài chính, kế hoạch CPH, thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 sẽ CPH 128 DN, thoái vốn tại 348 DN. Tuy nhiên, việc thực hiện CPH, thoái vốn thời gian qua còn chậm, không đạt kế hoạch. Theo đó, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9-2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong 178 DN đã CPH, chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Đáng chú ý, từ nay đến cuối năm, có đến 91 DN còn phải thực hiện CPH.

Mạnh tay xử phạt… chưa đủ

Lý giải về việc CPH, thoái vốn bị kéo dài thời gian so với kế hoạch, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan là những vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động… và đặc biệt là do diễn biến khó lường của dịch Covid-19. 

Việc chậm CPH cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thúc đẩy các DN sau CPH lên niêm yết/ĐKGD trên TTCK nhằm tăng nguồn cung hàng hóa thị trường. Mặc dù hiện nay các quy định pháp lý và thủ tục liên quan đến niêm yết/ĐKGD cổ phiếu trên TTCK đã được cơ quan quản lý đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện để DN CPH có thể “lên sàn” một cách nhanh nhất; cơ quan quản lý TTCK (UBCKNN) cũng đã có biện pháp xử phạt “mạnh tay” với những DN đã CPH mà không chịu lên sàn, nhưng hiện nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần quyết liệt đẩy mạnh việc gắn CPH, thoái vốn DNNN với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên TTCK, qua đó thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về vấn đề này, đại diện của Cục Tài chính DN cho biết, hiện Bộ Tài chính đã đưa ra 10 giải pháp thúc đẩy CPH, thoái vốn, trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và DN có vốn Nhà nước về CPH, thoái vốn. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính đang đôn đốc các DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc niêm yết/ĐKGD trên TTCK. Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 251 DNNN CPH để thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết, ĐKGD. Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng về việc này, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chủ quản thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và rà soát, phân loại danh sách các DNNN CPH chưa thực hiện niêm yết, ĐKGD, có hình thức kỷ luật người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN. Khi mà người đứng đầu làm hết trách nhiệm của mình, coi việc CPH là một nhiệm vụ không thể trì hoãn thì con số DNNN CPH chắc chắn sẽ được cải thiện.