Không thiết kế “đồng phục”

Ði vào vận hành từ ngày 1-1-2021, Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Việt Nam. Dễ hiểu tại sao không ít kỳ vọng được gửi gắm vào mô hình, vốn đã ấp ủ nhiều thập niên, trước khi được chính thức triển khai, sau hai lần đề xuất thí điểm bất thành (năm 2007 và 2014).

Ứng dụng nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO TÂN
Ứng dụng nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO TÂN

Áo mới có thể sớm chật

Ðược kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị khoa học sáng tạo, trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP cho TP Hồ Chí Minh và cả nước, đòn bẩy thành công của Thủ Ðức là chiến lược kết nối giữa ba trụ cột chính trong một không gian đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía đông thành phố: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và Ðô thị đào tạo, nghiên cứu bậc cao Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Vậy “chiếc áo” cho Thủ Ðức đã được thiết kế như thế nào?

Hiện nay, Thủ Ðức thuộc loại “thành phố trong thành phố” đông dân nhất, diện tích thuộc loại lớn nhất, nhưng vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện, không có chức năng hoạch định chính sách phát triển vĩ mô như quy hoạch không gian, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ký kết các chương trình hợp tác đầu tư lớn và quyết định những vấn đề quan trọng trên địa bàn mình (nhân sự, thuế, phí, giao thông, môi trường…).

Cũng rất đáng lưu ý là việc, ngân sách của Thủ Ðức nằm chung trong gói ngân sách của TP Hồ Chí Minh chứ không được phân bổ riêng. Trong điều kiện gói ngân sách chung cho “đầu tàu kinh tế” hiện được coi là khá eo hẹp (đang đề nghị tăng tỷ lệ phân bổ lại từ 18% lên 23%), thì ngân sách dành cho Thủ Ðức cũng không thể dồi dào nên khó bề hiện thực hóa kế hoạch xây dựng tại đây một trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao, tương tác đa chiều…

Chính vì thế, để tối ưu hóa mô hình phát triển thành phố Thủ Ðức, PGS,TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Ðô thị học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) thậm chí đưa ra đề nghị táo bạo hơn với ba phương án. Một là, biến Thủ Ðức trở thành đô thị loại một độc lập trực thuộc Trung ương như Ðà Nẵng, Hải Phòng. Hai là, ban hành cho thành phố Thủ Ðức một quy chế đặc biệt. Ba là, sửa đổi các luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ðô thị… để tạo điều kiện cho Thủ Ðức phát triển hiệu quả nhất trong khi vẫn là thành viên của TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, cần tích cực triển khai tốt nhất các cơ chế đã có, mở rộng hết khung số lượng và quyền hạn của các chức danh quản lý đã được pháp luật cho phép.

“Mỗi cây mỗi hoa”

Không chỉ là câu chuyện của riêng Thủ Ðức và TP Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm từ Thủ Ðức chắc chắn còn rất có ý nghĩa đối với nhiều địa phương khác - vốn cũng đang chuẩn bị thiết kế mô hình “thành phố trong thành phố” ở những giai đoạn khác nhau.

Theo đồ án quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có năm đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc, kết nối với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ thống giao thông vùng thủ đô và quốc tế.

Bên cạnh đó, ngày 27-4 vừa qua, 100% số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế hiện hữu tới gần 3,7 lần, với dân số tăng gần gấp đôi. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Ðây là bước cụ thể hóa đồ án Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó thành phố Huế là đô thị di sản “lõi” của thành phố trực thuộc Trung ương Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.

Tại Hải Phòng, Bộ Nội vụ đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Hải Phòng về chủ trương xây dựng Ðề án thành lập thành phố Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng. Huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được năm tiêu chuẩn của một thành phố về dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Riêng tiêu chí về cân đối thu chi ngân sách, địa phương phấn đấu đạt được trong năm 2021.

Yêu cầu giống nhau của các đô thị này là đều phải tạo ra được khu vực có an ninh tốt, dân trí cao, chính quyền mạnh, quản lý hiệu quả, cơ sở hạ tầng đầy đủ, người dân sống và làm theo pháp luật.

Nhưng bên cạnh đó, mỗi thành phố, mỗi địa phương đều có nét đặc thù không thể không lưu ý. Nếu như thành phố Thủy Nguyên cơ bản sẽ là một đô thị với phần lớn cư dân là lực lượng cán bộ, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hải Phòng, thì thành phố Huế lại là đô thị di sản, lấy bảo tồn di tích lịch sử và phục vụ du lịch làm trọng. “Tôi cho rằng trong khi Thủy Nguyên cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng “cứng” như giao thông, nhà ở… thì Huế lại cần tập trung phát triển các giải pháp bảo tồn, tạo sản phẩm du lịch mới”, TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận xét. Cũng theo chuyên gia này, “thành phố trong thành phố” là cách gọi nôm na cho dễ hiểu. “Theo cách đó, cũng có thể nói thế giới đã có kinh nghiệm phát triển đô thị theo hình ngôi sao, hình chuỗi ngọc… rất đa dạng mà chúng ta có thể áp dụng” - ông Kiên ví von.    

Ðơn cử, theo kiểu “ngôi sao”, tỉnh Mát-xcơ-va (Cộng hòa Liên bang Nga) được thành lập từ năm 1929, có diện tích 44.300 km2, dân số 25 triệu người, có tới 28 thành phố, bao gồm cả Thủ đô Mát-xcơ-va, mặc dù Thủ đô Mát-xcơ-va là thành phố lớn nhất, có cơ chế quản lý đặc biệt. Tương tự, tỉnh Gyeonggi là đơn vị hành chính lớn nhất của Hàn Quốc, có diện tích 10.200 km2, dân số 14 triệu người, bao gồm 31 thành phố. Thủ đô Seoul có diện tích 605 km2, dân số chín triệu người nằm trong địa hạt tỉnh này, vẫn được coi là một cấp hành chính trong tỉnh, mặc dù được áp dụng quy chế đặc biệt trực thuộc Chính phủ Trung ương.

Một mô hình khác, phổ biến hơn, là vùng đô thị (Urban Region) - một vùng rộng lớn chứa rất nhiều thành phố đồng cấp (về diện tích, dân số và cấp quản lý), hay đa cấp theo thứ bậc (thứ bậc quản lý từ cao xuống thấp, hay thứ bậc theo quy mô dân số, diện tích). Tiêu biểu là vùng đô thị Manila (Phi-li-pin) với 17 thành phố đồng cấp, mỗi thành phố là một thực thể hành chính - chính trị độc lập, có bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. 17 thành phố này hầu hết là đơn chức năng (tính theo chức năng chính), như chính trị - ngoại giao; tài chính; công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; khoa học - giáo dục... Ðể phối hợp hành động, 17 thành phố này thành lập ra Hội đồng Thị trưởng, Chủ tịch của Hội đồng là thị trưởng luân phiên, nhiệm kỳ một năm (được luân phiên trong sáu thành phố có ảnh hưởng lớn nhất). Cùng với Hội đồng Thị trưởng là Hội đồng Ðiều phối (bộ phận quan trọng nhất trong xây dựng kế hoạch và hợp tác). Hội đồng Thị trưởng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.

Các mô hình thực tế này là những kinh nghiệm tốt để thiết kế những “chiếc áo” cho các thành phố mới, không “đồng phục”, mà phải là may đo.