Khơi thông dòng chảy

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn, chính vì vậy, câu chuyện đầu tư hiệu quả đối với phim sử dụng ngân sách Nhà nước và sự cần thiết hình thành quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đang được nhìn nhận là những giải pháp tạo động lực phát triển cho điện ảnh Việt.

Cảnh phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Cảnh phim Truyền thuyết về Quán Tiên.

Khoảng trống phải được lấp đầy

Câu chuyện phim Nhà nước đặt hàng nhưng không có người xem đã được nói đến nhiều năm qua. Hiếm hoi có phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hoặc Truyền thuyết về Quán Tiên có thành công nhất định…, còn phần lớn là những tác phẩm chỉ đạt yêu cầu về tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, chứ chưa hấp dẫn người xem. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Cần thay đổi tư duy đầu tư cho điện ảnh như thế nào cho hiệu quả?

Tại Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), về quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đã có hai phương án được đưa ra: Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2: Giữ nguyên quy định của luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Đa số đại biểu nhất trí với phương án có đấu thầu, trong khi có rất ít đại biểu nhất trí với phương án chỉ giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, không đấu thầu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, dù nhiều đại biểu ủng hộ đấu thầu nhưng phương án này lại rất khó thực thi. Hơn 10 năm gần đây, mỗi năm Nhà nước dành khoản ngân sách 65 tỷ đồng, nhưng phải đầu tư cho 40 bộ phim. Trong đó, có 20 bộ phim truyền hình, gần 15 phim tài liệu phóng sự, chỉ có 1- 2 phim điện ảnh. Tính ra mỗi phim chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Vì vậy, hầu như không có đơn vị nào đấu thầu. Luật Điện ảnh và nghị định hướng dẫn thi hành chưa xác định được những đặc thù của lĩnh vực điện ảnh và sự tương thích với các bộ luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước.

Thực tế, nhiều năm qua, rất nhiều bộ phim Nhà nước đầu tư đều trong tình trạng đắp chiếu, không tạo nên hiệu ứng từ truyền thông, xã hội. Không ít phim của các tác giả gạo cội âm thầm ra rạp rồi nhanh chóng rời rạp bởi không có người xem. Nhiều người băn khoăn, liệu rằng những thất bại này có đơn thuần do khâu quảng bá, bởi suy đến cùng thì nếu truyền thông ầm ĩ mà phim quá tệ thì cũng chẳng thể thu hút người xem. Những người tâm huyết với điện ảnh Việt đều cho rằng, cần phải nhìn nhận lại nghiêm túc việc tài trợ cho các dự án điện ảnh. Dù đây không phải là câu chuyện mới nhưng để hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh thì khoảng trống này bắt buộc phải được lấp đầy.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, cần có ưu đãi cụ thể và rõ ràng về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc nhà nước mua bản quyền những bộ phim có chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim có giá trị.

Gỡ vướng cho quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành "Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh". Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập nhằm hỗ trợ dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…Việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng nghệ thuật, nội dung, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, được phổ biến tới khán giả nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị phải có cơ chế quản lý quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch. PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, nhiều bộ phim Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những phim đưa ra nước ngoài chưa thật sự là phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Nguyên nhân một phần là vì thiếu đầu tư nên bị các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài chi phối cả hình thức, nội dung.

Câu chuyện về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã nhiều lần được nhắc đến trong những năm qua. Luật Điện ảnh hiện hành và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật cũng đã quy định việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vướng mắc nằm ở các chính sách để tạo nguồn quỹ và phương thức chi tài trợ. Theo nhiều chuyên gia đề xuất, nên tham khảo kinh nghiệm từ các quỹ điện ảnh thành công trên thế giới, trong đó, gần với Việt Nam là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, được quy định trong Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc. Nguồn thu của Quỹ này là mức phí trên vé xem phim của khán giả (Hàn Quốc trích 5%). Nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển cũng cần có quỹ điện ảnh để điều tiết. Trên thế giới hiện có hơn 200 quỹ Nhà nước và ngoài Nhà nước đang hỗ trợ cho sự phát triển của điện ảnh.