Khoảng cách giữa đòi hỏi và thực tiễn

Nếu kể từ "quy định tạm thời" về kiểm định chất lượng trường đại học do Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo ký ban hành kèm theo Quyết định số 38/2004/QÐ-BGDÐT, thì công tác kiểm định giáo dục đại học ở nước ta đã trải qua một chặng đường 17 năm vừa thực hiện, vừa học hỏi và vừa rút kinh nghiệm…

Các sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ðến tháng 12/2016, mới có 12 cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn, nhưng đến năm 2020 đã có hơn 150 cơ sở được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một số trường được các tổ chức kiểm định nước ngoài đánh giá và công nhận chương trình theo tiêu chuẩn nước ngoài như ABET, AUN-QA...

Số cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng tăng lên, từ năm trung tâm, hiện nay bổ sung hai cơ sở tư thục và ba trung tâm kiểm định của nước ngoài, đưa tổng số trung tâm tham gia kiểm định giáo dục đại học lên 10 cơ sở. Số lượng các kiểm định viên được đào tạo kỹ năng, kiến thức kiểm định tăng lên nhanh chóng.

Ðặc biệt, trong bối cảnh tính tự chủ đại học tăng lên, kiểm định là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở giáo dục đại học, một mặt có tác dụng giúp cho nhà trường thấy được những hạn chế yếu kém để có giải pháp khắc phục, dần hình thành văn hóa chất lượng. Mặt khác, kiểm định còn có tác dụng chỉ ra mức độ thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học với người học nói riêng và với xã hội nói chung.

Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, hoạt động kiểm định giáo dục đại học vẫn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, bộc lộ một số hạn chế, thể hiện qua cách lựa chọn chính sách kiểm định, thực hiện việc kiểm định, và bởi thế, tác động tiêu cực đến hiệu quả của công tác kiểm định.

Về việc lựa chọn chính sách kiểm định, theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực thì thường người ta lựa chọn kiểm định chất lượng giáo dục của các chương trình (kiểm định ngành đào tạo) trước và sau một số năm mới kiểm định cơ sở giáo dục. Ðiều này có thể do kiểm định cơ sở giáo dục là vấn đề lớn, phức tạp do sự phát triển đa dạng, không đồng đều về mặt bảo đảm chất lượng ở các trường thành viên hoặc các khoa khác nhau trong trường.

Mặt khác, kiểm định ngành đào tạo sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp thuộc ngành đó thực hiện sẽ hiểu rõ hơn, nhận xét, đánh giá chuẩn xác hơn theo tiêu chuẩn của ngành. Trường hợp ngành đào tạo ở trường nào đó không đạt yêu cầu thì có thể đóng cửa ngành đó, nhưng đối với một nhà trường thì điều này rất khó khăn và không khả thi. Như vậy, khi kiểm định chương trình (kiểm định ngành) thì sẽ có rất nhiều chuyên gia thuộc ngành đào tạo đó có thể tham gia.

Ðiều này trái ngược với việc kiểm định nhà trường là một tập hợp các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chưa chắc đã hiểu biết về ngành đào tạo mà một trường đại học nào đó đang đào tạo. Thí dụ, một trường đại học ngành Y - Dược thì rõ ràng chỉ có những chuyên gia giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực này đi đánh giá chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn là một tập hợp của các kiểm định viên ở nhiều ngành khác nhau. Với các trường sư phạm cũng tương tự.

Có đoàn kiểm định đưa cả những người chưa từng dạy đại học tham gia đoàn kiểm định nhà trường miễn là có chứng chỉ kiểm định viên. Kinh nghiệm cho hay, một người nào đó chưa tham gia giảng dạy bậc đại học sẽ không hiểu được trường đại học cũng như văn hóa học thuật của nhà trường, đó là chưa kể chuyên môn người đó lại không dính líu gì mà làm kiểm định viên sẽ không có tác dụng.

Hiện nay, việc kiểm định của chúng ta dường như vẫn chú trọng nhiều vào các điều kiện đầu vào (cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ, thông tin...) và quá trình hoạt động mà ít chú ý đến kết quả ở đầu ra. Trong khi đó, trách nhiệm giải trình thực chất là giải trình về chất lượng đầu ra của sinh viên xem có đáng đồng tiền, sức lực người ta đã đầu tư cũng như tiền của xã hội đổ vào hay không.

Những vấn đề chi phí kiểm định, kiểm định những chương trình tích hợp, đổi mới quản trị giáo dục đại học làm sao để hài hòa giữa tiêu chuẩn mang tính thống nhất và tính đa dạng mang bản sắc của mỗi trường đại học lại phải thể hiện rõ ràng trách nhiệm giải trình của nhà trường... cũng cần được tập trung làm rõ hơn, với bộ tiêu chí cụ thể, chính xác.

Có thể khẳng định, công tác kiểm định giáo dục đại học ở nước ta đã tiến được một bước khá dài, từng bước tập trung vào việc xây dựng chính sách, cơ chế kiểm soát chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 29 về Ðổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Trước những yêu cầu, bối cảnh mới với những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục đại học, công tác kiểm định rất cần có sự đổi mới mạnh mẽ để đi vào thực chất.

Nói cách khác, kiểm định là việc làm cần thiết nhưng tác dụng của kết quả kiểm định lên trường đại học nhất là đối với sinh viên hiện nay vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Những vấn đề như, sau đạt kiểm định thì quy mô sinh viên có tăng lên không, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau sáu tháng có được cải thiện không; có nhiều doanh nghiệp làm đối tác và tài trợ; nhà trường có tự mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ sinh viên và giáo viên; sự hài lòng của sinh viên và phụ huynh cũng như cách nhìn nhận của xã hội về nhà trường có thay đổi tích cực hay không? Tất cả những câu hỏi ấy rất cần có đánh giá để giúp hoàn thiện chính sách về kiểm định.

TS HOÀNG NGỌC VINH

Tổ chức chuyên đề: Ngô Phương Thảo và Khúc Hồng Thiện.