Hướng tới chuẩn ISO 21001

Những người quan tâm đến giáo dục đại học Việt Nam hẳn không thể quên một giai đoạn bùng nổ việc nâng cấp và thành lập các đại học mới. Các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân nô nức trình hồ sơ nâng cấp và thành lập đại học.

Tăng cường năng lực thực hành nghiên cứu hóa học tại phòng thí nghiệm.
Tăng cường năng lực thực hành nghiên cứu hóa học tại phòng thí nghiệm.

Có trường từ trung cấp xin lên cao đẳng, rồi quay qua quay lại vài năm, cao đẳng lại thành đại học. Tuy đã thành đại học, nhưng thầy, trò và cơ sở vật chất vẫn gần như cũ nên chất lượng đào tạo cũng không thay đổi bao nhiêu, dù đã mang danh đại học?!

Trong sự bùng nổ đó, đáng nhớ nhất là những năm 2006 -2013. Trong chưa đầy 10 năm, hàng trăm trường đại học được thành lập. Số lượng các trường đại học, cao đẳng bỗng nhiên tăng gần gấp đôi. Nhiều chuyên gia đã gọi đây là giai đoạn "lạm phát đại học", có ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo đại học và niềm tin của xã hội.

Việc "lạm phát đại học" này chỉ được "phanh" lại vào năm 2013 khi Chính phủ rà soát quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, và sau đó Bộ Giáo dục và Ðào tạo ra quyết định không tiếp nhận việc nâng cấp hoặc thành lập trường đại học mới. Ta có thể ví hiện trạng này như tình trạng "phóng nhanh phanh gấp". Từ 2006 - 2013 là giai đoạn "phóng nhanh", còn từ 2013 - 2020 là "phanh gấp". Mà đã phóng nhanh phanh gấp thì đổ vỡ, mất phương hướng và gây tai nạn là chuyện có thể lường trước được.

Vậy chúng ta phải làm gì với hiện trạng này?

Câu trả lời hiển nhiên là phải xử lý hậu quả của những gì đã xảy ra trong giai đoạn lạm phát này để làm lành mạnh lại hệ sinh thái đại học và thiết lập các chuẩn mực cho đào tạo đại học.

Ðiều này sẽ không chỉ giúp tái cấu trúc các đại học đang thoi thóp nhiều năm, mà còn lấy lại sự tin tưởng của xã hội với đào tạo đại học.

Nhưng xử lý bằng cách nào? Bên cạnh các công cụ chính sách, thì còn một công cụ rất hiệu quả mà các nước phát triển đã sử dụng rất tốt. Ðó là thúc đẩy kiểm định chất lượng giáo dục bằng các bộ tiêu chí khách quan, tiến bộ.

Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã hai lần ban hành bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào các năm 2007 và 2017. Bộ tiêu chuẩn mới đây nhất (năm 2017) gồm 25 tiêu chuẩn, cụ thể hóa thành 111 tiêu chí kiểm định với các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, tính đến tháng 6/2021, Việt Nam cũng đã có năm trung tâm kiểm định thuộc cơ quan nhà nước, hai trung tâm kiểm định tư nhân và ba trung tâm kiểm định nước ngoài được cấp phép hoạt động. Về đại thể, đây là một bước tiến về công tác kiểm định đại học, được mong đợi sẽ góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các trung tâm kiểm định này chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra và đánh giá xem các cơ sở giáo dục có đáp ứng bộ tiêu chuẩn (năm 2017) mà Bộ đã ban hành hay không để cấp giấy chứng nhận.

Về bản chất, không có bộ tiêu chí nào có thể đo lường đầy đủ và chính xác hiện trạng của một cơ sở giáo dục đại học. Chưa kể, nhiều tiêu chí còn khá định tính, khi chỉ xem xét đến việc có kế hoạch, có bộ máy, có hệ thống, có chương trình… mà không đo lường được chất lượng thực thi và vận hành thực tế của cơ sở giáo dục.

Vì thế, nếu chủ đích áp dụng các kỹ thuật và thủ thuật thì các cơ sở giáo dục đại học vẫn có khả năng đáp ứng được rất nhiều tiêu chí ở trên giấy để làm đẹp hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận, nhưng chất lượng đào tạo thực tế không được cải thiện đáng kể.

Chưa kể, do lĩnh vực kiểm định giáo dục còn mới và nhiều trung tâm kiểm định mới được thành lập, nên chất lượng hoạt động của chính các trung tâm kiểm định, thể hiện qua trình độ chuyên môn - nghiệp vụ và sự liêm chính trong công việc, cũng cần thời gian để xác nhận.

Vậy phải làm thế nào để việc kiểm định chất lượng giáo dục thật sự phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng hoạt động thật sự, thay vì một sự đối phó trên giấy tờ?

Câu trả lời có lẽ đến từ sự nghiêm túc và liêm chính từ cả ba phía trực tiếp liên quan đến hoạt động kiểm định. Ðó là: Trung tâm kiểm định, các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan chủ quản.

Về phía trung tâm kiểm định: Trước khi đi kiểm định cơ sở giáo dục thì bản thân trung tâm kiểm định phải được kiểm định trước. Số lượng và chất lượng của đội ngũ kiểm định viên phải được bảo đảm. Quy chế tổ chức và hoạt động phải chuyên nghiệp. Ðặc biệt, các trung tâm kiểm định này phải giữ được tính độc lập và khách quan, liêm chính của mình.

Về phía cơ sở giáo dục đại học: Các cơ sở giáo dục cần coi việc kiểm định là một cơ hội và công cụ để nâng cao năng lực quản trị và cải thiện chất lượng hoạt động của nhà trường, thay vì là một sự phiền phức cần đối phó.

Khi đó, các trường sẽ có kế hoạch và lộ trình đáp ứng các tiêu chí kiểm định, thay vì sử dụng các thủ thuật và kỹ thuật để làm đẹp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận, nhưng không có cải thiện gì đáng kể cho chất lượng hoạt động thực tế của nhà trường.

Về phía cơ quan chủ quản: Bên cạnh việc ban hành các quy định và hướng dẫn hoạt động kiểm định, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phải có giải pháp thanh tra, kiểm soát việc thực hiện kiểm định này. Ðồng thời, Bộ cần đổi mới bộ tiêu chí kiểm định, sao cho không chỉ phù hợp với hoàn cảnh của các cơ sở giáo dục Việt Nam, mà còn hội nhập được với các tiêu chí đánh giá của quốc tế, như chuẩn ISO. Cụ thể, năm 2018, tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành bộ tiêu chuẩn ISO 21001 dành cho các tổ chức giáo dục, trong đó nêu rõ các yêu cầu và hướng dẫn thực hiện. Nếu biết được ảnh hưởng của các bộ tiêu chuẩn ISO đến việc quản trị vận hành các tổ chức, doanh nghiệp lớn đến mức nào, ta có thể thấy sự ra đời của ISO 21001 là một bước tiến rất lớn trong việc tiêu chuẩn hóa và quản trị các cơ sở giáo dục.

Do bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục hiện hành (năm 2017) ra đời trước ISO 21001 nên có nhiều điểm còn chưa khớp với bộ tiêu chuẩn ISO. Vì thế, trong thời gian tới, bộ tiêu chí kiểm định này cần được xây dựng lại trên cơ sở tham chiếu đến các yêu cầu của ISO 21001.

Cuối cùng, dù việc kiểm định có ráo riết thế nào đi chăng nữa, bộ tiêu chuẩn có chặt chẽ và tiến bộ thế nào đi chăng nữa, thì sức sống thật sự của một cơ sở giáo dục đại học lại nằm ở sức sống nội tại của nó.

Sức sống nội tại đó thể hiện trên hết ở quyền và mức độ tự chủ đại học và tự do học thuật. Nếu không có được sự tự chủ và tự do này thì mọi hoạt động kiểm định sẽ rơi vào hình thức và đối phó trong ngắn hạn.

GIÁP VĂN DƯƠNG