Hình mẫu của chính quyền đô thị hiện đại

Sau gần năm tháng thành lập, đến nay, bộ máy chính quyền TP Thủ Ðức trực thuộc TP Hồ Chí Minh được vận hành thông suốt, bảo đảm thường xuyên cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để TP Thủ Ðức - mô hình thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên cả nước phát triển như kỳ vọng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cần tích cực triển khai tốt nhất các cơ chế đã có, mở rộng hết khung số lượng và quyền hạn của các chức danh quản lý đã được pháp luật cho phép để tạo thuận lợi cho TP Thủ Ðức. Ảnh: Hoàng Triều
Cần tích cực triển khai tốt nhất các cơ chế đã có, mở rộng hết khung số lượng và quyền hạn của các chức danh quản lý đã được pháp luật cho phép để tạo thuận lợi cho TP Thủ Ðức. Ảnh: Hoàng Triều

Việc thành lập TP Thủ Ðức trên cơ sở sáp nhập ba quận phía đông của TP Hồ Chí Minh là quận 2, quận 9 và quận Thủ Ðức được kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành hạt nhân, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh tế tri thức, cực tăng trưởng mới… góp phần giải quyết những tồn tại trên. Ðồng thời, là tiền đề giai đoạn phát triển mới, trong tâm thế mới và là “bệ phóng” thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu trong tương lai gần TP Thủ Ðức sẽ đóng góp đến 30% GRDP của thành phố, chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Vấn đề nổi lên hiện nay, bộ máy của Thủ Ðức được xem tương đương cơ quan hành chính cấp huyện nhưng lại có quy mô dân số lớn nên việc quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, TP Thủ Ðức đề xuất trước mắt cho địa phương còn non trẻ này thành lập bốn trung tâm, gồm: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; Trung tâm Khoa học - Công nghệ; Trung tâm phát triển quỹ đất; Trung tâm công tác xã hội để phục vụ tốt cho mục tiêu kinh tế - xã hội. Ngoài ra, TP Thủ Ðức còn đối mặt các khó khăn như: quy hoạch không đồng bộ dẫn đến khó khả thi; tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra; tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp; các dự án lớn về giao thông trong khu vực tiến độ triển khai chậm; tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra trong mùa mưa… Ðây là những rào cản rất lớn cho Thủ Ðức phát triển theo mục tiêu đề ra.

Để Thủ Ðức phát triển như kỳ vọng, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các nhóm giải pháp cốt lõi mà TP Thủ Ðức cần được triển khai đồng bộ, đó là: Giải pháp về quy hoạch, bao gồm quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội; đầu tư và thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp… Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác quy hoạch chung TP Thủ Ðức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Dự kiến trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định trong thời gian tới. Mục tiêu quy hoạch là giúp Thủ Ðức hình thành công cụ quản lý theo chiến lược phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao. Xây dựng tầm nhìn dài hạn và khung hạ tầng kết nối với các quận, huyện của thành phố và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ðồng thời, làm cơ sở thực hiện các quy hoạch phân khu nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư các dự án đổi mới sáng tạo; nâng cấp, chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu bảo đảm gắn kết, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Ðồng tình với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch cho biết: Cần nhìn nhận một thực tế xây dựng Thủ Ðức không phải là “tờ giấy trắng để chúng ta vẽ nên một bức tranh theo ý muốn”, mà phải ghép và cải biến “những mảnh giấy đã vẽ dang dở” thành “một bức họa”. Do đó, ngay trong năm đầu tiên cần quan tâm và tiến hành song song ba nội dung: Quy hoạch lại tổng thể đô thị trên diện tích 211 km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TP Hồ Chí Minh. Quy hoạch phát triển Thủ Ðức không phải là cộng ba bản quy hoạch của ba quận cũ lại, mà cần có một tầm nhìn mới, đúng vị trí vai trò của đô thị mới. Kế tiếp là tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp TP Thủ Ðức đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Ðây là vấn đề khó nhất vì liên quan đến con người cụ thể, nhưng nếu không vượt qua được thách thức này sẽ không thay đổi được chất lượng công vụ và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố này. Cuối cùng, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Ðức theo nguyên tắc: việc gì chính quyền Thủ Ðức có thể làm tốt, thì phân cấp, phân quyền cho Thủ Ðức làm, các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay. Một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị. Tất cả những điều này đều hướng tới mục tiêu TP Thủ Ðức là hình mẫu của mô hình chính quyền đô thị hiện đại.

Với quy mô kinh tế, diện tích 211 km2, dân số hơn 1,2 triệu người…, TP Thủ Ðức được xếp đô thị loại I. Theo quy hoạch, dân số Thủ Ðức năm 2060 sẽ là ba triệu người với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0 liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TP Hồ Chí Minh.

Tổ chức thực hiện: Lưu Hương, Phương Thảo, Minh Phú