Hành trình tìm hình mẫu bảo tồn di sản khảo cổ

Tròn mười năm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Dù rất được quan tâm, đầu tư và đã có nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra từ quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản đặc biệt này: Tiến độ khai quật chậm, phần đông người dân chưa nhận thức được giá trị... Và, cho đến giờ, sau số phận đặc biệt may mắn của Hoàng thành Thăng Long, những ứng xử với các di sản khảo cổ vẫn chưa có nhiều thay đổi, trong khi, rất nhiều những giá trị không thể đong đếm được đang tiếp tục bị quên lãng, tàn phá.

Trưng bày hiện vật gốm khai quật tại Hoàng thành Thăng Long trong bảo tàng ở tầng hầm nhà Quốc hội. Ảnh: VƯƠNG ANH
Trưng bày hiện vật gốm khai quật tại Hoàng thành Thăng Long trong bảo tàng ở tầng hầm nhà Quốc hội. Ảnh: VƯƠNG ANH

Điển hình và duy nhất

Nếu coi Hoàng thành xưa là một pho sử, thì toàn bộ khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, mới hé mở vài trang. Còn những câu chuyện kỳ vĩ hơn thế vẫn đang chờ chúng ta khám phá. Đấy là lý do dù chỉ là những phế tích và một số công trình nổi còn tồn tại, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (gồm Khu thành cổ và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu) đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Những năm sau đó, trung bình mỗi năm, Viện Khảo cổ học phối hợp các cơ quan khai quật trung bình khoảng 1.000 m2 ở khu Thành cổ. Ở tất cả các vị trí đã khai quật, các địa tầng văn hóa luôn trải dài qua các triều đại: Lý - Trần - Lê sơ - Lê trung hưng - Nguyễn. Điều đó minh chứng cho một trung tâm quyền lực tối cao của đất nước suốt gần nghìn năm lịch sử. Một số địa điểm khai quật còn tìm thấy dấu tích thời Tiền Thăng Long. Những giả thuyết lịch sử được chứng minh. Nhiều phát hiện đáng kinh ngạc về quy mô kiến trúc, trang trí, tầm nhìn quy hoạch của cha ông trong xây dựng... 

Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất trong cả nước có một Hội đồng tư vấn khoa học mà thành viên đều là các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Di sản quốc gia. Các quyết định liên quan đến Hoàng thành Thăng Long đều tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đây là một trong những bài học kinh nghiệm trong quản lý các di sản quan trọng. Công tác nghiên cứu được tiến hành nghiêm túc, bài bản, trong đó có việc khai quật khảo cổ. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (đơn vị trực thuộc UBND thành phố Hà Nội có chức năng quản lý Hoàng thành Thăng Long) cũng từng bước phát huy giá trị di sản đặc biệt này. Nổi bật là việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để thu hút khách tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục di sản, ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá giá trị Hoàng thành Thăng Long… 

Tuy nhiên, sau 10 năm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, giá trị của di sản vẫn chưa được nhiều người biết đến. Các cuộc khai quật đã đem đến nhiều kiến thức giá trị, về những lâu đài, điện gác khi xưa, về trình độ quy hoạch, kỹ thuật xây dựng và giá trị mỹ thuật của các trang trí kiến trúc… Song, sau khi được đào lên, các nhà khoa học tìm hiểu, giới thiệu với báo chí, phần lớn các hố khai quật lại được… lấp cát. Hiện khách tham quan chỉ có thể nhìn thấy qua hình ảnh, tư liệu. 

Các cuộc khai quật được tiến hành liên tục, song chưa có tính thống nhất về định hướng, tầm nhìn nên năm thì khai quật phía trước nền điện Kính Thiên, năm khai quật phía sau. Điều này dẫn tới mỗi khu vực chúng ta có hiểu biết một ít. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội cho rằng, do Hoàng thành Thăng Long hầu hết là phế tích, việc phục dựng điện Kính Thiên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, quảng bá, cung cấp cho nhân dân hiểu biết và thêm tự hào về Hoàng thành xưa. Tuy nhiên, việc phục dựng điện Kính Thiên thời Lê sơ được UBND thành phố Hà Nội đưa ra cách đây nhiều năm vẫn chưa được triển khai.

10 năm là khoảng thời gian khá dài, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại những việc đã và chưa làm được đối với một di sản quan trọng bậc nhất của đất nước, để từ đó có các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp. 

Những “số phận” long đong

Cái độc đáo nhất của Hoàng thành Thăng Long là một di sản khảo cổ học, nơi mà những gì phát hiện mới chỉ hé lộ một phần rất nhỏ giá trị của di sản. Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, còn… rất nhiều di sản như thế. Cách Hoàng thành Thăng Long chưa đầy 20 km về phía tây, có một phức hợp khảo cổ nổi tiếng khác: Di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Đây cũng là một trong những di chỉ lớn nhất nước ta. Dù bị thu hẹp so với khi mới phát hiện, tổng diện tích di chỉ Vườn Chuối hiện là khoảng 12.000 m2. 

Hành trình tìm hình mẫu bảo tồn di sản khảo cổ -0

Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2019. 

Nếu các hiện vật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long bắt đầu từ thời Đại La và kéo dài hơn 1000 năm sau đó, thì các hiện vật tại di chỉ Vườn Chuối phản ánh đời sống cư dân trong một giai đoạn dài hơn: Trong khoảng 1500 năm, từ 3500 đến 2000 năm cách ngày nay. Nếu Hoàng thành Thăng Long trải qua các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn thì di chỉ Vườn Chuối hội tụ hiện vật của ba nền văn hóa quan trọng nhất của Việt Nam giai đoạn sơ sử: Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Thậm chí, có cả dấu hiệu của văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn muộn. PGS,TS Tống Trung Tín đánh giá, Vườn Chuối là di chỉ quan trọng bậc nhất của thời Hùng Vương và tiền Hùng Vương, cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về cuộc sống, xã hội người Việt cổ khi di chuyển từ vùng cao xuống vùng đồng bằng.

Điểm khác nhau căn bản giữa hai di chỉ khảo cổ này là, Hoàng thành Thăng Long được “chăm chút” cẩn thận. Còn Vườn Chuối luôn trong tình thế “trứng để đầu đẳng”. Sau khi được quy hoạch thành… khu đô thị từ thời còn là tỉnh Hà Tây, di chỉ Vườn Chuối liên tục bị xâm hại ở nhiều mức độ khác nhau. Các nhà khoa học đều đã thống nhất đề xuất Hà Nội làm hồ sơ công nhận di chỉ Vườn Chuối là Di tích cấp quốc gia từ năm 2018. Hơn hai năm trôi qua, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo quy định, những dự án kinh tế sẽ tạm đình chỉ để thực hiện nghiên cứu nếu phát hiện hiện vật khảo cổ học. Thực tế, đang có một thứ tâm lý “sợ khảo cổ”. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn coi các phát hiện khảo cổ là “vật ngáng đường”. Hoàng thành Thăng Long, tuy chưa xứng với kỳ vọng, nhưng vẫn còn nhiều may mắn. Trong khi đó, thế giới có muôn vàn câu chuyện về khai thác giá trị của các khu khảo cổ. Nhật Bản từng phát hiện cung điện Heijo (cố đô Nara) bị chôn vùi hơn 1000 năm dưới lòng đất. Cung điện Heijo có nhiều điểm tương đồng với Hoàng thành Thăng Long: phần lớn các di sản bị chôn vùi, có kích thước tương đương và cùng là Di sản Văn hóa thế giới. Ngoài phần giới thiệu mang tính chất bảo tàng, nhiều hạng mục của Cung điện Heijo được phục dựng trong những năm gần đây và trở thành địa điểm tham quan không thể thiếu khi đến tỉnh Nara. 

Số phận long đong của các di chỉ khảo cổ xuất phát từ tư duy coi trọng kinh tế hơn văn hóa và tầm nhìn ngắn hạn về văn hóa. Có điều, di chỉ khảo cổ là những di sản không thể tái tạo, và rất dễ bị xâm hại. Từ dấu mốc 10 năm của “câu chuyện đẹp” của Hoàng thành Thăng Long, đã đến lúc các cấp, ngành liên quan cần có động thái quyết liệt hơn để cứu vãn những di sản khảo cổ vô giá đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.

Tổ chức chuyên đề: VŨ MAI HOÀNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO, NGUYỄN VĂN HỌC