Hành trình đón công dân từ tâm chiến sự

Hành trình hơn 7.000km trong tháng 3/2022 dọc theo các tỉnh biên giới của Nga giáp Ukraine để đón công dân Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự là một hành trình đủ cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, hồi hộp đến vỡ òa hạnh phúc. Tôi may mắn được góp mặt trong hành trình ấy, không chỉ trong tư cách một người làm báo, mà hơn thế, là một người Việt góp tay thắt chặt nghĩa đồng bào nơi đất khách quê người.

Đoàn xin lên xe tại cửa khẩu để tìm người Việt Nam.
Đoàn xin lên xe tại cửa khẩu để tìm người Việt Nam.

1 Từ Moscow, Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga xuống tàu tại thành phố miền nam Krasnodar vào một sáng sớm. Từ đây đến chỗ hẹn đón công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine, đoàn phải đi ô-tô thêm 5-6 giờ đồng hồ nữa. Tại điểm tạm nghỉ trên đường, đứng dưới tấm biển có hình mũi tên kèm dòng chữ Kherson, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí chiến sự đang lướt qua ngay trên gò má mình. Có chút gì đó lạnh gáy, khi những chiếc máy bay lên thẳng cá sấu vút trên đầu.

Xe tăng nối đuôi. Những binh sĩ được trang bị đủ loại vũ khí với khuôn mặt lạnh tanh, gạt tay yêu cầu cánh phóng viên đang lăm lăm điện thoại lùi lại. Bên phía Ukraine, chỉ thấy hoàng hôn một màu đỏ rực. Thời điểm đó, những trận đánh ở Kherson (Ukraine) được phản ánh diễn ra ác liệt. Người dân trong vùng chiến sự phải dùng những bao cát, bì gạo chắn nơi cửa sổ, để mảnh kính vỡ do bom đạn không bắn vào nhà.

Trên con đường hun hút băng qua những cánh đồng cỏ vừa nhú, chúng tôi tiếp tục hành trình theo hướng mũi tên trên biển báo, dù "còn chút mơ hồ về thời gian và điểm đến". Chiều ngược lại, những xe thiết giáp sầm sập từ hướng bên kia sang. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Nga xin lên ngồi trước, kê máy ảnh sau kính để chụp những gì đập vào mắt. Nhưng trước những nòng pháo xe tăng, trước những khuôn mặt binh lính dù bịt kín vẫn lộ ra "vẻ sắc nhọn" của chiến trường, anh cũng chỉ dám chụp vài ba tấm rồi đặt vội máy ảnh ra đằng sau. Sau này, bản thân anh dù là một người mê vũ khí, cũng thừa nhận cảm thấy rợn người khi đối diện những cỗ xe tăng nòng còn bám thuốc súng, hay những binh sĩ từ nơi chiến trận trở về. Thế mới hiểu cảm giác của những người Việt Nam mắc kẹt trong vùng chiến sự, họ đã hoang mang đến nhường nào.

Cuối đường, nơi barriere chắn ngang không thể đi tiếp, cả đoàn xuống xe. Ngoài chúng tôi, những gia đình khác, cả người Nga, cả người Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang sốt sắng chờ đón người từ bên kia Kherson sang. Họ nhấp nhổm, đứng rồi ngồi không yên, chốc chốc lại ngó ra phía sau lưng đoàn xe an ninh chắn đường.

Trời về chiều muộn, nhiệt độ giảm nhanh, gió rít từng cơn se sắt. Đoàn công tác tiếp cận lực lượng cảnh sát, để hỏi thời điểm đến của đoàn xe Bộ Quốc phòng Nga chở người nước ngoài sơ tán từ Kherson. "Xin tiếp tục đợi!", một nhân viên trả lời. "Khu vực nhạy cảm, cấm quay phim, chụp ảnh!", chúng tôi bị yêu cầu xóa hết hình trong máy, dù mới chỉ đưa ống kính lên.

Tình thế khiến chúng tôi lo lắng: "Nếu bị cấm nghiêm ngặt, thì tác nghiệp làm sao?". Đang còn bối rối, thì một đoàn phóng viên địa phương bất ngờ đến. Không nghĩ ngợi nhiều, chúng tôi im lặng nhập đoàn. Nhân viên an ninh biết chúng tôi là phóng viên, tỏ ra bất ngờ và gật đầu. Từ bên kia, chiếc xe buýt mầu trắng số 7, chiếc xe dường như cuối cùng trong đoàn, chở người Việt Nam cũng vừa đến nơi. Đầu xa, chúng tôi thấy những đồng bào xách ba-lô xuống xe, mắt nhìn tứ phía. Thấy chúng tôi vẫy tay, họ cười vẫy lại. Đó là 14 người Việt Nam đầu tiên sơ tán từ Kherson sang Krasnodar (Nga).

Dù khó khăn, song chúng tôi cố gắng xin nán lại tại trạm kiểm tra, để hỗ trợ đồng bào trong khâu phiên dịch. Từ điểm đến đó, họ phải làm thủ tục lần một. Rồi thêm một lần nữa ở trạm trung chuyển cách đó mấy km. Những phóng viên Nga có mặt tại trạm dừng chân, hỏi chúng tôi từ đâu tới, rồi bất ngờ khi biết được đoàn công tác đi cả mấy nghìn cây số để đến đây đón công dân Việt Nam. Cảm giác ngạc nhiên ấy, sau đó mấy hôm, cũng được bà chủ khu nhà nghỉ thể hiện ra. Chúng tôi phải qua đêm ở khu nhà nghỉ của bà tại thành phố Taganrog (tỉnh Rostov, Nga) để sáng hôm sau lên cửa khẩu đón công dân Việt Nam sơ tán từ thành phố Mariupol (Ukraine). Người phụ nữ đó tiễn chúng tôi ra tận cửa, không quên chúc đoàn may mắn, và nhờ chuyển lời chúc tốt đẹp đến những công dân đang phải đối diện biến cố lần này.

2 Sự xuất hiện của đoàn công tác là vô cùng quan trọng. Cán bộ ngoại giao có thể tiếp cận và yêu cầu sự hỗ trợ từ chính quyền, lãnh đạo cửa khẩu. Ngoài ra, sự năng nổ của cán bộ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tiếp thêm niềm tin và động lực không chỉ cho bà con Việt Nam ở Ukraine đang muốn sơ tán, mà còn cho cộng đồng người Việt Nam ở các thành phố biên giới đang sẵn sàng đón người lánh nạn.

Như hôm đoàn công tác có mặt ở thành phố Rostov trên sông Đông (tỉnh Rostov, Nga) để chuẩn bị đón công dân Việt Nam sơ tán từ Donetsk. Tối hôm đó, trong một quán ăn nhỏ của người Việt ở một khu chợ thưa khách, giọng một người đàn ông văng vẳng. Người này đang gọi vội cho người quen ở Donetsk, sau khi trò chuyện với đoàn và nắm được lịch trình đón cụ thể. Ông thúc giục: "Có các anh sứ quán ở đây, bà con ai có nguyện vọng sơ tán hồi hương thì phải thật nhanh chóng có mặt tại cửa khẩu vào trưa mai, để đoàn đón đưa về chỗ nghỉ tạm". Ông hỏi han kỹ càng người bên kia đầu dây về phương tiện đưa đồng bào từ nhà ra cửa khẩu. Hôm đó, đoàn công tác đón thêm 10 người từ Donetsk. Ai cũng phấn khởi khi thoát khỏi vùng chiến sự, hạnh phúc khi chuẩn bị được hồi hương. Một người phụ nữ không cầm được nước mắt: "Cảm ơn Đảng và Chính phủ, thoát khỏi vùng chiến sự là chúng tôi sống sót rồi".

3 Trong nhiều chuyến đi bảo hộ công dân, không phải chuyến nào đoàn cũng có thể đón người thành công. Có chuyến, dù đã rất nỗ lực, liên hệ, tìm kiếm mọi cách, song vẫn không đón được ai. Đó là chuyến đi đón người Việt Nam lánh nạn từ Mariupol (Ukraine) sang Nga qua cửa khẩu tỉnh Rostov của Nga giáp Ukraine. Trong danh sách hàng chục người Việt đăng ký sơ tán sang Nga qua hành lang nhân đạo, không thể liên hệ với một ai. Họ mắc kẹt nhiều ngày dưới hầm không điện, không sóng điện thoại.

Nhưng vì tình thế đã quá nguy cấp, chiến sự ở Mariupol nguy hiểm, nên kể cả không liên hệ được ai, thì đoàn vẫn quyết tâm lên tận cửa khẩu, xin bước lên từng xe di chuyển từ Ukraine sang để tìm công dân Việt Nam. Rồi mỗi người chia ra mỗi ngả, người đi tìm an ninh cửa khẩu, người vào các lều tạm, người hỏi các tài xế… Không có kết quả, đoàn lại trở về thành phố, đến từng khu của người tị nạn để tìm. Trong hàng nghìn người khổ sở hôm đó, không có một ai là người Việt Nam. Tin vui cuối ngày chỉ là có thông tin một số người Việt Nam đã ra bến tàu trong thành phố và di chuyển đến nơi khác. Chúng tôi được an ủi phần nào, ít ra thì họ cũng đã an toàn ở Nga.

Tiếp xúc với những người vừa phải bỏ lại hết mọi thứ, tôi thấy họ lạc quan nhiều hơn tiếc nuối. Với họ, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Họ tự hứa sẽ phải sống tốt, vì hai điều. Một là, để hẹn ngày được trở lại đất nước Ukraine và đáp lại sự đón tiếp, giúp đỡ họ vượt qua hoạn nạn. Hai là, để không phụ những tấm lòng người Việt tại Nga, những người đã đau nỗi đau cùng họ, xót nỗi khổ với họ, và không bao giờ bỏ rơi đồng bào, nhất là trong khốn khó.