Hành động, giải ngân dựa vào cảnh báo

Thay vì cứu trợ sau thiên tai như cách làm truyền thống, việc hỗ trợ tài chính dựa trên dự báo (FbF) trước thiên tai bằng hàng hoặc tiền là phương thức tiếp cận mới, sẽ giúp người dân tính chủ động ứng phó thiên tai vốn đang gia tăng về tần suất và mức độ.

"Một đô" đầu tư cho hành động sớm sẽ giảm "ba đô" sau thiên tai

Tại Việt Nam, hành động và giải ngân sớm dựa trên dự báo đã có được các tiếp cận bước đầu. Cụ thể là mô hình "Sẵn sàng cho FbF" về nắng nóng tại các đô thị được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Ðức. Dựa trên thông tin do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp, các nguồn quỹ sẽ được huy động khi xác định được mức độ cảnh báo của nắng nóng. Dự án hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương bởi nắng nóng như nhóm lao động đường phố, người cao tuổi, trẻ em và những người được chăm sóc ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội và các bệnh viện. Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, mô hình thí điểm đã ghi nhận những thành công tại Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng và bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình trong việc ứng phó thiên tai.

Hành động sớm không chỉ giảm rủi ro sốc nhiệt do nắng nóng đô thị, cách tiếp cận mới này còn được mở rộng với các loại hình như hạn hán tại các tỉnh Gia Lai và một số địa phương ở Tây Nguyên, hay Cà Mau và một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long trong hai năm qua. Ðặc biệt sắp tới, các tổ chức phi chính phủ, như CARE và đối tác sẽ đẩy mạnh mô hình này đến cộng đồng dễ bị tổn thương nhất là người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo, trẻ em và người khuyết tật tại Quảng Trị - nơi hứng chịu các cơn bão liên tiếp cuối năm 2020, và Ninh Thuận - địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của khô hạn. Người dân, đặc biệt những người dễ bị tổn thương bao gồm cả trẻ em, và người khuyết tật sẽ cùng tham gia rà soát và đánh giá các rủi ro do bão lũ cực đoan gây ra đối với sinh kế, đời sống, sức khỏe, môi trường… nơi họ sinh sống.

Dựa trên thông tin cung cấp, cơ quan chức năng sẽ cùng nhau xác nhận ngưỡng kích hoạt hành động sớm và chương trình cụ thể trong một bản kế hoạch hành động. Vai trò điều phối, trách nhiệm triển khai của tất cả các bên từ cá nhân, hộ gia đình, thôn trưởng, đội xung kích, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tại xã và các ban, ngành chính như nông nghiệp, y tế… được xác định rõ. Việc giải ngân trước sẽ giúp cho các hành động cụ thể, như chuẩn bị gia cố nhà cửa và chuồng trại, chuẩn bị thuốc chữa bệnh và vật tư y tế cần thiết, thu hoạch cấp tốc và bảo quản lúa, ngô, khoai trước bão lũ… của người dân, đặc biệt là người nghèo và khó khăn được làm triệt để và nhanh chóng.

Bằng cách hành động dựa trên khung thời gian cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra, việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo sẽ hiệu quả hơn và cùng lúc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai. Bên cạnh thực hiện ở nước ta, cách tiếp cận mới này được thử nghiệm ở nhiều nước đã chứng minh hiệu quả ban đầu và sẽ cần thiết hơn trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nặng nề. Ðặc biệt là khi áp dụng cách thức truyền thống cứu trợ dựa trên nhu cầu không đủ kinh phí và chi phí phải bỏ ra lớn gấp nhiều lần. Một phân tích ở Bangladesh đã cho thấy, một dollar đầu tư cho hành động sớm sẽ giảm được ba dollar thất thoát sau lũ lụt.

Mở rộng áp dụng và chuẩn hóa quy trình

Hỗ trợ tài chính dựa trên dự báo là một phương pháp cho phép tiếp cận nguồn tài trợ nhân đạo để có hành động sớm được thực hiện
dựa trên thông tin khí tượng thủy văn, kết hợp với phân tích rủi ro, để chuẩn bị ứng phó trước các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mục tiêu FbF là dự đoán trước các thảm họa, giảm tác động của thiên tai và qua đó giảm những ảnh hưởng và thiệt hại.

Từ những thành công ban đầu và các bài học ngày càng được củng cố, các tổ chức phi chính phủ cũng như tổ chức nhân đạo quốc tế có dự định mở rộng áp dụng và chuẩn hóa quy trình thực hiện để có thể đưa vào hệ thống quản lý rủi ro thiên tai của Chính phủ. Cách tiếp cận này sẽ được mở rộng ra các loại hình thiên tai khác cần có sự dự báo trước như sạt lở đất, lũ quét, hạn hán. Việt Nam mong đợi là quốc gia hàng đầu tại ASEAN đẩy mạnh triển khai hành động sớm dựa vào cảnh báo để bảo đảm an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Với mong muốn như vậy, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp cần tạo động lực cơ bản để tiến tới việc thực hiện FbF qua việc thể chế hóa FbF, đưa FbF trực tiếp vào Chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng (1002) để nhân rộng ra các địa phương. Các hiệu quả và bằng chứng cần được các tổ chức quốc tế phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai chia sẻ và trao đổi rộng rãi với các địa phương. Các chương trình quản lý giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Chính phủ đẩy mạnh nhận thức và xây dựng năng lực cho hành động sớm và hỗ trợ sớm. Quỹ phòng, chống thiên tai tại các địa phương chưa được sử dụng hiệu quả cần mạnh dạn thí điểm và có cơ chế sử dụng Quỹ cho công tác xây dựng năng lực, kế hoạch hành động và giải ngân sớm.

Thiết nghĩ, Chính phủ cần xây dựng những cơ chế để huy động các quỹ Nhà nước, tư nhân và quốc tế cùng chung tay trong cuộc chiến biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, cụ thể Chương trình hợp tác đối tác Quản lý rủi ro thiên tai (NDM-P) cần đẩy mạnh việc hỗ trợ cho phương pháp tiếp cận mới này ■

NGUYỄN THỊ YẾN

Chuyên gia về Biến đổi khí hậu

và Giảm thiểu rủi ro thiên tai - Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam