Giữ an toàn cho trẻ trong mùa hè “đặc biệt”

Việc nghỉ hè sớm để thực hiện nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu: phòng, chống dịch Covid-19 là giải pháp hiệu quả tối ưu nhất giúp chúng ta bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, song cũng đặt người làm giáo dục và bậc cha mẹ trước câu hỏi: Phải làm gì để bảo vệ sự an toàn cho trẻ trong mùa hè mà dịch Covid-19 vẫn đang hằng ngày tiến công cuộc sống của chúng ta?

Trong kỳ nghỉ hè mùa Covid-19, cha mẹ cần sắp xếp cho trẻ có khoảng thời gian hoạt động ngoài trời một cách an toàn để vừa giúp trẻ tăng cường sức đề kháng vừa mở mang hiểu biết về thiên nhiên. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trong kỳ nghỉ hè mùa Covid-19, cha mẹ cần sắp xếp cho trẻ có khoảng thời gian hoạt động ngoài trời một cách an toàn để vừa giúp trẻ tăng cường sức đề kháng vừa mở mang hiểu biết về thiên nhiên. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Một mùa hè vắng… các khóa kỹ năng sống

Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ, mùa hè năm nay quá đặc biệt, rất khác, không chỉ đến một cách đột ngột khiến họ không kịp xoay xở các kế hoạch mà còn làm dở dang việc học, việc kiểm tra cuối kỳ của con. Đơn cử tại Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội những mùa hè trước, dịp đầu hè sẽ có kế hoạch tuyển sinh cho các câu lạc bộ (như câu lạc bộ bóng rổ, bóng chuyền, học đàn, học múa, học vẽ, giáo dục kỹ năng sống…) thì thời điểm này, dù học sinh đã nghỉ hè Cung vẫn cửa đóng im ỉm. Các hoạt động vui chơi tại các công viên, khu vui chơi giải trí dịch vụ chung tình trạng đóng băng.

Các hoạt động ngoại khóa sôi động mùa hè vốn là niềm ham thích của trẻ thì nay đều phải tạm dừng hoạt động. Một số đơn vị tổ chức cho biết, họ chỉ nhận ghi danh, chưa hứa hẹn thời điểm tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cũng có đơn vị nhanh nhạy đã mời chào phụ huynh đăng ký khóa “trại hè online” đào tạo các kỹ năng sống miễn phí. Tuy nhiên, với những khóa này, trẻ cũng phải làm bạn với thiết bị điện tử thay vì các hoạt động trải nghiệm, khám phá ngoài trời nên không thật sự khiến cha mẹ an tâm.

Ý thức được vai trò quan trọng của việc giữ an toàn cho trẻ khi ở nhà trong mùa hè có dịch, cùng lúc với việc vẫn phải tổ chức ôn luyện để chờ ngày trở lại trường thi học kỳ II, nên tại một số địa phương như Hà Nội, vào mỗi tiết dạy học online, giáo viên các trường học đều cố gắng lồng ghép giáo dục học sinh các kỹ năng phòng tránh nguy cơ, rủi ro trong cuộc sống; phòng, chống dịch bệnh. Song các hoạt động như vậy không phải địa phương nào cũng có, và không thường xuyên, nhất là tại vùng nông thôn nhiều trẻ không có đủ điều kiện để tiếp cận các phương tiện điện tử học trực tuyến. Chưa kể, nhiều trẻ tại nhiều vùng dịch phải chịu cách ly y tế với thời gian dài, nếu không được tiếp cận với các hoạt động nghe nhìn, hoặc vui chơi tại chỗ, rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, bơ vơ, bí bách có thể dẫn đến trầm cảm. Nhưng ngay cả với những trẻ em khu vực đô thị, thì việc tiếp xúc dễ dàng với TV, iPad cũng mang đến rủi ro khiến cho trẻ sinh hoạt thiếu điều độ dẫn tới có hại cho sức khỏe. 

Nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ lo ngại, chưa có nhiều chương trình về phòng tránh rủi ro, nguy hiểm trong cuộc sống đối với trẻ khi ở nhà (nhất là bối cảnh mùa hè năm nay phải ở nhà dài ngày) đến được với cộng đồng, trong khi tại các nước phát triển, các chương trình này khá phổ biến.

Giúp trẻ phòng vệ và sinh tồn

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 tuổi chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Chỉ tính riêng tại Khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích do hóc dị vật, ngộ độc do uống nhầm xăng, thuốc diệt cỏ, bị bỏng, điện giật… Trong rất nhiều tai nạn này xảy ra tại nhà, là do sự bất cẩn của người lớn, hoặc do trẻ thiếu các kỹ năng phòng tránh nguy cơ xảy ra khi không có sự giám sát, quản lý của người lớn.

Chính vì vậy, trong thời gian nghỉ hè ở nhà phòng, chống dịch, trẻ cần được người lớn giám sát. Các chuyên gia khuyên, quản lý con, như đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi - độ tuổi thường hiếu động, tò mò, muốn tìm hiểu thế giới chung quanh, nên  bậc cha mẹ lưu ý quan sát, cẩn thận các vật sắt nhọn, phích nước, nơi để thuốc chữa bệnh, độ an toàn ban-công nhà cao tầng... để tránh những rủi ro không đáng có. Còn đối với trẻ độ tuổi lớn hơn, nên chủ động giáo dục các kỹ năng phòng khi không có sự giám sát, quản lý của người lớn như trang bị kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp có hỏa hoạn; kỹ năng sơ cứu khi bị thương nhẹ; kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể tin tưởng khi bị tiến công, đe dọa… 

Trong trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà một mình, cha mẹ cần trả lời một số câu hỏi như: Trẻ đã đủ lớn để ở nhà một mình chưa? Trẻ có thể nói chuyện, gọi điện thoại, tự mở - khóa cửa và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm không? Trẻ có thể tự sơ cứu khi bị thương không? Từ đây, cần lưu ý khuyến cáo của Hiệp hội Chống bạo hành trẻ em Vương quốc Anh (NSPCC), cha mẹ và người chăm sóc tuyệt đối không được để trẻ dưới 5 tuổi ở nhà một mình. Trẻ dưới 12 tuổi không nên ở một mình trong thời gian dài (quá bốn giờ vào ban ngày). Trẻ từ 13-16 tuổi không nên ở nhà một mình qua đêm. Cha mẹ cũng không nên để trẻ dưới 9 tuổi trông em nhỏ hơn khi người lớn không ở nhà.

Ngoài học kỹ năng sống, sinh tồn, học sống độc lập, học làm việc nhóm, học sẻ chia… những điều mà giáo dục truyền thống chưa đủ điều kiện, thời gian, con người để dạy cho trẻ, thì theo các chuyên gia giáo dục, trong thời gian dịch bệnh, trẻ bị hạn chế ra ngoài vui chơi, bậc cha mẹ có thể cùng con lên một lịch trình sinh hoạt giúp trẻ không rơi vào cảnh “không biết làm gì” dẫn đến “ngủ nướng”, hay xem TV thả phanh. Lịch sinh hoạt mới sẽ bao gồm những nội dung công việc trong ngày. Trong đó, cha mẹ không nên áp đặt mà cho con chủ động đưa ra những hoạt động đan xen giữa học, đọc sách, tập vẽ, học đàn, tập thể dục, giúp cha mẹ làm việc nhà. Cha mẹ vừa là người hướng dẫn vừa giám sát. Và để nâng cao vốn tiếng Anh, cha mẹ lựa chọn các gói tiếng Anh trực tuyến cho con. Đồng thời, trong kỳ nghỉ, chúng ta cũng nói chuyện để con hiểu tình hình dịch bệnh, bố trí thời gian để cùng chơi với con, học với con, chia sẻ để con biết yêu thương, trân trọng quãng thời gian sao cho trẻ cảm nhận được trải qua một kỳ nghỉ hè lý thú và bổ ích như chưa hề có dịch. 

Mùa hè năm nay cần thiết hạn chế đi du lịch xa, hay du lịch biển, chính là giải pháp hiệu quả tối ưu nhất giúp chúng ta bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, không phải chỉ ở trong nhà 24/24 giờ là cách phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, các con cần có thời gian tiếp xúc với thiên nhiên, vận động ngoài trời như sảnh khu chung cư, trước ngõ xóm… Đây cũng là cách tăng cường hệ miễn dịch, giúp sức đề kháng cho trẻ thêm mạnh mẽ, nhưng cần nhớ luôn tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

14_1-1622192606152.jpg

Các khóa “trại hè online” chưa thật sự hiệu quả, nên phụ huynh cũng không mấy “mặn mà”. 

Tổ chức thực hiện: LƯU HƯƠNG, NGUYỄN HÀ, NGHĨA NAM.

NGUYỄN THÚY HẰNG

Chuyên gia nghiên cứu gia đình và trẻ em